Miền Bắc tái bùng phát dịch tả

,
Chia sẻ

Hiện đã có 5 tỉnh, thành phố có bệnh nhân tả là Hà Nội, Thanh Hóa, Bắc Ninh, Nam Định, Hải Phòng. Nguy cơ bùng phát dịch khuẩn tả đang ở mức báo động.

Những ngày đầu tháng 5, tại viện E (Hà Nội) đã liên tiếp tiếp nhận hàng loạt các bệnh nhân ở Hà Nội và các vùng lân cận mắc tiêu chảy cấp dương tính với phẩy khuẩn tả. Hầu hết các bệnh nhân nhập viện đều trong tình trạng nguy cấp do ăn thịt chó, mắm tôm, lòng lợn và rau sống. Viện E đã điều trị khỏi cho hàng trăm ca tiêu chảy cấp nguy hiểm dương tính với phẩy khuẩn tả.

Điều trị tả tại bệnh viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới (Ảnh: Dân trí)

Sau đó dịch khuẩn tả đã tạm lắng trong một thời gian ngắn nhưng hiện lại đang có dấu hiệu bùng phát trở lại. Nguy hại hơn, dịch có dấu hiệu lan rộng. Không chỉ ở Hà Nội, Bắc Ninh có các bệnh nhân tiêu chảy cấp, Hải Phòng là địa phương thứ 3 ở miền Bắc có bệnh nhân tiêu chảy cấp nguy hiểm, thống kê có 13 người đã phải nhập viện trong đó 5 trường hợp dương tính với phẩy khuẩn tả. Sau Hải Phòng là liên tiếp các tỉnh Thanh Hóa có 7 ca tiêu chảy cấp nguy hiểm, Nam Định có 1 trường hợp. Từ ngày 5/5 đến nay, Hà Nội có 15 bệnh nhân tiêu chảy cấp nguy hiểm nhập Bệnh viện E (Hà Nội), trong đó có 10 trường hợp xác nhận dương tính với phẩy khuẩn tả.

Theo thông báo của Bộ Y tế chiều 12/4 và Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ  , tính chung trong cả nước, có 5 ca dương tính được phát hiện từ ngày 6 - 11/5 tại 3 tỉnh Thanh Hóa, Bắc Ninh, Nam Định. Từ ngày 20/4/2009 đến 11/5/2009, nâng tổng số của cả nước lên 25 trường hợp dương tính với phẩy khuẩn tả.

Nguyên nhân dẫn đến tiêu chảy cấp nguy hiểm dương tính với phẩy khuẩn tả của các bệnh nhân hầu hết được xác định vẫn là do vấn đề ăn uống, vệ sinh thực phẩm. Nhiều nhất vẫn là các trường hợp ăn thịt chó, mắm tôm, rau sống, lòng lợn hoặc sử dụng nguồn nước ao hồ nhiễm khuẩn tả trong sinh hoạt.

Như vậy, dịch tả đã tái phát trở lại ở miền Bắc và có nguy cơ lây lan phức tạp hơn giữa các tỉnh, thành phố. Nhất là trong điều kiện thời tiết nắng nóng mùa hè, nóng ẩm thất thường nên vi khuẩn tả càng dễ bùng phát, phát tán mầm bệnh.

Hiện nay Bộ Y tế đã có chỉ đạo đến Trung tâm Y tế dự phòng các tỉnh, thành phố trên toàn quốc nhằm triển khai công tác phòng chống dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm, cảnh báo người dân. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là ý thức của người dân tự bảo vệ sức khỏe của bản thân để tránh lây lan sang cộng đồng.

L.A (TH)

Chia sẻ