Phát hoảng với món chiên, rán "ngập" dầu tái chế ở vỉa hè

QT,
Chia sẻ

Thức ăn đường phố vốn là nét văn hóa ẩm thực đặc trưng của nước ta. Nhưng nếu lạm dụng quá mức, đặc biệt với các món chiên, rán được sử dụng dầu ăn tái chế không rõ nguồn gốc sẽ càng nguy hiểm cho người tiêu dùng.

Hàng loạt chất cực độc trong dầu ăn tái chế không rõ nguồn gốc

Những người bán tại quán ăn vỉa hè, xe đẩy thức ăn chiên, rán đều cho biết họ phải sử dụng dầu xá (bán theo can, bình hoặc đựng trong túi nilon) thì mới có lời. Dầu ăn xá thường bán tại các khu chợ tự phát cầu Ông Lãnh (Quận 1) hoặc các đại lý dầu ăn tại chợ Tam Bình (Quận Thủ Đức) với giá rẻ hơn một nửa so với các dầu ăn có thương hiệu, nguồn gốc rõ ràng. 

Một lít dầu ăn xá đã tái chế được bán với giá chỉ từ 20.000 - 30.000 đồng/ lít. Trong khi các dầu ăn của công ty có uy tín bán với giá 35.000 - 45.000 đồng/ lít. Một người bán chuối chiên trên đường Thích Quảng Đức (Quận Phú Nhuận) cũng tiết lộ: "Một ngày tôi chiên gần 200 bánh nhưng chỉ dùng một vài lít dầu ăn là được. Chiên xong lại đổ vào can để hôm sau dùng tiếp. Loại dầu tôi mua tuy là dầu xá nhưng chiên đến lần thứ ba mới ngả màu".

Phát hoảng với món chiên, rán
Dầu ăn trong bình nhựa là vỏ đựng nước khoáng không rõ nguồn gốc mà những người đẩy xe bán đồ chiên, rán thường sử dụng.

Theo tìm hiểu, dầu ăn tái chế được sản xuất bởi các cơ sở tư nhân không giấy phép từ nguồn nguyên liệu là dầu ăn đã qua sử dụng (chiên, xào), được thu gom, xử lí sơ sài rồi phân phối lại cho người bán vỉa hè, các nhà hàng, quán ăn với giá rẻ. Dầu tái chế do đã qua chiên rán nhiều lần cộng với việc tái chế ở nhiệt độ cao nên chứa nhiều axit béo dạng trans (axit béo bị chuyển hóa trong quá trình chiên rán). Loại axit béo này làm tăng lượng cholesterol xấu trong cơ thể, từ đó tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Các nghiên cứu khoa học đã chỉ rõ, tiêu thụ nhiều axit béo cấu hình trans sẽ tăng khả năng mắc các bệnh khác như ung thư, béo phì. Ngoài ra, dầu tái chế còn chứa các sản phẩm của thực phẩm bị cháy do chiên rán nhiều lần.

Tuyệt chiêu "lọc dầu như mới" của người bán thức ăn đường phố

Loại chảo chiên mà người bán thức ăn đường phố là loại chảo không dính nên khi chiên xong đều có màu khét đen. Để khách hàng không tỏ vẻ nghi ngại khi nhìn thức ăn trong chảo dầu đen kịt của mình, người bán phải lọc dầu thường xuyên với những bí kíp truyền tai như: Những chảo dầu chiên cá viên, bò viên thường có mùi tanh nên sau khi chiên xong cho vào một ít tỏi, dấm, hành tím... để khi chiên khoai tây, phô mai que sẽ không bị ám mùi. Cách làm thông dụng nhất là lấy một ít cơm nguội cho vào chảo dầu đang nóng, sau đó lọc lại qua một cái rây hoặc túi lọc là chảo dầu sẽ có màu và mùi như mới. Vì cơm sẽ hút hết cặn đen và làm cho dầu trong lại.

Phát hoảng với món chiên, rán
Xúc xích chiên, cá viên là món ăn vặt khoái khẩu của nhiều người nhưng cũng ẩn chứa nhiều độc tố và có hại cho sức khỏe.

Hai lò bánh tiêu luôn tấp nập người mua trên dốc cầu Nhị Thiên Đường (Quận 8) luôn có hai chảo dầu lớn trên bếp củi để chiên bánh. Cứ nửa tiếng, ông chủ tiệm lại đong một ca dầu ăn từ can nhựa chế thêm vào chảo dầu rồi lấy vợt vải trục vớt những mẩu vụn cháy đen trong chảo. Những người bán bánh khoai, bánh chuối vỉa hè lại truyền tai nhau một bí kíp độc địa: bỏ dao lam (dao cạo râu) vào dưới đáy chảo để bánh chiên được vàng hơn và không bị dính mỡ đen trong chảo.

Phát hoảng với món chiên, rán

Phát hoảng với món chiên, rán


Một người bán bánh tiêu, bánh bao chiên thịt trên đường Phan Tôn (Quận 1) phải lọc dầu 2-3 lần sau khi chiên xong mẻ bánh đầu tiên. Dầu được lọc xong không còn cặn đen, màu vàng như mới nhưng thực chất là dầu đã qua sử dụng từ hôm trước.

Đa số người dân không cần để ý đến "công nghệ" chiên rán của các quán ăn, xe đẩy thức ăn đường phố, chỉ cần thấy bánh ngon, giòn rụm là mua thưởng thức ngay. Tuy nhiên, việc ăn thường xuyên các thực phẩm chiên rán trên chảo dầu đã được chiên đi chiên lại đến cháy khét sẽ đưa vào cơ thể các chất phosphor, lưu huỳnh rất độc hại. Những khách "ruột" của hàng quán vỉa hè nên lưu ý bảo vệ sức khỏe bản thân trước những nguy cơ độc hại do dầu xá gây ra.

Theo thống kê từ Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y Tế, trong 4 tháng đầu năm 2014, cả nước đã ghi nhận 38 vụ ngộ độc thực phẩm khiến hơn 1.000 người mắc bệnh, trong đó có 15 ca đã tử vong. Cục An toàn thực phẩm cảnh báo bệnh lây truyền qua thực phẩm đang diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là vào mùa hè nắng nóng. Các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, kiểm tra việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là với thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể.
Chia sẻ