Sốt xuất huyết diễn biến phức tạp nếu không biện pháp kiểm soát tốt

Minh Tuyết,
Chia sẻ

Theo các chuyên gia cảnh báo dịch sốt xuất huyết sẽ còn diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, nếu không có biện pháp kiểm soát và dự phòng tốt. Sốt xuất huyết là bệnh có tỉ lệ tử vong cao nếu không được chẩn đoán và điều trị thích hợp.

Cả nước ghi nhận gần 40.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết


Theo thống kê của Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), đến ngày 28/9, cả nước ghi nhận gần 40.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH) tại 51 tỉnh/thành phố, trong đó có 24 trường hợp tử vong.

Sở Y tế Hà Nội cho biết, tính đến thời điểm nửa cuối tháng 9-2015, toàn thành phố đã ghi nhận hơn 2.118 ca mắc sốt xuất huyết, số mắc tăng cao so với cùng kỳ 2014 và tiếp tục có xu hướng tăng.

Thống kê của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, số ca mắc SXH đến viện khám đang tăng từng ngày. Nếu như trong tháng 7 chỉ có 68 ca nhập viện theo dõi thì đến tháng 8, con số này đã tăng 163 ca. Từ đầu tháng 9 đến nay tăng lên 220 ca nhập viện. Trung bình mỗi ngày khoa Virus - Ký sinh trùng (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương), tiếp nhận từ 15 - 20 bệnh nhân..

PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, phần lớn các trường hợp mắc SXH ở thể nhẹ nhưng có 20% các trường hợp có thể diễn biến thành các thể nặng với các dấu hiệu tiền sốc, hoặc sốc. Do vậy, nếu bệnh nhân mắc SXH có các dấu hiệu cảnh báo nặng như: Sốt cao liên tục trên 39 độ C, li bì, đau đầu nhiều, nôn hoặc buồn nôn,  tiêu chảy, đau tức vùng gan… thì cần phải sớm đi khám, nhập viện điều trị.

Theo các chuyên gia cảnh báo dịch sốt xuất huyết sẽ còn diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, nếu không có biện pháp kiểm soát và dự phòng tốt. Sốt xuất huyết là bệnh có tỉ lệ tử vong cao nếu không được chẩn đoán và điều trị thích hợp.

sốt xuất huyết
Lãnh đạo Ngành Y tế HN kiểm tra tại hộ gia đình. (Ảnh:MT)

Cần lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân bị sốt xuất huyết

Hiện nay dịch sốt xuất huyết chưa có vắc xin điều trị, vì thế cách chăm sóc bệnh nhân bị sốt xuất huyết rất quan trọng.

ThS.BS Lê Thị Hải, Nguyên Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho rằng, do đặc điểm của bệnh SXH là bệnh nhân sốt cao, mệt mỏi nên ăn uống sẽ kém đi. Đặc biệt, trong SXH sợ nhất là tình trạng sốc, thoát huyết tương ra ngoài gây tình trạng cô đặc máu cho nên trong chế độ ăn uống cho người SXH quan trọng nhất là bù nước, điện giải như uống oresol.

Người bệnh nên uống các loại nước trái cây, nước quả ép (như cam, bưởi, nước chanh, nước dừa) vì chúng chứa nhiều khoáng chất và vitamin C tăng cường sức đề kháng, giúp thành mạch bền tốt hơn sẽ làm tình trạng bệnh giảm đi.

Bệnh nhân SXH cần ăn những thức ăn lỏng và mềm như: ăn cháo, súp vừa giàu dinh dưỡng lại dễ hấp thu, có thể uống thêm sữa. Không nên ăn cơm, đồ cứng khó nuốt.

Đặc biệt với trẻ em bị SXH, sữa là nguồn dinh dưỡng quan trọng nhất, nếu trẻ còn bú mẹ thì nên tiếp tục cho con bú. Khi cho trẻ ăn uống nên chia nhỏ bữa ăn, tích cực bổ sung các món ăn giàu chất đạm từ trứng, thịt, sữa… thực phẩm giàu vitamin A, giàu kẽm thịt bò, gà…

Với người bệnh SXH, cần kiêng những loại thức ăn nhiều mỡ béo, các thực phẩm xào rán, có gia vị chua cay vì chúng thường gây khó tiêu; còn lại không kiêng tuyệt đối thứ gì cả. 

Trẻ mắc SXH nếu đã khỏi sốt và chơi bình thường rồi thì nên tuân theo chế độ ăn như bình thường. Tùy theo độ tuổi của trẻ tăng cường dưỡng chất, bù lại mất dinh dưỡng trong thời gian bé bị ốm.

Để tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai công tác phòng chống sốt xuất huyết, ngày 28/9, Bộ Y tế đã thành lập 10 Đoàn kiểm tra công tác phòng, chống sốt xuất huyết năm 2015. 

Các đoàn sẽ kiểm tra công tác phòng, chốt sốt xuất huyết tại 20 tỉnh, thành phố trên cả nước gồm: Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, TP HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Sóc Trăng, Long An, Tiền Giang, Đắk Lắk và Gia Lai.

Các đoàn sẽ làm việc với lãnh đạo Sở Y tế, Văn phòng UBND tỉnh về các hoạt động triển khai công điện số 1632 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng chống sốt xuất huyết, tập trung vào các biện pháp giảm mắc, giảm tử vong, công tác truyền thông và sự chỉ đạo của chính quyền các cấp, sự phối hợp liên ngành trong phòng chống sốt xuất huyết tại địa phương.

Chia sẻ