Tâm sự của cô giáo 13 năm đón Tết với những trẻ mắc căn bệnh xã hội

Minh Ngọc,
Chia sẻ

Vào những ngày cần kề với Tết Nguyên đán, chúng tôi gặp lại cô Nguyễn Thị Minh (55 tuổi) hiện đang phụ trách thư viện trường Tiểu học của cơ sở Cai nghiện ma túy số 2, xã Yên Bài, huyện Ba Vì.

Cuộc đời gắn liền với nghề nuôi trẻ

Giới thiệu với chúng tôi, cô Minh kể rằng, bằng ấy tuổi cô đã có 39 năm chăm sóc trẻ ở nhiều cơ sở nuôi dạy trẻ khác nhau. Trong đó, chỉ tính riêng tại cơ sở Cai nghiện ma túy số 2 cô Minh đã có 13 năm gắn bó với việc dạy học cho các em học sinh nhiễm HIV. Bởi vậy, quãng thời gian ở đây đã đọng lại nhiều kỷ niệm khiến cô khó có thể quên. Mới đây, cô Minh được chuyển về phụ trách thư viện trường Tiểu học của cơ sở Cai nghiện ma túy số 2.

Tâm sự của cô giáo 13 năm đón Tết với những trẻ mắc căn bệnh xã hội - Ảnh 1.

Cô Nguyễn Thị Minh đang chia sẻ với PV về nỗi niềm khi nhớ về những cái Tết đã qua.

Cô Minh chia sẻ: "Tại cơ sở này có 19 em học sinh đang theo học. Mới đầu vào đây tôi cũng bi quan lắm, bởi các cháu là đối tượng đặc biệt, không những nhỏ tuổi mà còn mang trong mình căn bệnh thế kỉ khiến nhiều người trong xã hội sợ tiếp xúc và kì thị.

Tuy nhiên, được sự động viên của chồng và đến khi vào gặp các cháu, tôi thấy thương vô cùng nên nguyện suốt đời sẽ bù đắp thiệt thòi cho những đứa trẻ đáng thương này".

Nói rồi, cô Minh lại kể, thời gian đầu vào cơ sở, cô được được đi tập huấn và trao đổi kinh nghiệm. Với những gì thu hoạch được trong thời gian này, cô giáo trường làng lại càng thêm thương yêu những đứa trẻ mang HIV và hiểu hơn về cách bảo vệ mình.

"Nhiều mảnh đời thật éo le, đa số các em đều là những đứa trẻ bị bỏ rơi. Các em hầu như chẳng được biết cha mẹ là ai, có chăng chỉ là một vài em được mẹ nuôi nấng một thời gian rồi lại đem ra một nơi nào đó để chối bỏ. Hiểu ra những tình huống đó, các em như những đứa trẻ bị mẹ hoặc người thân lừa dối, cuối cùng là bơ vơ…", cô Minh chua xót kể.

Tâm sự của cô giáo 13 năm đón Tết với những trẻ mắc căn bệnh xã hội - Ảnh 2.

Các em nhỏ có hoàn cảnh éo le luôn được chăm sóc rất chu đáo.

Kể về một số trường hợp để phác họa lên cuộc đời của những đứa trẻ bất hạnh, cô Minh nhớ nhất là bé N.V.Th. khi đó khoảng 5 tuổi.

"Khi đó, Th. đã ở giai đoạn cuối. Vào một ngày cuối tuần, thấy biểu hiện con đau đớn khác thường, không đòi ăn nhưng đòi uống nước. Theo kinh nghiệm, tôi dự đoán được điềm xấu. Thế rồi đến tầm 3h sáng, con cứ lịm dần trước sự chứng kiến của chúng tôi và đó là nỗi ám ảnh về những động tác con oằn mình đau đớn trước khi ra đi", cô Minh kể lại.

Tâm sự của cô giáo 13 năm đón Tết với những trẻ mắc căn bệnh xã hội - Ảnh 3.

Các em cũng được học hành đầy đủ.

Cũng tương tự, cô Minh nhớ lại trường hợp của cháu T.P.A. khi vào cơ sở bé đã 8 tuổi, nhưng chỉ nặng 7kg.

"Con được một người dân đưa vào đây, mới đầu con bé gầy, mặt mũi lúc nào cũng cáu bẩn. Khi đói thì đòi ăn cháo trắng, xôi trắng. Thi thoảng con bé lại bị tiêu chảy, chúng tôi phải đi đẽo vỏ cây về tắm kết hợp với thuốc của bác sĩ mới chữa khỏi, sau con khỏe dần dần, ai cũng mừng và hy vọng", cô Minh chia sẻ.

Theo cô Minh, lúc đầu, mọi người trong cơ sở nghĩ sẽ khó sống nổi, nào ngờ đâu cháu ổn định, khỏe mạnh. Sau đó khoảng 1 tháng P.A. tăng được 2kg, giờ đã trưởng thành và là một thiếu nữ xinh đẹp.

Tâm sự của cô giáo 13 năm đón Tết với những trẻ mắc căn bệnh xã hội - Ảnh 4.

Từ một đứa trẻ gầy gò, nhỏ thó với sự chăm sóc của Trung tâm, P.A đã như một thiếu nữ.

Cô giáo có duyên nghiệp với những đứa trẻ cũng tâm sự, để bù đắp cho các em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt và đem lại hạnh phúc cho mình, cô luôn xem các em như những đứa con ruột của mình.

Luôn thấy tủi thân khi nghĩ về gia đình

Kể về những cái Tết và ngày đại lễ, cô Mình cho hay, các cô thường xin trung tâm và nhà trường cho những em học sinh nào có gia đình được trở về nhà chơi và ăn cơm để các em cảm nhận không khí của gia đình.

"Tuy được về với gia đình, vui vẻ với người thân, nhưng một số con vẫn phải chịu sự kỳ thị, thậm chí chính người anh em ruột thịt cũng có ý tránh xa. Chúng tôi luôn dạy các con hãy hòa nhập nhưng điều đó thực sự không đơn giản".

Tâm sự của cô giáo 13 năm đón Tết với những trẻ mắc căn bệnh xã hội - Ảnh 5.

13 năm chuyển về công tác tại cơ sở Cai nghiện ma túy số 2, cũng bằng đó năm cô Minh chưa có Tết nào được đón Giao thừa ở nhà cùng chồng.

Chia sẻ về cuộc sống gia đình, cô Minh rưng rưng cho biết, 30 năm xây dựng gia đình thì cũng bằng ấy năm vợ chồng cô phải xa nhau vào dịp Tết, bởi chồng của cô Minh cũng công tác tại một cơ sở Cai nghiện ma túy.

"Do đặc thù của công việc, cứ dịp Tết, vợ chồng tôi phải để các con ở nhà để đi trực. Tuy vậy, các con cũng hiểu và thông cảm cho bố mẹ".

Nói xong, cô Minh trở lại với câu chuyện về những đứa trẻ bất hạnh để tự an ủi rằng: "Chính sự ân cần, tận tụy của thầy cô đã sưởi ấm tinh thần, tiếp thêm sức mạnh cho các con. Chúng tôi luôn mong muốn các con hãy chiến đấu với bệnh tật và vượt lên số phận, để sống vui, khỏe, mai này lớn lên thành người có ích cho xã hội".

Chia sẻ