Con rể coi mẹ vợ như người ở

Ngọc Duyên,
Chia sẻ

Được vài ba lần, những lần sau thấy mẹ bồng cháu, anh chỉ nói trỏng lỏn:“dọn cơm em, đói rồi” để mặc mẹ bồng cháu vất vả, chẳng thèm mời lấy một tiếng.

Cưới nhau được hai năm thì chị Hạnh (Gò Vấp – TP. HCM) có em bé, vì là con đầu lòng nên dù chị đã can ngăn mẹ và đưa ra giải pháp rằng sẽ thuê người giúp việc đỡ đần chị trong những ngày đầu sinh nở nhưng mẹ chị, vì thương con, quý cháu nên một mực đòi lên thành phố ở để chăm lo cho con gái mình với lí do: “Con so đầu lòng thì bà ngoại nuôi mới kĩ”. Nghe mẹ nói hợp tình, hợp lí nên chị bàn với chồng rồi quyết định đón mẹ lên ở với hai vợ chồng vài tháng đợi cả mẹ cả con cứng cáp hơn sẽ tính tiếp. Dù sao có mẹ chăm con, bà chăm cháu vẫn là hơn.

Có mẹ lên chăm, thời kì hậu sinh của chị trở nên nhẹ nhàng như không. Chồng chị không phải động tay động chân vào bất cứ việc gì trong giai đoạn chị kiêng cữ. Thương mẹ chật vật với con, cháu vì khi bé Mi - con chị bước sang tháng thứ 3 thì bắt đầu quấy khóc mãi, ban ngày bé ngủ ban đêm thì thức, chị phải bồng con cả đêm cho ngậm ti mãi mới nín. Mẹ chị thương con xót cháu, nên hầu như đêm nào cũng giành phần bồng cháu và bắt chị đi ngủ. Cả đêm bà cứ thong dong vỗ về, bồng cháu đi khắp nhà cho đến khi cháu ngủ thì thôi.
 

Toan thấy mẹ cực khổ vì mình, nhiều lần chị đã đến trung tâm thuê người giúp việc nhưng lần nào mẹ chị cũng giận và nhất quyết mình bà sẽ đảm nhiệm tất tật việc nhà và việc giữ cháu cho tới khi cứng cáp thì thôi. Bởi mẹ cứ nhất mực như vậy nên đến ngày đi làm, dù cố gắng thế nào chị vẫn không thuyết phục được mẹ thuê người giúp việc chăm cháu.

Kể từ ngày có mẹ chị, mọi thứ trong nhà tươm tất hẳn ra. Trước đây vợ chồng đi làm từ sáng đến tối đen mới về, cơm nước chỉ chuẩn bị qua loa, quàng quấy cho xong, nhà cửa quần áo cuối tuần mới dọn dẹp một lần. Bây giờ ở nhà, mọi thứ mẹ đều giúp chị làm, cơm nước mẹ nấu ngày hai bữa, vợ chồng chị về là thấy mọi thứ dọn ra bàn.

Chị thương mẹ cực khổ vì mình nhưng mỗi lần chị đề nghị mẹ về quê hay kêu mẹ đừng làm là mẹ lại tủi “mày chê mẹ hả?!”. Thế nhưng chẳng những không biết ơn mẹ, anh Minh - chồng chị ngày càng tỏ ra thái độ quá quắt với mẹ vợ. Mấy ngày đầu, lúc mẹ chị mới lên, tới bữa cơm anh còn kêu vợ dọn cơm mời mẹ dùng. Được vài ba lần, những lần sau thấy mẹ bồng cháu, anh chỉ nói chỏng lỏn: dọn cơm em, đói rồi để mặc mẹ bồng cháu vất vả, chẳng thèm mời.

Có nhiều lúc đi ăn ngoài, chị đề nghị mua cho mẹ cái này cái kia nhưng anh đều cản và bảo: Giờ mẹ ngủ rồi, mua làm gì cho phiền. Hơn thế bà biết cái này là cái gì đâu mà mua với bán!”. Nhiều lần mẹ chị đang nấu ăn, bé Mi quờ quạng nghịch đổ nước, chồng chị về thấy là la ầm lên: Mẹ trông cháu thế nào đấyCháu nghịch bẩn thế kia mà mẹ để thế à?”. Mẹ chị thì mỗi lần thấy con rể cau có mặt mày là lại lật đật chạy lên bế cháu và miệng líu ríu xin lỗi.
 

Chẳng những thế nhiều lần anh còn quát mẹ chị hậu đậu, lãng trí để đồ vật lung tung... Thấy chồng cư xử với mẹ còn không bằng người giúp việc, nhiều lần chị góp ý nhưng anh vẫn chứng nào tật nấy. Nhiều lúc thấy mẹ chị ngồi buồn mà lòng chị xót xa, vì thương con thương cháu mẹ chị mới phải bỏ nhà cửa lên chăm giúp, vậy mà…

Còn chị Như cũng gặp trường hợp tương tự khi chồng xem mẹ mình như osin. Nghe con gái bị ốm phải nằm viện, mẹ chị tất tả bỏ hết ruộng đồng lên thành phố để chăm con vì chồng chị mới đi làm không thể xin nghỉ dài hạn được.

Chồng chị từ xưa nay rất thương chị, từ ngày cưới nhau chưa bao giờ giỗ chạp của dòng họ đằng vợ, anh đều có mặt, tiền hàng tháng chị gửi mẹ anh đều không ý kiến. Vậy mà từ ngày mẹ chị lên chăm chị thì cách cư xử của anh làm chị luôn cảm thấy anh không những không tôn trọng mẹ chị mà còn cư xử với mẹ chị như người ở không công.

Ban ngày anh đi làm, tối về chỉ ghé qua bệnh viện thăm chị chốc lát mà sai vặt mẹ chị đủ điều, khi thì mẹ mua cho con dùm cái này, khi thì mẹ mua cho con dùm cái khác. Rồi việc đổ bô, đổ rác… anh cũng “xơi xơi” chẳng ngại ngần sai mẹ vợ làm. Chị góp ý khuyên anh sao không tự làm lấy mà bắt mẹ làm thì anh bao biện: “Mẹ già rồi chạy đi, chạy lại cho khỏe, mà em làm như anh bắt ép mẹ vậy, là mẹ tự nguyện cơ mà.

Mặc dù lâu mới có dịp gần mẹ và muốn ở gần mẹ lâu hơn nhưng chị Như vẫn quyết khuyên bảo mẹ về khi vừa xuất viện với lí do con đã khỏe và phải đi làm, mẹ ở nhà sẽ buồn. Vì theo chị, với những anh chồng như thế nếu không dứt khoát thì sẽ càng bị lấn lướt, đó cũng là cách để ngăn chặn những tranh chấp gia đình và giữ được sự kính trọng của chồng đối với mẹ chị.

Chia sẻ