Chuyện chạy trường cho cháu của thông gia

Theo Phunutoday,
Chia sẻ

Tự tin rằng mình là người học cao hiểu rộng, ông Diên gần như áp đặt mọi ý kiến của mình trong việc dạy cháu, trường của cháu cũng do ông quyết định, cháu chơi trò gì, sinh hoạt ra sao ông cũng luôn là người chủ động.

Không chỉ bố mẹ sốt sắng tìm trường tốt cho con. Ngay cả hai bên thông gia đã là ông là bà cũng rất thức thời khi ngay từ đầu đã rất nhiệt tình tìm cho cháu mình những nơi học tập tốt nhất.

Tuy nhiên, không phải lúc nào hai bên thông gia cũng tìm được tiếng nói chung trong việc lựa chọn trường lớp và phương pháp giáo dục cháu.

Cháu tôi phải học trường tốt nhất

Mấy ngày hôm nay, hễ cơm nước xong, ông Thẩm lại giục vợ nhanh nhanh xếp dọn để còn sang thông gia bàn “chuyện đại sự”. Thế là hai ông bà quần áo chỉnh tề gấp gáp chở nhau sang nhà thông gia. Nhà ông Hiển bà Dung - thông gia của ông Thẩm cũng ở ngay cận kề, chỉ cách nhà ông vài con phố nhỏ.

Vừa đến nhà thông gia, ông Thẩm đã thấy vợ chồng ông thông gia đã ngồi đợi sẵn, ấm nước trà đã được pha, khuôn mặt mọi người lộ rõ vẻ căng thẳng. Đã mấy ngày rồi, “hội nghị diên hồng” được lập ra để bàn chuyện tìm trường cho thằng cháu đích tôn của ông Hiển và cũng là cháu ngoại của ông Thẩm.

Gia đình ông Thẩm và gia đình ông Hiển đều là gia đình có điều kiện kinh tế. Nay hai gia đình chỉ có Duy là thằng cháu trai đầu tiên nên cả hai bên đều rất nỗ lực chăm bẵm, nếu không muốn nói là giành những điều kiện tốt nhất cho cháu.

Khác với những gia đình có tiền khác, ông bà thường thương con cháu một cách mù quáng theo kiểu “muốn gì được nấy”, ông Thẩm ông bà Hiển xác định, sẽ cùng nhau giáo dục cháu có ý thức hiếu học từ nhỏ và tạo mọi điều kiện để cháu có điều kiện học hành tốt nhất.

Chính vì vậy, thay vì mua cho cháu các loại đồ chơi giống như cho các bé trai khác như súng nước, rô bốt, siêu nhân… Ngay từ nhỏ, cả hai bên đã thống nhất chỉ mua cho cháu những đồ chơi mang tính giáo dục như: truyện tranh, bút, băng đĩa dạy chữ…

Bé Duy tuy nhỏ tuổi nhưng cũng không được hồn nhiên và hiếu động như các bé cùng trang lứa, thay vì chạy nhảy, đánh nhau, bé thường lặng lẽ ngồi xếp chữ, hoặc mở truyện tranh ra xem.

Hai bên thông gia nhìn cháu say mê xem sách mà khuôn mặt tràn đầy vẻ mãn nguyện, trong lòng ấp ủ hy vọng mai sau cháu nhất định sẽ trở thành bác sỹ, kỹ sư cho rạng danh họ tộc.
 

Trong khi các gia đình khác, bố mẹ thường sốt sắng và là người quyết định chính trong việc sẽ cho con học ở đâu.

Nhưng gia đình chị Diệp anh Thịnh thì lại hoàn toàn khác, anh chị đều bận bịu, tính tình vô tư, hơn nữa anh chị may mắn là cả hai bên bố mẹ đều chung tay chăm sóc cháu, mà chăm sóc rất khoa học nên anh chị cũng chẳng phải lo lắng gì. “Thôi thì cứ để ông bà tự quyết định vậy”, vợ chồng anh Thịnh thống nhất.

Ngay từ khi bé lên ba, bước vào tuổi học mẫu giáo, hai bên đã bàn thảo cả tháng trời để quyết định xem bé sẽ học ở đâu. Một danh sách cả chục trường mầm non có tiếng được đưa ra để lựa chọn. Hai bên tranh cãi nảy lửa khi quyết định xem nên cho bé học trường công hay trường tư.

Trường nào cũng có ưu, nhược điểm. Nếu trường tư thì học phí đắt hơn, đương nhiên điều kiện vật chất cũng tốt hơn, giáo viên sẽ “nhẹ tay” với cháu mình hơn. Trường công thì cơ sở vật chất không bằng, nhưng chắc chắn kỷ luật giáo dục sẽ hơn.

Vậy là sau một hồi suy nghĩ, hai bên thống nhất sẽ nộp đơn cho cháu học tại trường mầm non công lập có tiếng của thành phố.

Nhưng đến tận trường để hỏi thì hai bên mới ngã ngửa: nếu bé học trường đó sẽ không đúng tuyến và tất nhiên là sẽ khó xin hơn rất nhiều. Sau khi bàn bạc, hai bên thống nhất sẽ đổi tạm khẩu cho bé Duy về nhà ông ngoại để đi học đúng tuyến.

Thế là người ta lại thấy hai bên tất bật chạy ngược chạy xuôi vừa lo đổi hộ khẩu, lo đi gặp người này người kia, lo thức khuya dậy sớm xếp hàng nộp hồ sơ cho cháu.

Sự nỗ lực của hai bên cũng được đền đáp, bé Duy được nhập học tại ngôi trường nổi tiếng đó, ngày ngày hai bên thông gia thay nhau đưa đón cháu đi học. Nay bé Duy đã 6 tuổi, sắp bước vào cánh cửa trường tiểu học.

Theo như ông Hiển - đây sẽ là mốc vô cùng quan trọng, là ngưỡng cửa đầu tiên mở cánh cửa tri thức cho bé. Vì vậy, cũng giống như lần trước, hội nghị lần này của cả hai gia đình được triệu tập cả tháng trời, với mục đích cùng bàn bạc và quyết định tìm cho bé Duy một trường tiểu học thật tốt.  

Tham khảo nhiều bạn bè, ông Hiển có danh sách rất nhiều trường “chất lượng cao”. Tuy nhiên, càng có nhiều trường, sự lựa chọn sẽ càng khó khăn hơn.

Trường thì có hoạt động ngoại khoá tốt, trường thì có chất lượng giáo dục tốt, trường thì lại có cơ sở vật chất khang trang cùng với điều kiện đưa đón tận nhà… bàn đi tính lại, hai bên vẫn chưa thể thống nhất được trường nào.  

Trong trường hợp của gia đình ông Hiển, tất nhiên với sự thương yêu, chăm sóc cháu theo hướng tích cực như vậy, bé Duy sẽ có điều kiện tốt nhất để học tập và phát triển.

Việc định hướng cho cháu ham học từ nhỏ là một chuyện đáng hoan nghênh, tuy nhiên cũng không nên quá đặt nặng vấn đề chọn trường chọn lớp, bởi các cháu có học giỏi hay không còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác.

Cháu nội tôi, tôi mới là người quyết định

Khác với câu truyện trên, hai bên thông gia đều rất “tâm đầu ý hợp” trong việc định hướng cho cháu và tìm trường học cho cháu ngay từ nhỏ. Hai ông thông gia trong câu chuyện sau đây lại có những quan điểm trái ngược nhau trong việc giáo dục cháu.

Nhà ông Diên nằm khiêm tốn trong một con ngõ nhỏ. Bước vào ngôi nhà, người ta có thể thấy ngay được tính cách và học vị của chủ nhân: ngôi nhà rất ngăn nắp gọn gàng, trên tường thay vì tranh ảnh là hàng loạt các bằng khen về thành tích nghiên cứu của chủ nhà.

Ông Diên gắn bó cả đời với một viện nghiên cứu của nhà nước, các công trình nghiên cứu của ông nhiều không đếm xuể. Nhưng với một người cả cuộc đời chỉ quan tâm đến việc làm khoa học, gia đình ông cũng chẳng khá giả gì mà chỉ ở mức vừa đủ chi tiêu.

Vậy là ông Diên cũng chẳng thấy phiền muộn gì, ngược lại ông cảm thấy vô cùng tự hào về công việc của mình, về những tháng ngày miệt mài nghiêu cứu và công hiến cho sự nghiệp nghiên cứu khoa học.

Nhà chỉ có duy nhất cô con gái nhưng việc cô chẳng học hành đến đầu đến đũa khiến ông Diên đau lòng lắm. Tốt nghiệp cao đẳng, lận đận mãi mới xin được làm nhân viên kinh doanh cho một công ty mỹ phẩm của Hàn Quốc.

Nghĩ lại, chung quy cũng chỉ tại bà Hoà - vợ ông đã quá chiều con mà không định hướng giáo dục cho con ngay từ nhỏ nên mới có chuyện này.Nay con gái lấy chồng, ông cũng đã có cháu ngoại, ông Diên đã nghĩ rồi, ông phải định hướng rõ ràng cho cháu ham học từ nhỏ, để sau này cháu đi theo con đường “vinh quang” mà ông đã đi.

Điều mà ông Diên cảm thấy rất không hài lòng là gia đình ông Hùng- thông gia với ông, tuy giàu có nhưng cả nhà chỉ kinh doanh buôn bán, chẳng có ai có vẻ gì là học cao hiểu rộng. Đã vậy, nay đã có cháu đích tôn, nhưng ông Hùng cũng chỉ mải kinh doanh, chẳng thấy lo lắng gì cho việc học hành của cháu.

Thế là ngay từ khi cháu còn nhỏ, ông Diên luôn là người chủ động tìm trường học và trực tiếp dạy dỗ cháu. Tự tin rằng mình là người học cao hiểu rộng, ông Diên gần như áp đặt mọi ý kiến của mình trong việc dạy cháu, trường của cháu cũng do ông quyết định, cháu chơi trò gì, sinh hoạt ra sao ông cũng luôn là người chủ động.

Cháu mới 5 tuổi mà ông đã bắt cháu học nào cờ vua, cờ tướng, nào tiếng Anh…Lúc đầu thông gia cảm thấy rất vui vẻ, nhưng dần dần, thấy ông Diên có vẻ “lấn sân” vợ chồng ông Hùng bắt đầu khó chịu. Vợ ông Hùng bắt đầu bóng gió xa gần về việc đây là cháu nội, mình sẽ quyết định việc dạy dỗ.

Cháu chuẩn bị bước vào lớp một, cũng quen với những lần trước, ông Diện đã tự mình lặn lội nhờ vả và xin được cho cháu một suất học tại một trường có tiếng của quận. Hồ hởi cầm quyết định trong tay, ông Diên đến gặp thông gia thông báo.

Trái ngược với sự vui mừng của ông Diên, vợ chồng ông Hùng đã không đồng ý thì thôi lại còn nói những lời rất khó nghe khiến ông Diên vô cùng tức giận. Hai bên bắt đầu to tiếng với nhau. Vợ ông Hùng chẳng nể nang gì nói luôn:

“Ông thông gia yên tâm, gia đình tôi chỉ có một đứa cháu đích tôn, chúng tôi sẽ biết cách giáo dục cháu tốt nhất”, rồi bà còn mỉa mai:

“Quan trọng là sau này cháu biết cách kiếm tiền, chứ tôi thấy nhiều người nghe có vẻ học hành giỏi giang đấy, mà cả đời cũng có làm nên công trạng gì đâu”, “ông có giỏi định hướng, sao ông không định hướng cho con gái ông trước, để mà nó có học hành đến đầu đến đũa, bây giờ suốt ngày đi làm chân sai vặt cho bọn nước ngoài, có khi nào thấy nó ngó ngàng gì tới con cái đâu”….

Ông Diên uất ức lắm, nhưng ông cay đắng thấy bà thông gia nói cũng đúng. Nếu ông không cậy mình học cao hiểu rộng để quá áp đặt ý kiến vào việc giáo dục cháu mà chỉ dừng  lại ở việc góp ý và cùng bàn bạc với thông gia thì có lẽ mối quan hệ giữa ông và thông gia cũng đâu đến nỗi.

Chia sẻ