Chạy “trường” nước rút

Duy Khanh,
Chia sẻ

Chưa đến năm học nhưng từ đầu hè các bậc phụ huynh đã chạy chọt tìm trường cho con. Giai đoạn nước rút mà nhiều phụ huynh vẫn chưa biết con mình học ở đâu cho tốt.

Mấy bữa nay chị Phương cứ than vắn thở dài, nghĩ tới nghĩ lui, thậm chí đi hỏi ý kiến hết người này đến người trong cơ quan, bạn bè xem nên cho bé Linh con chị học trường nào? Chẳng là năm nay bé Linh, cô con gái đầu lòng của chị Lan vào lớp 1. Bé Linh nhà chị nếu học đúng tuyến sẽ học ở trường tiểu học Tô Hoàng. Nhưng năm nay có thêm một loạt trường tư thục, trường quốc tế,…Vì lẽ đó mà chị Lan mới đau đầu.

Cậu con trai năm nay vào lớp 1, chị Mai (Đống Đa, Hn) đã ngắm nghía được một trường tiểu học có tiếng tại quận Ba Đình mặc dù trái tuyến với hộ khẩu nhà chị. Ra Tết, chị đã lên kế hoạch chạy trường, tìm kiếm các mối quan hệ thân quen và chuẩn bị một khoản tiền để chạy cho con vào trường “điểm”.
 
 Ảnh: flickr

Qua giới thiệu, chị Mai được dẫn tới một người đàn ông có quen biết trong ngành giáo dục của quận. Chị tin cậy giao hồ sơ, tiền, nhờ người này lo lót. Sốt ruột, ngày nào chị cũng gọi điện hỏi thăm, rồi quà cáp, còn người đàn ông này lúc nào cũng nói như đinh đóng cột: “Chị cứ yên tâm, đầu tháng sẽ có thông báo danh sách các cháu nhập trường”. Mấy ngày nay, chị càng lo lắng không biết tình hình thế nào. Chưa yên tâm, chị lại tìm nhờ quan hệ bạn bè tìm người trợ giúp thêm.

Rút kinh nghiệm, năm nay chị Lan (nhân viên kinh doanh của một công ty nước ngoài) đã có “mối” với một chị làm ở sở giáo dục. Thằng con đầu cũng học trường M, giờ đến cậu con trai thứ hai của chị. Chị Lan cho biết: “Năm nay giá cả cái gì cũng tăng, khoản chi phí cho việc hồ sơ cũng tăng là chuyện đương nhiên. Nhưng bằng mọi giá cũng phải cho nó vào trường M”. Bạn bè trong cơ quan nói chuyện với chị năm nay ngành giáo dục quyết liệt lắm nên rất khó xin xỏ hay chạy trường thì chị Lan vẫn quả quyết: “Không  có gì khó đâu, miễn sao mình biết đi đúng tuyến. Nhà mình thế này mà cho thằng cu học trường còn mặt mũi đâu mà nhìn bạn bè, ít ra cũng phải trường điểm của quận”.

Khi được hỏi về chất lượng giáo dục ở các trường ra sao, nhiều bậc phụ huynh ngơ ngác. Vì do tâm lý‎ số đông hay do bạn bè giới thiệu, các bậc phụ huynh chen nhau chạy vào trường đó mà ít ai quan tâm tới việc con cái mình sẽ học tập ở đó thế nào, học lực của con em mình ra sao. Hầu như phụ huynh cho biết: chỉ “nghe nói” trường này, trường kia dạy tốt nên cố mà chạy cho con, chứ hoàn toàn không biết gì  về chất lượng dạy và học thực của trường đó! Đó chính là câu trả lời vì sao người ta lại đổ xô vào một số trường đếm được trên đầu ngón tay.

Một lý do khác là không ít phụ huynh muốn cho con vào các trường có tiếng để... giải quyết khâu oai với bạn bè, họ hàng, và để minh chứng: các ông bố bà mẹ đó có “máu mặt”! Và chính những cuộc chạy đua không cân sức của các bậc phụ phuynh mà giá vào các trường điểm ở Hà Nội hiện nay đã được tính bằng tiền đô và còn tiếp tục “tăng giá” sau mỗi năm học theo thị trường.

“Chạy” trường như một thói quen của phụ huynh có con học đầu cấp. Thậm chí có những phụ huynh con mới 3- 4 tuổi, nhưng đã chọn trường, thiết lập mối quan hệ, “xí chỗ” cho bé vào lớp 1. Để chạy được cho con vào trường điểm, trái tuyến, các gia đình không tiếc công, tiếc của để lo lót, quà cáp, chăm sóc các mối quan hệ.

Năm ngoái, chuẩn bị cùng với một khoản tiền lớn để “chạy” cho con vào trường “điểm”, nhưng đến ngày khai giảng, chị Ngọc (Kim Ngưu, HN) mới tá hỏa khi con trai vẫn chưa được gọi nhập học, còn người chị nhờ chạy trường chỉ khất lần khất lượt. Số tiền chị đầu tư cho con chỉ rút lại được một nửa, đành phải chấp nhận cho con học trường của phường vì đã chuẩn bị vào năm học.

Còn trường hợp của chị Giang cũng tương tự. Đến giờ, cậu con trai chuẩn bị vào lớp một phải học “tạm” trường “làng”. Chị buồn rầu: “Tại ông chồng tôi, thiên hạ người ta lo cho con từ khi chưa hết mẫu giáo, đến khi con sắp sửa vào học đến nơi thì làm sao còn chạy được. Mất mấy vé lo cho con cũng có được đâu. Thôi thì cho nó học ở đây rồi vào năm học tính sau”.

Cứ đến hẹn lại lên, “chạy” trường điểm vẫn diễn ra quyết liệt. Các bậc phụ huynh đã đầu tư bao nhiêu tiền của, thời gian và công sức vào chạy trường. Đừng vì quá kỳ vọng vào con mà các bậc phụ huynh làm khổ chính con mình, cố chạy vào các trường điểm, trường chất lượng cao bằng mọi giá mà không căn cứ vào lực học của con.

Hãy để cho con được học tập, vui chơi trong một môi trường tự nhiên, bình thường nhất. Thực tế đã cho thấy, kết quả của những học sinh có học lực trung bình ngày càng giảm sút khi phải học ở trường điểm quá sức mà vẫn không thể theo kịp các bạn khác.
 
Phan Anh
Chia sẻ