Nếu em bé bị tai nạn đang nằm bơ vơ ấy là con chúng ta, chúng ta có vô cảm đến mức này?

Huyền Trang,
Chia sẻ

Điều đáng sợ nhất không phải là ai đó gây ra tội ác, mà chính là sự vô cảm với việc tốt. Hãy tưởng tượng, nếu cô bé ấy là một người thân của ta, là con gái ta, ta sẽ trông đợi gì từ những người đi đường hôm qua?

Hôm qua là một ngày thật lạ. 29/2, ngày nhuận 4 năm mới xuất hiện một lần. Và cảm xúc thường thấy của đa phần chúng ta, là sự thích thú bởi sự xuất hiện của ngày "ngộ nghĩnh" này, với cảm giác về một sự dôi dư không phải năm nào cũng có. Nhưng, tréo ngoe là trong cái ngày "dôi" ra ấy, chúng ta lại biết đến sự mất mát bất ngờ và đau xót của ba sinh mạng, vài phút trước vẫn còn đang bước vào nhịp sống hằng ngày của mình. 

Một chiếc Camry vượt sai làn đường đã gây tai nạn thảm khốc tại phố Ái Mộ (Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội), khiến một người ông chở cháu gái học lớp 1 đến trường và một người phụ nữ làm nghề giúp việc đang đi bộ đến chỗ làm tử vong.

Những tai nạn bất ngờ như thế, chúng ta nghe nói mỗi ngày trên báo. Bất cứ người vô tội nào cũng có thể vô tình trở thành nạn nhân của những chiếc xe điên. Biết vậy, nhưng nhìn thấy khoảnh khắc chiếc mũ bảo hiểm màu hồng của bé G. H vỡ tung, cặp sách và cả thi thể hai ông cháu bay khắc khoải lên không trung, có lẽ chỉ sau ít phút hai ông cháu rời khỏi ngôi nhà của mình, tôi không thể nén nổi nước mắt, và thầm ước, giá mình đừng "can đảm" xem hết những hình ảnh bóp nghẹt trái tim ấy.

1

Cô bé 6 tuổi ấy, thiên thần bé bỏng vừa bước chân vào ngưỡng cửa của những nét chữ, những ê a bài thơ đầu đời, những phép tính toán cộng trừ ấy, con đã về bên kia thế giới cùng ông, về với bố con, để lại những điệu nhảy rộn ràng trong tim mẹ, chẳng còn được dụi vào lòng mẹ nũng nịu, chẳng còn nắm chặt tay mẹ với lời hứa "sẽ bảo vệ mẹ và em" như con từng nói với mẹ, sẽ chẳng còn mùa hè con từng háo hức, nuôi lợn từng ngày để đủ tiền mua máy bay, sẽ chẳng còn câu chuyện cổ tích nào bên con nữa...

Cô bé vô tình gặp nạn giữa đường ấy, có thể là con gái của bất cứ ai trong chúng ta. Việc cô bé gặp phải, cũng có thể đến với chúng ta, vào một ngày bất hạnh nào đó. Và điều chúng ta cần, ngay trong lúc đó là gì? Phải chăng, là một sự giúp đỡ, dầu có thể, vẫn là quá muộn và chẳng thể cứu vãn được gì, chẳng thể thay đổi được gì?  

Cô giáo của em bé đã viết trên trang cá nhân của mình những dòng đau xót thế này về những gì diễn ra sau tai nạn, về sự vô cảm của những người bên đường: “Mọi việc diễn ra quá nhanh ngay trước mắt mình. Cái xe Camry đâm liên hoàn mấy xe máy, bắn vào góc sân vỉa hè một ngôi nhà bên trái đường. Mấy người bắn ra. 

Trong giây phút kinh hoàng ấy mình nhận ra cháu bé mặc áo đồng phục Ngọc Lâm. Mình vội chạy xe vào hè phố gửi và quay ngay lại hiện trường. Lúc đó ông nội cháu đã tử vong. Người phụ nữ đi bộ vẫn còn thoi thóp. Mình lấy vở của con và xác định tên, lớp của con. Mình điện thoại báo Hiệu trưởng cùng Ban giám hiệu, các thầy cô lập tức có mặt ở hiện trường và chỉ đạo báo cho mẹ cháu và cô chủ nhiệm.

vô cảm
Những hình ảnh cuối cùng của em bé 6 tuổi như xoáy vào tim chúng ta...

15 phút sau khi tai nạn. Mình bỗng thấy cháu gồng bụng lên đầu lắc lắc. Mình gọi những người xung quanh thông báo cháu còn sống. Lúc này công an đã xuất hiện. Mình bấm máy gọi 115 và đề nghị công an chặn nhờ xe đưa cháu đi ngay. Công an nói: “Cần giữ nguyên hiện trường đợi cảnh sát giao thông đến”. Mình yêu cầu công an cứu người là trên hết.

Mọi người chặn được một chiếc xe taxi. Khi mấy người bế cháu lên đưa ra xe thì taxi bỏ chạy mặc cho mình và mọi người kêu gọi. Tiếp tục mình đứng ra giữa đường chặn một cái xe con. Người đàn ông lái xe cố tình chen đám đông để thoát. Xe tải nhỏ của công an phường xuất hiện. Mình nói các chú đưa cháu đi. 

Mọi người bế cháu đặt vào thùng xe tải. Hai bên có ghế. Mình lên ca bin (vì mình bị huyết áp cao nhìn học trò như vậy mình sợ mình không chịu đựng được). Xe bắt đầu chuyển bánh mình nhìn lại đằng sau chỉ có một mình cháu nằm chơ vơ giữa thùng xe tải. Những người bế cháu lên không ai ngồi với cháu. Mình bảo lái xe đỗ lại để nhờ những người có mặt ai đó ngồi sau với cháu. May lúc đó 115 đến. Mọi người lại chuyển cháu sang 115.

Mình bám theo học trò sang viện Việt Đức cấp cứu. Dù được viện hết sức cấp cứu,  đặc biệt một bác sĩ người nước ngoài ra sức cứu nhưng cháu đã tử vong lúc 9 giờ 15 phút
”.

Vậy là ta biết, ít nhất 15 phút sau khi tai nạn kinh hoàng xảy ra, cô bé 6 tuổi vẫn còn thoi thóp, vẫn còn cơ hội được nhìn thấy sớm mai, dầu mong manh như sương khói. Nhưng, những người ngồi trên chiếc xe gây ra thảm kịch đó, cô gái trẻ và người đàn ông trung tuổi, khi bước ra khỏi xe, việc đầu tiên là quát tháo, hất tung chiếc điện thoại đang ghi hình trên tay một nhân chứng, rồi vô cảm bỏ đi, bất kể sau lưng là ba con người, ba thân thể tan nát, mà ít nhất một trong ba vẫn đang còn cố gắng níu kéo sự sống.

Chiếc taxi vội vã bỏ đi, chiếc xe hơi đi chậm chậm ngó nghiêng ngay sau tai nạn, cũng thế, không ai dừng lại, không ai đáp lời những bàn tay chới với, khẩn cầu của cô giáo và những người đi đường, xin hãy đưa con vào bệnh viện. Cô bé 6 tuổi đầu, ít phút trước bị hất tung cơ thể bé nhỏ lên không trung, giờ nằm đó, co giật đầm đìa trong vũng máu, trong cô đơn và trong sự vô cảm của người lớn trên con phố cách cổng trường vài trăm mét trong buổi sáng định mệnh. Ngay cả khi con được đặt lên thùng xe tải của công an, con cũng nằm đó một mình, chơ vơ không người ôm ấp…

Vậy đó, đã không có chiếc xe dân sự nào dừng lại đón con trong buổi sáng hôm ấy. Không có “người ngoài” nào, ngoại trừ cô giáo sẵn sàng ở bên con trong khoảnh khắc sinh tử ấy. Chẳng có gì đảm bảo, nếu người gây tai nạn không bỏ đi, nếu chiếc taxi dừng lại, nếu người lái xe không lách khỏi đám đông, nếu ai đó lên thùng xe tải, ôm ấp thân thể bé bỏng đầy máu của em bé ấy để đưa con cấp cứu, con sẽ còn ở lại, như một phép màu ta vẫn đợi chờ trong cổ tích. 

Nhưng tôi tin rằng, kể cả khi kết cục không khác đi, linh hồn của con và cả trái tim của những người ở lại, sẽ được an ủi phần nào, bởi con đã không ra đi trong sự bơ vơ, lạnh lùng và nhát sợ của những người đã lủi đi rất nhanh.

  vô cảm
Ta dễ khóc khi gặp chuyện buồn của ai đó, nhưng để vượt qua nỗi sợ hãi để giúp đỡ người gặp nạn, đó là cả một nỗ lực.

Tôi biết, chúng ta chẳng có quyền gì phê phán những cá nhân lướt xe qua vụ tai nạn, bỏ mặc những cái vẫy tay, những lời cầu khẩn, những gào khóc tuyệt vọng mong họ rủ lòng là vô cảm. Tôi cũng không dám chắc, nếu ai đó không hiểu biết về y tế và sơ cứu, khi khiêng em bé lên xe, có vô tình làm đẩy nhanh quá trình con “đi” hay không. Tôi cũng không dám khẳng định, nếu có mặt ở đó, tôi sẽ ở bên con.

Bởi lẽ, nói một cách thẳng thừng, tai nạn, sự ra đi của một người xa lạ chẳng mấy ảnh hưởng đến cuộc sống của người khác, có chăng là một vài giờ xót xa hay một chút áy náy “nếu như mình dừng lại”… Bởi lẽ, ai trong chúng ta, ngoài lòng trắc ẩn, ngoài trái tim rộng mở sẵn lòng chia sẻ với đồng loại, vẫn còn nỗi sợ. 

Sợ rầy rà, sợ tốn thời gian lôi thôi cho những thứ không liên quan đến mình, sợ vạ lây, sợ bị dính vào những lùng nhùng rắc rối chẳng đâu vào đâu, sợ bị coi là kẻ gây án... Chẳng một người bình thường nào muốn một việc làm tốt ngang đường, một lần dừng chân vì sự tử tế hóa thành thảm họa.

2

Và cũng còn một lý do khác nữa khiến chúng ta chần chừ, sợ hãi trong việc dừng lại cứu người, mà suốt hôm qua và hôm nay, người ta bàn nhiều, nói nhiều, như một cách biện minh: nếu không hiểu biết về sơ cứu, ta có thể đã không làm việc tốt, mà còn khiến tình trạng người bị nạn nặng thêm, do chính sự xông xáo của mình. 

Nhiều người bảo, nguyên tắc trong sơ cứu người bị tai nạn giao thông nặng, đó là không được phép tự tiện di chuyển nạn nhân, bởi vài ba đốt xương sườn bị gãy, khi cơ thể dịch chuyển mạnh, sẽ trở thành những con dao chọc nát nội tạng người bị nạn từ bên trong, hoặc gây tổn thương tủy sống, bởi em bé bị tông trực diện do ngồi ở phía trước xe máy, rất có thể xương ức đã bị gập vào trong ép sát tim gan, bất ngờ bị bế thốc lên cũng có thể xé tan lồng ngực... Và khi đó, chúng ta có dám chịu trách nhiệm?

Tất cả những lý do đó, những nỗi sợ hãi đó, đều có lý cả. Nhưng cứ vin vào sự “có lý” ấy, phải chăng, chúng ta đã để những mầm thiện chết rục trong tim mình, trước khi nó có cơ hội nảy nở? Thật tệ khi chúng ta rơi vào tình huống phức tạp chỉ vì làm việc tử tế, và có thể sẽ mất rất nhiều thời gian để gỡ mình khỏi rắc rối đó, nhiều thời gian hơn để gột bỏ cái ám ảnh về một người xa lạ đẫm máu nằm trên đùi mình, sau đó từ bỏ cõi đời; nhưng kinh khủng hơn thế, đó là việc chúng ta sẵn lòng lảng ra, hay giữ chặt cửa xe vì sợ rầy rà, đen đủi hoặc vạ lây.

Để làm một việc tốt, buồn thay, chẳng còn là một thôi thúc bản năng nữa, mà là kết quả của một sự nỗ lực, nỗ lực vượt qua những sợ hãi, những lo âu “đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh”. Nhưng điều đó không có nghĩa chúng ta được “cấp phép” để vô cảm, chẳng phải với cô bé gặp nạn trên phố Ái Mộ hay bất cứ ai gặp nạn trên đường, mà với chính trái tim, cảm xúc của chúng ta. Điều đáng sợ nhất không phải là ai đó gây ra tội ác, mà chính là sự vô cảm với việc tốt. Hãy tưởng tượng, nếu cô bé ấy là một người thân của ta, là con gái ta, ta sẽ trông đợi gì từ những người đi đường hôm qua?

Chia sẻ