Thất kinh vì thói “bà Tám” của chồng

Ngọc Duyên,
Chia sẻ

Cứ mỗi lần giỗ, tiệc là chị không biết giấu mặt vào đâu vì cả chuyện chăn gối của hai vợ chồng anh cũng đem ra “tám”.

Cưới chồng được ba năm, mặc dù đã biết quá rõ về tính nết của chồng mình nhưng chị Trinh (Quận 3, TP.HCM) vẫn không khỏi phiền muộn vì tính “bà tám” của chồng. Ngày chưa lấy nhau chị đã không ít lần phải đỏ mặt vì bị bạn bè của anh chọc về những vấn đề tế nhị như việc chị hôn dở, đồ lót của chị quá sặc sỡ… nhưng vì yêu và nghĩ sau này có gia đình anh sẽ khác, đàn bà hay buôn chuyện chứ đàn ông ai lại “tám” bao giờ. Thế nhưng tính “bà tám” của chồng chẳng những không thuyên giảm mà ngày càng như “được mồi bén lửa”. Khổ một nỗi là chuyện gì trong nhà mà chị cố tình lấp liếm che đậy đi thì anh anh lại hào hứng mang ra bày tỏ cùng bà con, bạn bè của cả hai vợ chồng.

Mỗi ngày đi làm về, sau khi cơm nước đã xong, anh lại lôi máy tính ra để buôn chuyện với bạn bè. Từ chuyện vợ chồng cãi nhau vặt vãnh, nhà còn bao nhiêu tiền, hôm qua đi đâu,… đến những chuyện chi li hơn như chị mới mua cái gì, hôm nay nhà ăn món gì anh đều mang ra làm chủ đề để bàn tán.

Có hôm đi ăn giỗ bên nhà nội, chị xấu hổ, ngại ngừng không biết trốn vào đâu vì ngượng khi trong bàn ăn, đột nhiên cao hứng, anh lôi cả chuyện chăn gối của hai vợ chồng ra để tám, làm cô chú trong họ ai cũng nhìn chị tủm tỉm cười. Cuối buổi, khi chị xuống nhà dưới dọn dẹp thì chị như sững người khi nghe các chị dâu nói về mình: “Con Trinh nhìn nhỏ thế mà cũng dữ quá ấy chứ”. Rồi các chị, các bà cười ồ lên khiến sau nhiều năm, mỗi lần có dịp chị em tề tựu chị vẫn cảm thấy ngại ngùng.
 

Nhiều lần tranh thủ lúc chồng đang cao hứng “buôn” chuyện nọ, “bán” chuyện kia với vợ, chị góp ý, khuyên chồng chuyện trong nhà không nên để người khác biết, họ xì xào thì xấu cả mặt vợ lẫn chồng. Nhưng chồng chị luôn cười xuề xòa nói: “Em cứ làm quá lên chứ tất cả đều là bạn bè thân thiết và gia đình chứ ai mà xa lạ”. Nói kiểu gì thì anh cũng kiếm cớ để bao biện cho tật xấu của mình và rồi chứng nào tật ấy, vợ nhắc được dăm ba bữa hôm sau lại đã thấy anh lôi chuyện nhà ra “tám”. Nghĩ đến chồng chị chỉ biết lắc đầu ngao ngán.

Còn anh Hải (Hàng Trống - Hà Nội) thì bị bạn bè, người quen đặt biệt danh “bà Tám”, bởi lẽ anh không chỉ buôn chuyện nhà mình mà chuyện nhà hàng xóm, chuyện công ty, chuyện bạn bè anh đều lôi ra làm chủ đề tám. Nhà bà A mới đánh nhau, nhà bà B trúng số hay bạn anh bỏ vợ, cặp bồ nhí… anh đều nắm rõ thông tin như người trong cuộc và hồn nhiên đi “tuyên truyền”.

Nhiều lần chị Hồng – vợ anh bị người ta tới nhà mắng té tát cũng vì tật buôn chuyện của chồng. Lắm lúc vợ chồng xung đột cãi nhau cũng chỉ vì anh thích “ngồi lê đôi mách” nhưng cứ rút kinh nghiệm lên, rút kinh nghiệm xuống mãi anh vẫn không bỏ được tật xấu của mình.

Có lần không biết anh thấy chồng của chị nhà hàng xóm đi với ai, thế nhưng ngay hôm sau khắp xóm đều biết, chị nhà bên nghe tin chạy qua dò hỏi việc anh Hải nắm bằng chứng “ngoại tình” của chồng mình và khóc lóc inh ỏi. Anh hàng xóm sau khi đi làm về thấy nhà cửa tối om, vợ con không thấy đâu. Hàng xóm chỉ chỏ, điều tiếng... Cuối cùng khi hỏi được nguyên nhân, anh hàng xóm xấn xổ xông tới đòi “dạy” cho anh Hải “bài học” để chừa thói “buôn tin thất thiệt” khiến chị Hồng sợ hãi như muốn rụng rời chân tay. Cũng may nhờ có hàng xóm can thiệp nếu không cũng không biết mọi chuyện đi đến đâu. Kể từ đó anh mới hết dám soi mói và đem chuyện người khác ra tám.

“Buôn chuyện” là cách giải tỏa áp lực và stress hàng ngày nhưng khi biến nó thành thói quen thì dù phụ nữ hay đàn ông đều hết sức tai hại. Mỗi gia đình có mỗi hoàn cảnh riêng, vì thế đừng biến mình thành kẻ “ ngồi lê đôi mách” khiến mọi người đều tránh xa và ghét bỏ.

Chia sẻ