Nỗi kinh hoàng của bệnh nhân nhiễm tả

,
Chia sẻ

"Cách một tiếng tôi lại đi vệ sinh òng ọc toàn nước. 12 giờ đêm vẫn nôn thốc nôn tháo, phải gọi cấp cứu 115 đến 2 lần vì tứ chi co quắp, đau không chịu nổi."

Đó là những triệu chứng mà ông Chinh (57 tuổi), người vừa qua cơn nguy kịch vì tả kể lại.

Tối thứ 6 tuần trước, ông Chinh (Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội) bắt đầu bị đi ngoài, đi toàn nước, nhưng không đau bụng gay gắt. Đến 12 giờ đêm, cơn tháo dạ tạm ngừng thì các cơ co lại, gia đình mới gọi cấp cứu 115. Nhân viên cấp cứu đến, chuẩn đoán ngộ độc thức ăn bình thường. Thế nhưng xe vừa đi khỏi, cơn đau cơ lại xuất hiện, thế là phải gọi cấp cứu quay trở lại đưa ông vào Bệnh viện E.

Nằm viện được 4 ngày, ông chỉ uống được nước gạo rang, cứ đưa nước trắng hoặc nước tinh khiết vào là nôn. Ăn cũng chi là cháo muối, hoặc thịt xay ra lấy nước nấu cháo.

Tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện E, nhiều giường thường xuyên có hai bệnh nhân nằm vì tiêu chảy cấp nguy hiểm. Ảnh: N.P.

"Hôm thứ 7 tôi phải truyền đến hai chục trai nước mới thấy đỡ nhưng mà người sụp hẳn đi, da xám xịt, cảm giác không phải là người nữa. Đến khi bác sĩ bảo kết quả xét nghiệm dương tính với phẩy khuẩn tả cũng chả có cảm giác gì vì mệt quá", ông tâm sự. Theo ông, nguyên nhân có lẽ do hai ngày trước đó ông có đi ăn chiêu đãi, có thịt chó, mắm tôm, rau sống.

Nằm cạnh giường của ông Chinh, cũng dương tính với phẩy khuẩn tả, anh Hòa (46 tuổi, Hoài Đức) lại chẳng rõ lý do bị bệnh, vì theo anh, tối hôm đó chỉ ăn có một cái bánh mỳ chấm sữa, cả ngày thì ăn quán, đến 12 giờ đêm thì thấy đau bụng, đi ngoài. Sáng hôm sau thì vào Bệnh viện E cấp cứu.

"Chỉ nằm viện có mấy ngày mà người cứ lả đi. Trước nghe người khác bị tả thì thấy bình thường, giờ mình mắc mới thấy kinh khủng thế nào", anh Hòa thều thào nói.

Theo bác sĩ Phạm Văn Tùng, Phó giám đốc Bệnh viện E, trong mấy ngày qua số ca tiêu chảy cấp, trong đó có cả tả tăng lên nhanh chóng. Hôm 16/4 xuất hiện ca tả đầu tiên tại Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội. Đến ngày 6/5 có thêm hai vợ chồng ở Đại Mỗ, Từ Liêm cũng nhập viện trong tình trạng rất nặng, cả hai đều dương tính với phẩy khuẩn tả.

"Từ đó, liên tục bệnh nhân tiêu chảy cấp nhập viện, chủ yếu ở Từ Liêm, Tây Hồ, Cầu Giấy. Cả khoa truyền nhiễm có 22 giường bệnh, thế nhưng hiện tại có tới 40 bệnh nhân nằm, trong đó có 23 ca dương tính với phẩy khuẩn tả", bác sĩ Tùng cho biết.

Ông cũng cho hay, đây là xét nghiệm ban đầu của bệnh viện, còn khẳng định chắc chắn phải đợi kết quả xét nghiệm từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Nguồn thực phẩm lây nhiễm có thể là thịt chó, mắm tôm, rau sống, tiết canh, lòng lợn... Có người trước đó chỉ ăn bánh mỳ chấm sữa, uống trà sữa chân trâu...

Cũng theo ông, sau ca đầu tiên tại Hà Nội, một loạt các tỉnh khác cũng phát hiện bênh nhân tả, điều đó cho thấy môi trường bên ngoài đã có khuẩn này lưu hành.

Vì thế, để phòng bệnh, bác sĩ khuyến cáo người dân nên ăn chín, uống sôi, rửa tay sạch sẽ trước khi ăn, không ăn thức ăn không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Những người có biểu hiện tiêu chảy cần nhập viện ngay để khẳng định chính xác có phải tả không, tránh lây nguồn bệnh ra môi trường.

Theo Nam Phương
Vnexpress
Chia sẻ