Không thể coi thường virus chết người Ebola

Minh Tuyết,
Chia sẻ

Bộ Y tế yêu cầu các địa phương đồng loạt triển khai nhiều biện pháp phòng dịch bệnh nguy hiểm Ebola xâm nhập vào Việt Nam.

Trước diễn biến phức tạp của bệnh do virus Ebola trên thế giới, với số mắc, tử vong cao, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương đồng loạt triển khai nhiều biện pháp phòng dịch bệnh nguy hiểm này xâm nhập vào Việt Nam.

Dưới đây là những điều quan trọng mà người dân cần biết về căn bệnh này để có thể phòng tránh bệnh tốt hơn:

Bệnh gây tử vong lớn

Theo Bộ Y tế, bệnh do virus Ebola là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm có khả năng lây lan nhanh và tỷ lệ tử vong cao (có thể tới 90%). Bệnh lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết, bộ phận cơ thể của người mắc bệnh, động vật bị bệnh hoặc tiếp xúc với môi trường bị ô nhiễm bởi dịch tiết của người, động vật mắc bệnh.

Từ 12/2013 đến 30/7/2014 thế giới đã ghi nhận hơn 1.300 người mắc với con số tử vong lên đến 729 người tại 4 quốc gia vùng Tây Phi gồm Guinea, Leberia, Sierra Leona và Nigiera. Chỉ trong 8 ngày từ 24-31/7/2014 đã có 122 người mắc, trong đó 57 trường hợp tử vong. Nguy hiểm hơn là tới nay dịch bệnh chưa có dấu hiệu giảm tại các quốc gia trên và có nhiều nguy cơ lan truyền sang quốc gia khác.

Bệnh do vi rút Ebola (Ebola virus disease), từng được biết đến là bệnh Sốt xuất huyết do virus Ebola (Ebola haemorrhagic fever), là bệnh nguy hiểm dễ gây tử vong ở người. Tỷ lệ tử vong do Ebola virus disease (EVD) lên đến 90%. Dịch bệnh Ebola được phát hiện lần đầu tại những bản làng xa xôi hẻo lánh tại khu vực Trung và Tây Phi, gần rừng nhiệt đới. Virus Ebola xuất hiện lần đầu tại Sudan và Cộng hòa Công Gô vào năm 1976. Tại Công Gô, virus được phát hiện ở một ngôi làng ven sông Ebola, vì vậy người ta đặt tên là vi rút Ebola. Tại châu Phi, dơi ăn quả được xem là các vật chủ tự nhiên của virus này.

Con đường lây truyền bệnh

Vi rút Ebola lây truyền từ động vật sang người khi tiếp xúc gần với máu, chất tiết của động vật bị nhiễm. Tại châu Phi, virus lây truyền khi người lành tiếp xúc với các động vật như tinh tinh, gorila, dơi ăn quả, khỉ, linh dương và nhím ốm, chết hoặc các động vật trong rừng nhiệt đới.

Vi rút Ebola lây truyền từ người sang người do tiếp xúc trực tiếp với máu, các chất tiết của cơ thể (phân, nước tiểu, nước bọt, tinh dịch) của người mắc bệnh, hoặc các vết xước trên da hay niêm mạc của người lành tiếp xúc với môi trường bị ô nhiễm với các chất tiết của người nhiễm virus (quẩn áo, ga trải giường nhiễm bẩn hay kim tiêm đã qua sử dụng).

Cán bộ y tế rất có nguy cơ nhiễm virus Ebola khi chăm sóc bệnh nhân mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh này nếu không áp dụng các biện pháp phòng hộ thích hợp. Cán bộ y tế cần được trang bị kiến thức cơ bản về điểm của bệnh, đường lây truyền và tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống nhiễm khuẩn đã khuyến cáo.

Không thể coi thường virus chết người Ebola 1
Bộ Y tế yêu cầu các địa phương đồng loạt triển khai nhiều biện pháp phòng dịch bệnh nguy hiểm Ebola xâm nhập vào Việt Nam. Ảnh minh họa

Đối tượng có nguy cơ cao nhiễm vi rút ebola

Những người thuộc các nhóm sau sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn, bao gồm: Thành viên gia đình hay người tiếp xúc gần với người mắc bệnh; Người đi dự tang lễ tiếp xúc trực tiếp với thi thể người chết do nhiễm virus Ebola; Người đi săn tiếp xúc với động vật chết do nhiễm virus Ebola trong rừng; Cán bộ y tế...

Triệu chứng khi nhiễm vi rút Ebola

Người mắc bệnh do virus Ebola thường xuất hiện các triệu chứng sau: sốt đột ngột, mệt mỏi kéo dài, đau cơ, đau đầu, đau họng. Tiếp theo là các triệu chứng nôn, ỉa chảy, phát ban, suy thận, suy gan. Một số trường hợp bị chảy máu trong nội tạng và chảy máu ngoài. Thời gian ủ bệnh là từ 2-21 ngày. Đây là căn bệnh hiện chưa có vắc xin phòng bệnh do virus Ebola.

Tăng cường giám sát, phòng, chống dịch Ebola

Trước tình hình dịch có nhiều diễn biến phức tạp để chủ động phòng chống dịch bệnh do virus Ebola không để lan truyền vào Việt Nam, Bộ Y tế đã có công văn gửi UBND tỉnh, thành phố về việc tăng cường giám sát phòng, chống dịch bệnh do virus Ebola.

Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu các UBND tỉnh, TP chỉ đạo Sở Y tế phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tại cửa khẩu để giám sát chặt chẽ người nhập cảnh, lưu ý những người từ các quốc gia có dịch bệnh, đồng thời thực hiện tốt việc giám sát tại cộng đồng và cơ sở y tế. Khi phát hiện các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh do virus Ebola và có tiền sử đi về từ vùng có dịch trong vòng 21 ngày, thực hiện ngay cách ly và lấy mẫu gửi về Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương và hoặc Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh để xét nghiệm xác định. 

Chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, phòng cách ly, trang thiết bị, thuốc, hóa chất trong dự phòng và điều trị Ebola. Đặc biệt, lưu ý túi phòng hộ các nhân (khẩu trang N95, bộ quần áo chống dịch cho nhân viên y tế, người tiếp xúc gần, người nhà bệnh nhân), phương tiện vận chuyển riêng biệt, hóa chất khử khuẩn. Tổ chức tốt việc thu dung, điều trị bệnh nhân tại các cơ sở y tế có đủ điều kiện đảm bảo tránh lây lan và hạn chế tối đa tử vong. Có kế hoạch bố trí giường bệnh, cơ sở y tế điều trị khi có số lượng lớn bệnh nhân…

Khuyến cáo Bộ Y tế

Để phòng bệnh cần thực hiện vệ sinh cá nhân (rửa tay bằng xà phòng, chất sát khuẩn…); Tránh tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết của người, động vật nhiễm bệnh; Không cầm/nắm các vật có thể đã tiếp xúc với máu, dịch tiết của người, động vật nhiễm bệnh trước đó; Nếu đang ở vùng có dịch mà xuất hiện các triệu chứng (sốt, đau đầu, đau họng, ỉa chảy, nôn, đau dạ dày, phát ban, đỏ mắt) cần đến ngay cơ sở y tế để có biện pháp xử trí kịp thời. 
Chia sẻ