Theo dõi 436 cặp anh em trai, các nhà nghiên cứu chỉ ra yếu tố quyết định chỉ số IQ của trẻ

Hiểu Đan,
Chia sẻ

Đây là bằng chứng mạnh mẽ cho thấy các bậc cha mẹ có học thức đã làm điều gì đó với con mình để khiến chúng thông minh hơn.

Nhiều phụ huynh đều muốn con là đứa trẻ thông minh, tài giỏi. Tuy nhiên, có nhiều bà mẹ than con ù lì, trí nhớ kém, chậm tiếp thu, không được thông minh như bạn bè. Thực tế, trí thông minh và khả năng học hỏi của trẻ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, không chỉ bởi di truyền.

Nghiên cứu 436 cặp anh em trai từ Thụy Điển

Một nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học tại Đại học Virginia và Đại học Lund ở Thụy Điển cho thấy: Những thanh niên lớn lên trong các gia đình có học thức phát triển khả năng nhận thức cao hơn so với những người lớn lên trong môi trường ít lý tưởng hơn.

Mặc dù nghiên cứu không bác bỏ những phát hiện trước đây rằng di truyền tác động đến trí thông minh, nhưng nó chứng minh rằng ảnh hưởng của môi trường đóng một vai trò quan trọng đối với khả năng nhận thức được đo lường ở tuổi trưởng thành.

Di truyền và môi trường, đâu mới là yếu tố quyết định chỉ số IQ của trẻ? Nghiên cứu đưa ra câu trả lời - Ảnh 1.

Trí thông minh không chỉ quyết định bởi di truyền (Ảnh minh họa)

Nghiên cứu so sánh khả năng nhận thức - được đo bằng IQ - của 436 cặp anh em trai người Thụy Điển. Trong đó, một trong hai anh em được nuôi dạy bởi cha mẹ ruột, trong khi người còn lại được nhận nuôi bởi gia đình khác. Khi được đo vào lúc 18-20 tuổi, chỉ số IQ của người được nhận nuôi cao hơn 4.4 điểm so với người ở lại với cha mẹ ruột.

Cha mẹ nuôi trong nghiên cứu có xu hướng học cao hơn và có hoàn cảnh kinh tế - xã hội tốt hơn so với cha mẹ ruột. Trong một số trường hợp hiếm hoi khi cha mẹ ruột có trình độ học vấn cao hơn cha mẹ nuôi, khả năng nhận thức của con nuôi thấp hơn so với đứa trẻ được cha mẹ ruột nuôi dưỡng.

Các nghiên cứu trước đây đã phát hiện ra rằng các bậc cha mẹ có học thức thường nói chuyện nhiều hơn trong bữa tối, đưa con cái đến viện bảo tàng và đọc truyện cho con cái họ vào ban đêm.

Turkheimer là tác giả của một nghiên cứu mang tính bước ngoặt vào năm 2003 chứng minh rằng ảnh hưởng của gen đối với chỉ số IQ phụ thuộc vào tình trạng kinh tế - xã hội. 

Ông cho biết: "Sự khác biệt giữa mọi người về khả năng nhận thức bị ảnh hưởng bởi cả gen và môi trường của họ, nhưng hiệu ứng di truyền thường dễ chứng minh hơn vì các cặp song sinh thường rất giống nhau và hay có cùng chỉ số IQ.

Những tác động của môi trường sẽ mất thời gian hơn vì rất hiếm khi các cặp anh em được nuôi dạy bởi các cặp cha mẹ khác nhau trong các điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau. Dữ liệu từ mẫu dân số Thụy Điển cho phép chúng ta kết luận rằng cha mẹ có trình độ học vấn tốt hơn sẽ tạo ra những ưu thế về trí tuệ cho con cái mà họ nuôi dạy".

"Chúng tôi không phủ nhận rằng khả năng nhận thức có các thành phần di truyền quan trọng, nhưng không chính xác khi nói rằng đó chỉ là do gen", đồng tác giả nghiên cứu, Giáo sư tâm thần và di truyền phân tử tại Bộ môn Tâm thần, Trường ĐH Y VCU cho biết. "Đây là bằng chứng mạnh mẽ cho thấy các bậc cha mẹ có học thức đã làm điều gì đó với con mình để khiến chúng thông minh hơn", ông nói.

Trước đó, các nhà khoa học tại Đại học Harvard từng kết luận, trí thông minh không chỉ quyết định bởi di truyền. "Một cặp cha mẹ không thông minh, nhưng nếu họ cung cấp một môi trường tốt cho con cái, rất có thể phát triển một đứa trẻ có IQ cao", Richard Weissbourd, Giáo sư tâm lý học hành vi trẻ em tại Đại học Harvard nói.

Chia sẻ