Nghiên cứu 10 năm chỉ ra 1 yếu tố ảnh hưởng đến trí thông minh của trẻ, cha mẹ hết sức chú ý

Thanh Hương,
Chia sẻ

Cha mẹ cần nắm rõ những yếu tố có thể ảnh hưởng đến chỉ số IQ của trẻ.

Thời gian trước, nhóm nghiên cứu của giáo sư Giang Phàm đến từ Đại học Giao thông Thượng Hải (Trung Quốc) đã công bố một nghiên cứu trên tập san học thuật JAMA Pediatrics. Đây là tạp chí y khoa nổi tiếng được bình duyệt hàng tháng do Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ xuất bản. Nó bao gồm tất cả các khía cạnh của nhi khoa.

Theo đó, nhóm của giáo sư Giang đã nghiên cứu về tác động của việc tiếp xúc màn hình điện tử đối với sự phát triển của trẻ nhỏ. Nghiên cứu này bắt đầu từ năm 2012, và sau 10 năm, nhóm đã thu thập được dữ liệu về lối sống, sự phát triển lành mạnh của hơn 220.000 trẻ em ở 10 tỉnh thành tại Trung Quốc. Những đứa trẻ được theo dõi từ tam cá nguyệt (khoảng thời gian từ khi mang thai đến lúc sinh nở) thứ 3 của người mẹ cho đến khi lên 10 tuổi.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, 76% trẻ em ở Thượng Hải đã bắt đầu chạm vào màn hình trước 2 tuổi và 24% trẻ em bắt đầu xem TV với cha mẹ một cách thụ động trước 1 tuổi. Đồng thời, nhiều bậc cha mẹ cũng sử dụng điện thoại di động như một công cụ để dỗ dành con cái, sử dụng phim hoạt hình và trò chơi trong điện thoại di động để thu hút, cho trẻ giải trí.

Ngoài việc độ tuổi tiếp xúc với màn hình ngày càng trẻ hóa thì thời lượng tiếp xúc với màn hình cũng đáng lo ngại. Lấy những đứa trẻ 3 tuổi mới vào mẫu giáo làm ví dụ, thời gian sử dụng thiết bị điện tử trung bình hàng ngày của trẻ lên tới 2 giờ 50 phút và 78,6% thời gian sử dụng thiết bị của trẻ em vượt quá tiêu chuẩn khuyến nghị là 1 giờ mỗi ngày.

Nghiên cứu 10 năm chỉ ra 1 yếu tố ảnh hưởng đến trí thông minh của trẻ, cha mẹ hết sức chú ý - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Được biết, không chỉ ở Trung Quốc, việc tiếp xúc với màn hình quá nhiều là một hiện tượng phổ biến trên thế giới, tỷ lệ trẻ em Canada cùng độ tuổi tiếp xúc thiết bị điện tử vượt quá tiêu chuẩn là 85%, và tỷ lệ này của trẻ em Úc là 74%.

Mặc dù các thiết bị điện tử hiện có khuyến nghị về việc không cho trẻ nhỏ dưới 18 tháng tuổi tiếp xúc với màn hình, nhưng bởi hiểu biết của nhiều cha mẹ còn chưa rõ ràng nên gây khó khăn cho việc phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng này.

Nhóm nghiên cứu của giáo sư Giang chia mức độ tiếp xúc với màn hình của trẻ em dưới 6 tuổi thành 3 đặc điểm theo độ tuổi: Nhóm 1 có mức độ tiếp xúc với màn hình trước 6 tuổi thấp, nhóm 2 có mức độ "tăng trưởng sớm" và nhóm 3 có mức độ "tăng trưởng muộn".

Ở thời điểm sơ sinh, sự về mức độ phát triển, tính khí,... của 3 nhóm trẻ chưa rõ ràng. Tuy nhiên, dưới ảnh hưởng của việc tiếp xúc với màn hình, trong quá trình lớn lên, 3 nhóm trẻ đã có sự khác biệt về chức năng nhận thức (đo bằng thang đo trí tuệ Wechsler) và các vấn đề về tâm lý, hành vi khi 6 tuổi.

Lấy nhóm 1 làm tiêu chuẩn tham chiếu, chỉ số IQ trung bình của nhóm 2 giảm 6,7 điểm, trong khi nhóm 3 giảm 8,2 điểm. Mức độ hiểu ngôn ngữ và nhận thức lý luận của nhóm 3 thấp hơn đáng kể. Về hành vi tâm lý, so với nhóm 1, tỷ lệ mắc các vấn đề tâm lý ở nhóm 2 tăng đáng kể, đặc biệt là chứng tăng động giảm chú ý.

Kết quả nghiên cứu cho thấy trẻ em dưới 6 tuổi tiếp xúc với màn hình trong vòng 1 giờ mỗi ngày có sự phát triển tốt nhất về nhận thức và tâm lý. Nếu trẻ tiếp xúc với màn hình nhiều hơn ngay từ khi còn nhỏ, thì ngay cả khi thời gian tiếp xúc với màn hình giảm đi sau đó, nó vẫn có thể gây ra những tác động bất lợi đáng kể cho trẻ.

Tiếp xúc với màn hình quá nhiều trong giai đoạn từ 0 đến 3 tuổi sẽ ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát nhận thức của trẻ, từ đó ảnh hưởng đến chỉ số IQ tổng thể và sự phát triển chú ý, đồng thời dẫn đến tăng động. Tuy nhiên, những đứa trẻ có thời gian tiếp xúc với màn hình tăng lên đáng kể sau 3 tuổi, mức độ thông minh của chúng chủ yếu bị ảnh hưởng bởi khả năng hiểu ngôn ngữ và khả năng suy luận nhận thức thấp hơn.

Điều này có thể là do những đứa trẻ trong nhóm này có thời gian xem màn hình lên tới 4 giờ mỗi ngày, chiếm thời gian mà cha mẹ và con cái dành cho các hoạt động chất lượng như đọc và vui chơi.

Nhìn chung, nghiên cứu kết luận, cha mẹ nên cố gắng tránh cho trẻ tiếp xúc với màn hình điện tử trước hai tuổi, đặc biệt là trước 18 tháng tuổi và thời gian tiếp xúc với màn hình của trẻ sau hai tuổi cũng nên được kiểm soát trong vòng 1 giờ mỗi ngày.

Chia sẻ