Không khí lạnh tiếp tục tăng cường, rét "thấu xương" ở Hà Nội và miền Bắc kéo dài đến bao giờ?

HẠ VŨ,
Chia sẻ

Trong những ngày tiếp theo, dự báo nền nhiệt Hà Nội và các tỉnh miền Bắc sẽ tiếp tục giảm thêm, phổ biến từ 9-12 độ.

Rét đậm rét hại kéo dài đến Giáng sinh

Sáng nay (20/12), không khí lạnh đã ảnh hưởng đến hầu hết các nơi ở Trung Trung Bộ.

Trong ngày 20/12, không khí lạnh sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến các nơi khác ở Trung Trung Bộ và một số nơi ở Nam Trung Bộ.

Ở Bắc Bộ và Thanh Hóa, Nghệ An trời tiếp tục rét đậm, vùng núi rét hại; ở khu vực từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế trời rét.

Trong đợt không khí lạnh này nhiệt độ thấp nhất về đêm và sáng sớm ở Bắc Bộ và Thanh Hóa, Nghệ An phổ biến từ 9-12 độ, riêng khu vực vùng núi Bắc Bộ phổ biến 5-8 độ, vùng núi cao có nơi dưới 3 độ; ở khu vực từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế phổ biến từ 14-17 độ.

Khu vực Hà Nội: Sáng 20/12, nhiệt độ tại Hà Nội giảm xuống còn 14 độ. Những ngày tiếp theo, do ảnh hưởng của không khí lạnh, nền nhiệt Hà Nội được dự báo sẽ giảm thêm từ 2-3 độ, thấp nhất chỉ còn 8 độ, trời rét.

Dự báo chi tiết:

Không khí lạnh tiếp tục tăng cường, rét "thấu xương" ở Hà Nội và miền Bắc kéo dài đến bao giờ?- Ảnh 1.

Dự báo nền nhiệt tại các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ.

Đợt rét đậm, rét hại diện rộng này ở Bắc Bộ, các tỉnh Thanh Hóa-Nghệ An còn có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 25/12. Trong đợt rét đậm, rét hại này ở khu vực trung du và vùng núi phía Bắc có khả năng xảy ra băng giá và sương muối.

Trung Bộ mưa lớn

Cũng do ảnh hưởng của không khí lạnh, những ngày qua, các tỉnh Trung Bộ đã xảy ra đợt mưa trên diện rộng với lượng mưa có nơi trên 35mm như: Phong Điền (Thừa Thiên Huế) 115.6mm, Trà Bồng (Quảng Ngãi) 107mm, Nam Trà My (Quảng Nam) 35mm, Vĩnh Linh (Quảng Trị) 33.8mm,…

Ngày 20/12 và đêm 20/12, ở khu vực từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa tiếp tục có mưa, mưa vừa, cục bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa 20-40mm, có nơi trên 60mm.

Từ ngày 21/12 và đêm 21/12, ở khu vực từ Quảng Trị đến Khánh Hòa tiếp tục có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to.

Mưa lớn cục bộ có khả năng gây ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc và tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp.

Chia sẻ