Một bác sĩ nói về vụ bệnh nhi không được cấp cứu kịp thời: "Sai ở đâu?"

,
Chia sẻ

Ngày 6/11, bác sĩ Võ Xuân Sơn (Giám đốc Bệnh viện quốc tế Exson) đã có những chia sẻ xung quanh câu chuyện bệnh nhi không được cấp cứu vì một bác sĩ khoa Nhiễm của BV Nhi Đồng 2 mải nói chuyện điện thoại.

Liên quan đến bài viết trên mạng xã hội của chị H.H bức xúc về cách làm việc bác sĩ tên L. mải nghe điện thoại, chậm cấp cứu bệnh nhi bị bệnh tay chân miệng tại bệnh viện Nhi Đồng 2, Sở Y tế TP.HCM cho biết đã cử cán bộ Phòng Nghiệp vụ Y đến làm việc, xác minh.

Bước đầu, bệnh viện Nhi Đồng 2 đã có báo cáo nhanh gửi lãnh đạo Sở. Theo báo cáo, 18h ngày 30/10, bệnh Nhi D.G.L (gần 5 tháng tuổi) được gia đình đưa đến khám tại khoa cấp cứu bệnh viện Nhi Đồng 2. Tại đây, bệnh nhân được xử trí ban đầu, không chỉ định nhập cấp cứu và được hướng dẫn đến Khoa khám bệnh của bệnh viện lấy số thứ tự ngay sau đó. Tại khoa Khám bệnh, bệnh nhi được khám tại phòng 329 do bác sĩ N.V.L phụ trách. Khi bệnh nhân vào khám, bác sĩ L đang nói chuyện điện thoại di động và có giải thích lý do cũng như hướng dẫn người nhà ngồi ghế chờ khám. Sau đó người nhà có phản ứng với bác sĩ Lộc và không đồng ý khám.

Bệnh nhân đã được chuyển sang phòng khám và được chẩn đoán bị bệnh Tay – Chân - Miệng độ II. Bé D.G.L được chỉ định nhập viện và theo dõi tại khoa Nhiễm. Sau 36 giờ điều trị và theo dõi, tình trạng bệnh nhân ổn định và được xuất viện ngày 02/11.

Một bác sĩ nói về vụ bệnh nhi không được cấp cứu kịp thời: Sai ở đâu? - Ảnh 1.
Phòng khám tại bệnh viện Nhi Đồng 2. Ảnh: Facebook

Trên facebook cá nhân, bác sĩ Võ Xuân Sơn cho biết việc bác sĩ L. nghe điện thoại trong trường hợp trên là sai và sẽ phải chịu hình thức kỷ luật thích hợp. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng chỉ ra những lỗ hổng trong quy trình khám chữa bệnh này.

"Việc bệnh nhân đến cấp cứu, nhưng tình trạng không cấp cứu, được yêu cầu đăng kí đóng tiền khám bệnh là chuyện bình thường. Khi chuyện xảy ra ngoài giờ hành chính, việc khám tại khu khám ngoài giờ hay khu dịch vụ cũng hoàn toàn hợp lí. Nếu tất cả những ca không cấp cứu đều đổ vào cấp cứu thì những bệnh nhân phải cấp cứu thật sự sẽ bị ảnh hưởng do sự quan tâm, chăm sóc bị phân tán.

Vấn đề đầu tiên nằm ở chỗ người phân loại, đánh giá tình trạng cấp cứu hay không. Rõ ràng là theo mô tả của bạn H., cũng như theo lời kể của nhiều bạn, đã có nhân viên y tế có chuyên môn phân loại ban đầu. Vậy thì tại sao lại có thể yêu cầu một cháu bé trong tình trạng nguy kịch (bằng chứng của sự nguy kịch là những gì các bác sĩ cấp cứu thực hiện sau đó), đi đăng kí và đóng tiền khám bệnh.

Đây là một lỗ hổng trong quy trình. Hoặc người phân loại không đủ khả năng, hoặc việc coi thường đồng nghiệp không chỉ có ở chỗ bác sĩ L. nào đó. Sở dĩ nói coi thường đồng nghiệp vì trường hợp con của bạn H. đã có giấy chuyển viện của Bệnh viện City.

Một bác sĩ nói về vụ bệnh nhi không được cấp cứu kịp thời: Sai ở đâu? - Ảnh 2.
Status chia sẻ của bác sĩ Xuân Sơn

Nếu người phân loại không đọc giấy chuyển viện thì có vấn đề về y đức, còn nếu đọc mà bỏ qua chẩn đoán của đồng nghiệp thì vấn đề về y đức còn nặng hơn nhiều, nhưng lại xuất phát từ một căn bệnh của xã hội: coi thường y tế tư nhân. Là một người hành nghề y tế tư nhân, tôi đã không ít lần chứng kiến sự ngạo mạn của một số bác sĩ hay nhân viên y tế ở khu vực công lập, hoặc của một số cán bộ lãnh đạo, khi nói về y tế tư nhân.

Một số nhân viên y tế lại mắc vào một vấn đề khác: coi thường y tế tuyến dưới. Nếu muốn xử lí rốt ráo chuyện này, theo tôi, những vấn đề nêu trên phải được đặt ra, phân tích và xử lí. Quan trọng nhất vẫn là những bài học về cách đối nhân xử thế, về bệnh nhân, về đồng nghiệp.

Khi bệnh nhân được đưa lên phòng khám ngoài giờ, về nguyên tắc, bác sĩ phải khám ngay. Tuy nhiên, việc không khám ngay có thể do vị bác sĩ đó chủ quan, vì bệnh đưa lên phòng khám ngoài giờ thì thường đâu có gì gấp. Trong sự chậm trễ của bác sĩ tên L., chắc chắn có lỗi của người phân loại bệnh, và lỗi của bệnh viện, đã không huấn luyện đủ mức cho người phân loại bệnh.

Một bác sĩ nói về vụ bệnh nhi không được cấp cứu kịp thời: Sai ở đâu? - Ảnh 3.
Bác sĩ Võ Xuân Sơn.

Tất nhiên, vị bác sĩ tên L. kia sai khi không khám bệnh nhân ngay, nhất là khi chẳng có một bệnh nhân nào khác để mà bận. Sẽ phải có một hình thức kỉ luật thích hợp. Qua câu chuyện của bạn H., những người trong ngành y thấy rõ phản ứng của người bệnh khi thấy một bác sĩ nói xấu đồng nghiệp là như thế nào. Mong rằng, bác sĩ L. và những bác sĩ khác thường xuyên nói xấu đồng nghiệp, khích bác, xúi bẩy người bệnh kiện tụng đồng nghiệp… nhìn thấy bài học từ chuyện này.

Rất may là tập thể các bác sĩ và nhân viên y tế Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã làm rất tốt công việc, cứu sống cháu bé, và ít nhất đã ghi điểm với bạn H. và gia đình, góp phần vào việc bạn H. phản ứng với những tiêu cực của ngành y một cách văn minh.

Việc còn lại thuộc về Ban Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2 và các phòng ban liên quan của Sở Y tế. Tuy nhiên, theo tôi, việc trừng phạt những người liên quan không quan trọng bằng việc giáo dục, huấn luyện lại họ, đồng thời xem và điều chỉnh lại quy trình cho phù hợp.

Bởi vì, mục đích của mọi khiếu nại, phê phán là làm cho tốt hơn".

Câu chuyện của facebooker H.V cùng lời chia sẻ từ bác sĩ Xuân Sơn đã nhận được rất nhiều quan tâm từ cộng đồng mạng. Đa số đều cho biết, nếu bác sĩ L. đã xử sự như vậy trong trường hợp trên thì cần rút kinh nghiệm.

Bác sĩ Võ Xuân Sơn tốt nghiệp Y khoa tại Đại học Y Dược TP HCM năm 1987. Sau đó, ông tốt nghiệp thạc sĩ vào năm 2000 với đề tài "Nghiên cứu điều trị phẫu thuật thoát vị đĩa đệm cột sống cổ", và bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Y học cấp quốc gia năm 2006 với đề tài: "Nghiên cứu điều trị vi phẫu thuật u nội tủy sống".

BS. Xuân Sơn được phân công về công tác tại khoa Ngoại Thần Kinh - Bệnh viện Chợ Rẫy. Trong quá trình công tác tại Bệnh viện Chợ Rẫy, từ một bác sĩ mới ra trường, BS. Xuân Sơn đã phấn đấu trở thành một bác sĩ trưởng kíp trực, một phẫu thuật viên chính, đảm trách những ca mổ khó nhất, đặc biệt là trong lĩnh vực Phẫu thuật Cột sống – Tủy sống.

Ngoài việc góp một phần công sức vào sự phát triển của chuyên ngành Phẫu thuật Thần kinh và Phẫu thuật Cột sống – Tủy sống của Bệnh viện Chợ Rẫy, do vị trí và thời điểm công tác đặc biệt của mình, BS. Xuân Sơn đã góp phần vào việc hình thành và phát triển chuyên ngành Phẫu thuật thần Kinh và đặc biệt là Phẫu thuật Cột sống – Tủy sống tại các tỉnh, thành phố khác trong nước như Bà Rịa Vũng Tàu, Long An, Cần thơ, Hậu Giang, Bình Phước, Lâm Đồng, Đà Nẵng…

Kể từ năm 1998, BS Xuân Sơn đã quyết định đi sâu vào chuyên ngành Phẫu thuật Cột sống – Tủy sống, với mục tiêu tiếp cận với những thành tựu đỉnh cao của thế giới. BS Xuân Sơn đã tu nghiệp nhiều lần tại các bệnh viện lớn và các trường đại học hàng đầu tại Nhật Bản, Hoa Kì, Công Hòa Liên Bang Đức, Hàn Quốc… Năm 2007, bác sĩ Sơn đã nghỉ việc tại Bệnh viện Chợ Rẫy để thành lập một trung tâm y khoa của riêng mình tại TP HCM.

Theo Kênh14/ Trí Thức Trẻ

Chia sẻ