Người lớn vô cảm, trẻ con liều chết để cứu người

Nguyệt Nguyễn (Tổng hợp),
Chia sẻ

Trong khi cả một đám đông người trưởng thành thờ ơ, vô cảm, bỏ mặc đồng loại giữa vũng máu thì có những đứa trẻ lại sẵn sàng liều mình cứu người gặp nạn.

Khi người lớn thờ ơ trước tính mạng đồng loại

Vụ tai nạn xảy ra do xe máy va chạm với xe tải ngày 22/6, trước cửa nhà số 68 Đức Thượng (Hoài Đức, Hà Nội) đến nay vẫn còn khiến nhiều người chưa hết bàng hoàng. Và vụ tai nạn kinh hoàng khiến hai nạn nhân bị thương nặng ấy cũng khiến không ít người phải suy nghĩ về sự vô cảm của người chứng kiến. Đó là khi nhiều tài xế taxi thờ ơ trước tính mạng của người gặp nạn và kiên quyết không chịu dừng xe đưa nạn nhân đi cấp cứu vì sợ gặp vận đen.

Người lớn vô cảm, trẻ con liều chết để cứu người 1
Sau khi va vào xe máy làm hai người ngã xuống đường (điểm khoanh tròn đỏ), xe tải quay đầu bỏ đi.

Một người chứng kiến vụ việc kể lại: "Vào thời điểm trên, có hai mẹ con (đều là nữ giới) điều khiển chiếc xe máy đang đi từ Hoài Đức hướng vào trung tâm Hà Nội thì bất ngờ bị một xe tải đi cùng chiều lấn sang phần đường của xe máy va vào gây tai nạn.

Cú va chạm khiến hai người trên xe máy ngã văng xuống đường bị thương nặng và bất tỉnh. Khi tai nạn xảy ra, tài xế xe tải không chịu xuống xe, mà cố quay xe bỏ chạy. Tuy nhiên, do người dân gần đó kéo ra nên tài xế đành phải dừng xe".

Người lớn vô cảm, trẻ con liều chết để cứu người 2
Hai nạn nhân nằm bất tỉnh.

Ngay khi tai nạn xảy ra, nhiều người dân đã gọi điện cho Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội để cho xe đến đưa nạn nhân đi cấp cứu, nhưng chỉ nhận được câu trả lời: "Chúng tôi chỉ hỗ trợ cho khu vực nội thành...".

Người lớn vô cảm, trẻ con liều chết để cứu người 3
Người dân gọi taxi nhưng đều bị từ chối vì "chở người tai nạn sẽ gặp đen đủi".

Sau đó, người dân đã nhanh chóng bắt taxi để đưa cả hai nạn nhân đi cấp cứu. Tuy nhiên, nhiều tài xế taxi đã thờ ơ trước tính mạng của người gặp nạn và kiên quyết không chịu dừng xe cho nạn nhân đi cấp cứu vì sợ... "đen".

Người lớn vô cảm, trẻ con liều chết để cứu người 4
Một người đàn ông tốt bụng đi đường đã dừng lại để chở nạn nhân đi cấp cứu.

Người lớn vô cảm, trẻ con liều chết để cứu người 5
Tài xế điều khiển xe tải gây tai nạn.

May mắn, có một người đi ô tô đã dừng lại và tự nguyện đưa hai người bị nạn đi cấp cứu. Sau đó, người dân đã gọi điện thông báo cho công an huyện Hoài Đức đến bảo vệ hiện trường và điều tiết giao thông tránh gây ùn tắc.

Trước đó, câu chuyện một nữ sinh bị kẹt tay dưới bánh chiếc xe tải nặng cả chục tấn hàng giờ đồng hồ trước sự vô cảm của cánh tài xế cũng khiến dư luận vô cùng phẫn nộ.

Vụ tai nạn xảy ra vào trưa ngày 1/12/2012, trên đường Dương Công Khi (xã Xuân Thới Thượng, H. Hóc Môn, TP.HCM). Một chiếc xe tải lớn chở đầy hàng lao tới với tốc độ khá nhanh đã va chạm vào một chiếc xe gắn máy chở hai nữ sinh.

Một cô bé tử vong tại chỗ trong khi nữ sinh còn lại bị kẹt chặt tay dưới bánh chiếc xe tải, đau đớn kêu thảm thiết: "Cứu con, cứu con". Toàn thân bé nằm trên mặt đường. Bé nằm sấp, một tay bị đè chặt dưới bánh trước. Mặt bé tím đen và máu từ đỉnh đầu chảy xuống. Bé gào lên khi thấy bà Huỳnh Ngọc Mai (60 tuổi), chủ quán tạp hóa gần đó: “Con đau quá bà ơi, bà cứu con”.

Bà Mai nhìn lên cabin, anh tài xế vẫn còn đó. Bà quát: “Anh lui xe ra một chút, tay con bé đang bị kẹt dưới bánh kìa”.

Mọi người bắt đầu chạy đến càng lúc càng đông. Tài xế hốt hoảng mở cửa xe chạy thục mạng và biến mất. Tại hiện trường, cháu bé vẫn rên la thảm thiết.

Người lớn vô cảm, trẻ con liều chết để cứu người 6
Hiện trường nơi xảy ra tai nạn.

Lúc này, rất nhiều chiếc xe buýt tuyến đường Bến Thành – Xuân Thới Thượng chạy ngang qua. Bà Mai năn nỉ cánh tài xế giúp chạy chiếc xe tải lùi lại một chút để rút cánh tay đứa bé, nhưng tất cả đều lắc đầu chạy vụt mất.

Gần một giờ trôi qua. Bé dường như đã cạn nước mắt. Đôi mắt bé thẫn thờ ngây dại. Sự đau đớn đã lên đến đỉnh điểm.

Người lớn vô cảm, trẻ con liều chết để cứu người 7
Bà Huỳnh Ngọc Mai kể lại diễn biến tai nạn

Phúc thay, cánh cửa cabin xe mở ra. Một người đàn ông trung niên nhảy lên ngồi vào ghế tài xế. Chìa khóa vẫn còn trên xe. Tiếng máy khởi động vang lên.

Chỉ cần một chút thôi, vài chục cm cũng đủ để rút cánh tay bé ra. Cánh tay bé đã rời khỏi bánh xe. Mọi người chưa kịp vào kéo bé thì một sự cố không may xảy ra. Chiếc xe lại chồm về vị trí cũ. Tiếng la thất thanh của bé vang lên. Tay bé bị cán một lần nữa. Bé ngất đi trong giây lát.

“Lui lại đi. Lui lại đi”, mọi người hét vang. Cũng may người đàn ông ngồi trên cabin vẫn đủ bình tĩnh tiếp tục cho xe lui lại. Lần này xa hơn để đề phòng xe trờ tới và mọi người cũng có... “kinh nghiệm” hơn, rút bé ra ngay khi xe vừa lui.

Rất đông người vây quanh bé. Áo quần bé đầy vết bùn đất dầu mỡ, tóc rối bời. Cô bé ngất lịm trong vòng tay của bà con. Cánh tay bị bánh xe cán qua đẫm máu.

CSGT vẫn chưa đến hiện trường. Mọi người dân ở đây đã làm tốt công việc cứu người với tất cả tấm lòng nhân hậu.

Người đàn ông lùi chiếc xe tải đã lẫn vào đám đông. Không ai biết ông là ai vì ông vốn không phải là người địa phương. Một nghĩa cử rất đáng được vinh danh, trong khi tất cả những người đang ngồi trước tay lái ngang qua đây không ai làm được...

Hai nạn nhân được xác định là Lê Thị Nhật Phương và Nguyễn Tăng Thanh Ngân. Cả hai em đều là học sinh giỏi lớp 10 của trường PTTH Phạm Văn Sáng. Người tử vong là em Phương, còn em Ngân sau đó được đưa đi điều trị tích cực tại khoa chấn thương chỉnh hình bệnh viện 115.

Những anh hùng nhỏ xả thân cứu người

Những ngày gần đây, người dân xã Thanh Ngọc, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An đang xôn xao bàn tán về cậu bé dũng cảm cứu 5 bạn nhỏ thoát chết đuối. Vụ việc xảy ra vào khoảng 17h chiều 17/6. Hôm đó, người dân xã Thanh Ngọc bàng hoàng khi nhận được tin có một nhóm 5 trẻ bị đuối nước tại sông Gang. Hầu hết ai cũng hoảng sợ, thế nhưng thông tin đó nhanh chóng được “đính chính” khi họ biết được rằng cả 5 em nhỏ may mắn được cứu sống, người cứu là em Lê Văn Được (SN 1998), trú tại xóm Ngọc Hạ, xã Thanh Ngọc.

Người lớn vô cảm, trẻ con liều chết để cứu người 8|
Chân dung cậu học sinh dũng cảm Lê Văn Được

Em Lê Văn Được cho biết: “Khoảng 17h chiều hôm đó, em đang chăn trâu thì nhìn thấy nhóm các bạn đi xuống sông. Vì bọn em có chơi với nhau, em thấy lo sợ các bạn không biết bơi nên đi theo. Khi nhìn thấy các bạn xuống sông thì em quay lại. Em vừa đi được hơn 100 mét thì nghe tiếng kêu cứu. Nhìn lại, thấy các bạn đang níu lấy nhau, chới với giữa dòng sông, em chỉ biết vừa chạy vừa kêu cứu để các anh đang chăn trâu gần đó nghe thấy. Nhưng do các anh ở xa quá nên không ai nghe được, vậy là em nhảy xuống nước khi thấy 2 bạn đã chìm”.

Người lớn vô cảm, trẻ con liều chết để cứu người 9
Được bên 5 nữ sinh mà em cứu sống

Khi đưa được hai em bị chìm là Uyển Nhi và Trang vào bờ an toàn, Được tiếp tục bơi ra dìu Tú, Hậu và Phương vào bờ. Chưa kịp nghỉ ngơi thì Được thấy Nhi và Trang có biểu hiện khó thở, cậu chạy đến, một tay vỗ vào lưng bạn, một tay nhanh chóng móc vào miệng để các bạn nôn ra nước.

Sinh ra trong một gia đình thuần nông, cuộc sống của gia đình Được cũng khó khăn như bao gia đình khác ở xóm Ngọc Hạ. Được là con đầu của anh Hải, sau Được còn có hai em nhỏ. Vì công việc nên suốt ngày bố mẹ Được phải đi làm xa và người làm anh cả như Được phải cáng đáng việc ở nhà, trông hai em cho bố mẹ yên tâm đi làm. Bố em đã quyết định dạy cho em học bơi từ năm lớp 3 để khi ở nhà, nhỡ các em có rơi xuống ao thì còn biết đường cứu vớt.

Không chỉ là người con biết chăm lo và giúp đỡ bố mẹ từ việc chăm em, nấu ăn, chăn trâu, quét nhà, ở trường, Được luôn được thầy cô và bạn bè yêu mến.

Ngày 21/6, Chủ tịch nước đã gửi thư khen ngợi hành động dũng cảm của em Lê Văn Được.

Trước đó không lâu, vào ngày 11/6, cậu bé Nguyễn Hữu Đức (SN 2006) ở xã Hóa An (TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) cũng xả thân lao xuống giếng cứu bạn sắp chết đuối. Thật không may, do giếng nước quá sâu nên em đã tử nạn.

Người lớn vô cảm, trẻ con liều chết để cứu người 10
Mẹ nạn nhân bên di ảnh con

Vào cái ngày định mệnh ấy, đáng ra Đức phải đi học hè nhưng cậu bé thấy mệt nên xin bà ngoại cho nghỉ học, ở nhà. Sợ mẹ là chị Nguyễn Thị Phương Dung (SN 1987) biết sẽ quở trách, Đức còn dặn bà: “Ngoại đừng nói cho mẹ con biết nghen, mai con khỏe, con sẽ lại đi học cẩn thận”. Hôm đó, em trai của Đức không may bị sốt, khoảng 14h, sau giấc ngủ trưa, bà Mai Tuyết Kim (SN 1959, bà ngoại của Đức) bảo Đức cầm tiền ra tiệm thuốc gần nhà mua thuốc hạ sốt cho em. Một người em họ của Đức là Trương Hoàng Kim Ngân (SN 2003) qua chơi cùng đi với Đức.

Vừa ra đến đầu ngõ, Đức và Ngân gặp Nguyễn Mai Thanh Phú (SN 2003, ngụ xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai), là chú họ của Đức. 3 đứa trẻ đi bộ trong hẻm, đi một đoạn thì có thấy một rãnh thoát nước ra khu vực đồng cỏ phía sau xóm. Thấy có cá ngược dòng bơi lên. Phú vội lội xuống bắt.

Cạnh rãnh nước là căn nhà bỏ hoang mới được bà Lê Thị Tươi (SN 1965) sửa sang lại để ở. Đằng sau nhà có một chiếc giếng rộng, sát mép giếng có bậc trơn, lòng giếng sâu khoảng 1,5m.

Phú thích thú đuổi bắt đàn cá, khi vào trong, phát hiện trong giếng nhà bà Tươi cũng có cá nên rồi lội xuống. Không may, cạnh giếng chỉ có một đoạn ngắn là bậc gạch, lại rất trơn, thế nên cậu bé bị trượt chân ngã vào giữa lòng giếng sâu. Bị ngã bất ngờ, cậu bé 7 tuổi chỉ biết khua tay kêu cứu. Thấy cảnh đó, Đức không nghĩ ngợi lao xuống cứu Phú. Tuy nhiên, do còn nhỏ, giếng lại sâu nên cả hai bị chìm trong lòng giếng...

Người lớn vô cảm, trẻ con liều chết để cứu người 11
Miệng giếng đã được che chắn kỹ sau tai nạn thương tâm

Bé Ngân hốt hoảng chạy về nhà gọi người lớn. Sau khi đưa hai đứa bé lên và sơ cứu tại chỗ không có kết quả, người dân nhanh chóng đưa cả hai đi bệnh viện. Tuy nhiên, 2 giờ sau, Đức đã qua đời còn Phú trong tình trạng nguy kịch.

Nói về Đức, gia đình và làng xóm đều cho biết em là một đứa bé ngoan. Thầy cô ở trường cũng nhận xét Đức là học trò có đạo đức tốt và học lực khá.

Nhìn hành động anh hùng, xả thân cứu người của em Đức và em Được, nhiều người phải cúi đầu thán phục, đặc biệt là khi lối sống vô cảm đang có xu hướng gia tăng trong xã hội hiện nay. Để tránh phiền hà, rắc rối, những người trưởng thành, với bao toan tính, dường như ngày càng trở nên thờ ơ trước số phận của đồng loại. Vụ việc lái xe taxi bỏ mặc người bị tai nạn giao thông nằm trong vũng máu không chịu cứu giúp vì sợ đen, hay các tài xế xe buýt bỏ mặc bé gái kêu gào trong đau đớn với cánh tay kẹt cứng dưới bánh xe tải chính là ví dụ điển hình cho lối sống lạnh lùng đến đáng sợ ấy.

Khi căn bệnh vô cảm đang lây lan như một loại virus, khiến nhiều người nhìn xã hội và cả đồng loại với con mắt đầy sự cảnh giác thì may thay, những tấm gương như Đức và Được lại như dòng nước mát, tưới tắm cho những tâm hồn đang dần khô cằn của người lớn. Chứng kiến hành động liều mình cứu người của các em, nhiều người không khỏi cảm thấy xấu hổ. Và sự xấu hổ ấy có thể tạo ra động lực mạnh mẽ, giúp thay đổi ít nhiều suy nghĩ của mỗi con người theo chiều hướng tích cực hơn, nhân văn hơn.
Chia sẻ