Chạy đua tìm trường cho con

Đoang Trúc,
Chia sẻ

Đến hẹn lại lên, khoảng đầu tháng 6, khi các phòng giáo dục công bố kế hoạch tuyển sinh đầu cấp thì phụ huynh có con em vào lớp 1, lớp 6 bắt đầu… chạy đua.

 

Chính phụ huynh đã tự tạo áp lực cho mình khi tìm mọi cách để con vào được trường tốt.  

Khổ vì “lo” trường điểm

Từ đầu tháng 5 đến nay, chị T.T (Gò Vấp) ngày nào cũng lên mạng tìm thông tin về kế hoạch tuyển sinh lớp 1 ở 2 quận Phú Nhuận và Gò Vấp, để biết khi nào con mình có giấy gọi nhập học của quận và để xem những trường nào tuyển sinh ngoài tuyến.

Ngay từ khi con trai còn học mầm non, chị đã tính sẵn: “Cho con vào trường chuẩn quốc gia thì mới ngon lành”, sau một thời gian ngắn nhờ vả mà không thu được kết quả chị đành chọn trường nào có tăng cường tiếng Anh ở quận cũng được”.

Vào trường đồng nghĩa với việc tốn kếm nhưng chị không ngại chi ra một khoản miễn sao cho con được học trường mà chị mong muốn.

Mệt vì học “tăng cường”

Cũng vì cơn “sốt” chạy đua vào các lớp tăng cường ngoại ngữ mà hàng năm có hàng chục ngàn học sinh chưa vào lớp 1 phải tham dự kỳ khảo sát tăng cường tiếng Anh. Trong năm học vừa qua, thành phố có đến 18.733 thí sinh tham gia khảo sát tại 120 trường tiểu học có tăng cường tiếng Anh. Còn trong năm học trước đó, con số này là 13.425 thí sinh. Để con mình đạt kết quả tốt trong kỳ khảo sát, không ít phụ huynh đã phải cho con đi học bồi dưỡng tiếng Anh.

Những đứa bé đang tuổi mẫu giáo chỉ biết ăn và chơi nay bị ép học ngoại ngữ, toán…có những bé phải học 2 ca không kém gì thi đại học.Thật không biết các vị phụ huynh nghĩ gì?

Một trường mầm non tư thục có tiếng ở Bình Thạnh vừa thông báo tuyển 40 cháu ở lớp chồi, lá để ổn định sĩ số. 40 bộ hồ sơ đã được bán sạch chỉ trong vòng 30 phút. Các bậc phụ huynh hiếm khi chịu bằng lòng với trường con mình đang học nên cứ đứng núi này trong núi nọ, tự làm khổ mình”.

Cả nhà cùng… rối

Mấy hôm nay chị Nguyễn Thị Loan đau đầu vì không biết phải thu xếp công việc gia đình như thế nào. Chị cho biết: “Hai vợ chồng đều đi làm ở quận 3, nhưng nhà ở quận 12. Nếu cho con học một trường tiểu học ở quận 3 thì không thể vì không đúng tuyến. Nhưng nếu học ở quận 12 thì… không thể chạy về đón con được”. Khi cầm giấy gọi nhập học của con, chị Loan không biết phải làm thế nào. Chị nói: “Tôi và ông xã bàn tính mãi mà không xong, cách nào cũng không thuận tiện. Chỉ có nước nhờ bà ngoại ở quê lên ở để đón cháu hoặc gởi con về quê học”.

Hiện có khá nhiều gia đình không biết phải làm thế nào để sắp xếp công việc cho đầu năm học này. Có trường hợp 2 vợ chồng đều làm việc tại trung tâm thành phố, nhưng hộ khẩu hoặc KT3 lại ở các quận vùng ven. Khi con đang học ở mầm non, các vị phụ huynh này đã chọn một trường gần cơ quan để thuận tiện cho việc đi lại của cả nhà. Nhưng khi con đến tuổi vào tiểu học thì cả nhà đều khổ… Chị Thu Hồng băn khoăn: “Vào trường quốc tế thì không đủ tiền, học trường thường thì không biết tính sao”. 

Nhiều giáo viên ở các trường chuẩn, trường có tiếng tăm đã phải thốt lên như cô giáo P. Trinh ở quận 3: “Đến mùa mất ăn, mất ngủ. Hết người này đến người khác nhờ nói hộ với ban giám hiệu. Giải thích thế nào phụ huynh cũng không hiểu, cứ cho rằng mình không có lòng giúp đỡ”.

Trưởng phòng giáo dục của một quận cho biết: “Mùa này thì không thể tiếp khách mà không hẹn trước. Thấy số điện thoại lạ tôi cũng không dám nghe máy. Có khá nhiều phụ huynh muốn xin cho con mình vào trường chuẩn, trường điểm. Nhưng theo tôi, với bậc tiểu học, trung học cơ sở thì học gần nhà là tốt nhất”.

 

Đoan Trúc
Vietnamnet
Chia sẻ