Thiếu giúp việc, quán ăn thi nhau tăng giá sau dịp Tết

Bài và ảnh: Nhã Đan,
Chia sẻ

Do người giúp việc vẫn chưa trở lại làm việc, nhiều quán ăn trên phố cổ Hà Nội chủ quán vừa làm vừa kiêm luôn dọn rửa. Vì thế mà nhiều quán tăng giá mạnh dịp này.

Sau Tết, giúp việc đủng đỉnh ăn chơi, chủ quán ăn “xanh mặt”

Sau Tết, hầu như các quán ăn từ quán vỉa hè tới quán ăn lớn đã mở cửa trở lại. Các quán ăn, hàng ăn đều có chung 1 nỗi niềm là "người giúp việc lần lữa". Nhiều chủ quán vịn vào lý do này mà tự tiện tăng giá đồ ăn để bù đắp vào công mình tự bỏ ra để phục vụ khách. Không chỉ thế, họ còn cáu kỉnh và phục vụ chậm trễ.

Trong những ngày sau Tết, có những lúc một bát phở được hét giá 75.000 đồng, đắt gấp rưỡi bình thường. Một bát bún riêu có khi lên tới 50.000 đồng. Thực khách không chỉ phải trả số tiền cao, mà còn phải chờ rất lâu để ăn những bát phở, bát bún lèo tèo, sai yêu cầu.

Thiếu giúp việc, quán ăn thi nhau tăng giá sau dịp Tết 1
Vì sự chậm trễ của người giúp việc, sau Tết nhưng nhiều chủ quán ăn vẫn phải ngậm ngùi xắn tay vào tự bưng bê, tự nhổ lông gà để phục vụ khách hàng.

 Chưa khi nào sau Tết, nhiều hàng quán ăn lâm vào cảnh ngóng giúp việc như ngóng mẹ đi chợ về.

Đã hẹn như đinh đóng cột rằng “ngày 5 tháng 2 (mùng 6 Tết) là bác mở hàng, cháu phải lên từ mùng 4 đấy nhé”, nhưng mãi tới sáng nay mùng 10 tháng 2, người giúp việc nhà chị Linh (chủ quán ăn nhẹ chuyên bún riêu, bún bò, bún ốc, quán nằm trên phố Hàng Buồm) chưa thấy đâu.

Vì mùng 6 Tết là ngày mở hàng đẹp, lại hợp tuổi với mình nên chị Linh đành nhắm mắt mở hàng trong khi 3 giúp việc vẫn hẹn lần lữa hết ngày này sang ngày khác, bỏ mặc những chiêu "câu kéo" về tiền lương thưởng đầy hấp dẫn của chị.

Chị Linh chia sẻ: “Đầu năm, khách đông mà một mình làm thì không xuể, mình huy động các con cháu, họ hàng, người nhà ra giúp cũng không xong. Một phần vì mọi người không quen bưng bê, một phần vì hiện tại hết Tết, ai cũng có việc riêng cả. Gọi năm lần bảy lượt, van xin giúp việc lên thì các cháu chỉ hứa hứa rồi lặn mất tăm. Mình không thể dọa dẫm hay cho nghỉ vì giờ kiếm giúp việc đâu có dễ”.

Chị ngậm ngùi khi phải chấp nhận đề xuất tăng lương của một giúp việc: "Cháu đó biết mình đang cần mà chưa ai ra sớm, thế là cháu giúp việc nằng nặc đòi 'cô tăng lương cho cháu thêm 800.000 nghìn đồng/tháng thì tối cháu bắt xe lên luôn'. Đang cần gấp, mình đành đồng ý cho xong".

Chị Nhàn – một chủ quán bán phở khá nổi tiếng ở phố Lý Quốc Sư cũng nằm trong hoàn cảnh dở khóc đó. Chị tâm sự: “Đầu năm khách đông mình chưa kịp mừng thì đã tủi tủi khi khách đứng dậy ra về khi phải chờ quá lâu”.

Chị Nhàn kể, bình thường chị có tới 7-8 người giúp việc nhưng năm nay cũng giống năm trước, cứ sau Tết là chị lại chóng mặt với công việc khi thiếu người làm. Là chủ hàng nhưng nhiều khi chị cũng phải tay năm tay mười làm mọi việc từ chế biến, tới rửa bát, vặt lông gà.

Đầu tuần: Giá cả các mặt hàng thực phẩm tương đối ổn định

Theo báo cáo của Sở Tài chính, trên thị trường, nguồn cung về hàng hoá dồi dào về số lượng, đa dạng về chủng loại, đủ đáp ứng nhu cầu mua sắm của mọi người. Giá cả thị trường trong cả nước đặc biệt tại thành phố Hà Nội, các nhóm hàng cơ bản ổn định, kể cả nhóm thực phẩm tươi sống (thịt lợn, thịt bò, thịt gà, thủy hải sản). Ghi nhận của nhóm phóng viên, mặt hàng này chưa xảy ra hiện tượng thiếu hàng, tăng giá gây sốt giá.

Thiếu giúp việc, quán ăn thi nhau tăng giá sau dịp Tết 2
Giá thịt lợn không có mấy biến động

Thông tin về chủng cúm mới A/H10N8 từ gia cầm mới phát hiện tại Trung Quốc, gây tử vong cho nhiều trường hợp nhiễm bệnh khiến thế giới và ngay cả Việt Nam lo ngại về khả năng bùng phát một chủng vi rút mới. Tuy tại Việt Nam chưa phát hiện ra trường hợp nhiễm cúm này nhưng nhiều bà nội trợ vẫn nói không với món thịt trắng này. Cụ thể, hiện tại, thịt gà hơi ổn định ở mức giá 95.000 đồng – 110.000 đồng/cân. Điều này khá đặc biệt, bởi dường như sau Tết năm nào giá gà cũng nằm trong nhóm thực phẩm có mức giá tăng mạnh.

Nhóm hải sản cũng ổn định, cá chép 70.000 đồng/cân, cá trắm khúc to 110.000 đồng/cân (mua cá trắm cả con từ 60.000 đồng/cân); thịt lợn có giá dao động từ 95.000-100.000 đồng/kg; thịt bò bắp 270.000 đồng/cân...

Giá thực phẩm rau, củ, quả tương đối ổn định. Cụ thể, na 65.000 đồng/cân, xoài cát 55.000 đồng/cân, dưa hấu đỏ 25.000 đồng/cân, bưởi 5 roi 35.000 đồng/cân, bưởi da xanh 80.000 đồng/quả, bưởi diễn 30.000 đồng/quả, chuối tiêu 20.000 đồng/cân, quýt Sài Gòn 70.000 đồng/cân, cam sành 50.000 đồng/cân, sầu riêng 75.000 đồng/cân. 

Thiếu giúp việc, quán ăn thi nhau tăng giá sau dịp Tết 3

Giá các loại rau xanh cũng ổn định trong mấy ngày nay, cụ thể, cải xanh 7.000 đồng/cân, rau cần 4.000 đồng/mớ; su hào có giá 2.000 đồng/củ; cà chua 7.000 đồng/kg, bắp cải 4.000 đồng/kg, khoai tây giá 20.000 đồng/kg, rau muống trái mùa 12.000/mớ to…

Vàng ổn định sau ngày Thần Tài

Trong ngày Thần Tài hôm qua (9/2), thị trường vàng khá sôi động khi hàng ngàn người đổ xô tới các cửa hàng kim hoàn để mua vàng cầu may. Kết quả là giá vàng tăng khoảng 100.000 đồng/lượng. Sau ngày Thần Tài, thị trường vàng bớt sôi động. Giá vàng ít biến đổi.

Giá vàng tại công ty Bảo Tín Minh Châu chưa có sự thay đổi đáng kể nào. Cụ thể, giá vàng SJC giao dịch ở mức 35,41 triệu đồng/lượng – 35,48 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Giá vàng miếng 999.9 (24k): Mua vào 33,04 triệu đồng/lượng, bán ra 33,57 triệu đồng/lượng. Vàng nhẫn tròn trơn 999.9 (24k): Mua vào 33,04 triệu đồng/lượng, bán ra 33,57 triệu đồng/lượng.

Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn không điều chỉnh mạnh giá vàng. Giá vàng SJC Hà Nội vẫn duy trì ở mức mua vào: 35,39 triệu đồng/lượng, bán ra 35,47 triệu đồng/lượng. Vàng SJC Hồ Chí Minh: Mua vào 35,39 triệu đồng/lượng; bán ra 35,46 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC Nha Trang: 35,39 triệu đồng/lượng – 35,48 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC Đà Nẵng: 35,40 triệu đồng/lượng – 35,48 triệu đồng/lượng.
 
Tại công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận, giá vàng cũng gần như đứng im. Giá vàng SJC giao dịch ở mức: Mua vào 35,39 triệu đồng/lượng – bán ra 35,46 triệu đồng/lượng. Giá vàng Phượng hoàng PNJ-DAB: Mua vào 33,60 triệu đồng/lượng – bán ra 34 triệu đồng/lượng. Giá vàng nữ trang 24k: 33,50 triệu đồng/lượng – 33,90 triệu đồng/lượng.

Tại Tập đoàn Doji, giá vàng niêm yết ở mức tương tự. Giá vàng Doji bán lẻ tại cả Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đều giao dịch ở mức 34,40 triệu đồng/lượng – 35,46 triệu đồng/lượng.

USD đã hạ nhiệt sau mấy ngày tăng nóng. Tại ngân hàng Vietcombank, giá USD giảm 5 đồng/USD. Tỷ giá niêm yết ở mức Mua vào 21.080 đồng/USD, bán ra 21.130 đồng/USD.

Tại ngân hàng BIDV, USD tăng 5 đồng/USD ở chiều mua vào so với cuối tuần trước. Tỷ giá niêm yết ở mức 21.085 đồng/USD – 21.130 đồng/USD.
Giá USD tại Eximbank không có nhiều biến đổi. Tỷ giá niêm yết ở mức: 21.060 đồng/USD – 21.130 đồng/USD.
Vietinbank là một trong số ít ngân hàng chưa điều chỉnh giá USD. Tỷ giá vẫn được niêm yết ở mức 21.175 đồng/USD – 21.130 đồng/USD.
 
Tại Sacombank, giá USD cũng đứng im. Tỷ giá được giao dịch ở mức 21.050 đồng/USD – 21.140 đồng/USD (mua vào – bán ra).



Mùng 10 tháng Giêng là ngày Vía Thần Tài, trước đây chỉ những người làm ăn kinh doanh mới để ý tới ngày này nhưng hiện nay, xu hướng mua vàng may mắn trong ngày này đã lan rộng tới nhiều người đặc biệt là dân công sở.

Thiếu giúp việc, quán ăn thi nhau tăng giá sau dịp Tết 4
Chia sẻ