Khách hàng của ông Lê Thanh Thản bị thu hồi sổ hồng có quyền khởi kiện, đòi Mường Thanh đền bù thiệt hại

Thu Huyền,
Chia sẻ

Khi sở TN&MT Hà Nội ra quyết định thu hồi sổ hồng của hàng trăm hộ dân thuộc chung cư Mường Thanh, ngay sau đó, bộ TN&MT đã yêu cầu dừng việc thu hồi này. Theo luật sư phân tích, thu hồi sổ hồng đã cấp tức là Sở thừa nhận có sai phạm, người dân có thể khởi kiện vụ án tranh chấp dân sự để yêu cầu chủ đầu tư bồi thường.

“Âm thầm” thu hồi sổ đỏ của dân

Sở TN&MT Hà Nội vừa yêu cầu thu hồi, hủy hàng loạt giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà tại khu nhà ở Xa La Hà Đông và CT5 ở huyện Thanh Trì do Tập đoàn Mường Thanh của đại gia Lê Thanh Thản làm chủ đầu tư.

Quyết định thu hồi, hủy giấy chứng nhận được cơ quan quản lý thực hiện do có những sai sót trong việc thẩm định hồ sơ, cấp giấy chứng nhận tại các dự án.

Theo thông cáo ngầm của sở TN&MT vào chiều ngày 18/7 thì sở này đã cấp sai tổng cộng 604 sổ đỏ tại 3 dự án.

Cụ thể, đối với dự án CT5, có tổng số 844 căn, sở đã thu hồi 104/165 căn hộ rà soát có vi phạm từ tháng 1/2019 đến nay. Dự án CT6 có tổng số 1.136 căn, đã thu hồi 63/164 căn hộ rà soát có vi phạm từ ngày 12/7/2019. Dự án Khu nhà ở Xa La có tổng số 2.724 căn, đã thu hồi 217/275 căn hộ rà soát có vi phạm từ ngày 12/7/2019.

Khách hàng của ông Lê Thanh Thản bị thu hồi sổ hồng có quyền khởi kiện, đòi Mường Thanh đền bù thiệt hại - Ảnh 1.

CT5 là một trong số chung cư có căn hộ bị thu hồi sổ hồng.

Trong ngày 18/7, phóng viên đã nhiều lần liên hệ với lãnh đạo sở TN&MT Hà Nội, trong đó có ông Lê Tuấn Định - Phó Giám đốc Sở để làm rõ một số thông tin liên quan đến việc cấp và thu hồi sổ hồng nhưng không nhận được sự phản hồi.

Ông Lê Tuấn Định được cho là người có liên quan trực tiếp đến vụ việc, bởi lẽ, nhiều sổ hồng, sổ hồng bị thu hồi được cấp trong giai đoạn ông Định làm Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội (trước khi được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc sở) - cơ quan giúp sở TN&MT thụ lý hồ sơ, thẩm định và trình sở TN&MT cấp sổ.

Nhiều người dân sống tại các chung cư do Mường Thanh làm chủ đầu tư đang chung một tâm trạng hoang mang, lo lắng liệu có thuộc diện bị cơ quan chức năng thu hồi sổ hồng do những sai phạm của chủ đầu tư. Trước đó, họ chỉ được biết sổ hồng của mình bị thu hồi khi đến ngân hàng làm thủ tục vay mượn, hay đến cơ quan Nhà nước làm thủ tục sang nhượng mà không nhận được bất cứ thông báo chính thức nào của sở TN&MT Hà Nội.

Khách hàng của ông Lê Thanh Thản bị thu hồi sổ hồng có quyền khởi kiện, đòi Mường Thanh đền bù thiệt hại - Ảnh 2.

Việc thu hồi sổ hồng tại các dự án của Mường Thanh đã cấp tức là sở TN&MT thừa nhận có sai phạm.

Sáng 19/7, trao đổi với phóng viên, GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng bộ TN&MT cho rằng, việc sở TN&MT “âm thầm” thu hồi sổ của người dân là hoàn toàn sai về mặt trình tự, thủ tục thu hồi sổ hồng. Bởi lẽ, khi thu hồi sổ hồng, cơ quan chức năng sẽ phải thông báo cho người dân biết là yêu cầu họ mang sổ đến nộp. Thậm chí, trong trường hợp người dân đang dùng sổ đó thế chấp trong ngân hàng để vay tiền thì cơ quan chức năng còn phải chịu trách nhiệm nếu người dân không trả được khoản tiền vay.

“Luật Đất đai hiện hành cho phép cơ quan chức năng thu hồi sổ hồng nếu phát hiện cấp sai. Lý do mà sở TN&MT đưa ra khi thu hồi sổ là do trong quá trình thẩm định hồ sơ và cấp sổ hồng có sai sót, không đúng quy định của pháp luật về đất đai là đúng với pháp luật hiện hành, nhưng cách tiến hành thì chưa đúng.

Theo quy định, việc cấp sổ hồng cho người dân do UBND cấp quận, huyện ra quyết định. Sở TN&MT sẽ tiếp nhận hồ sơ căn cứ vào Luật đất đai, Luật nhà ở và các Nghị định hướng dẫn thì văn phòng đăng ký đất đai sẽ cấp sổ. Do đó, cả hai bên đều phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, người ký quyết định cấp giấy chứng nhận cho người dân phải chịu trách nhiệm đầu tiên. Từ đó, truy ra trách nhiệm của những người chuẩn bị dữ liệu, điều kiện cấp sổ có gì sai không và ở đây, đó là văn phòng quản lý đất đai của Hà Nội”, ông Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.

Có thể khởi kiện

Theo luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật Chính Pháp, Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, cơ quan chức năng thu hồi sổ hồng đã cấp cho các chủ căn hộ đồng nghĩa việc cơ quan cấp sổ này đã thừa nhận sai phạm của mình, nhưng cách mà sở TN&MT thực hiện để sửa cái sai của mình là đổ hết hệ lụy lên đầu người dân là điều không thể chấp nhận được.

“Việc sở TN&MT thu hồi sổ hồng đã cấp tức là cơ quan này khẳng định giao dịch mua bán căn hộ giữa người dân và chủ đầu tư không có giá trị pháp lý. Căn cứ Bộ luật Dân sự, khi giao dịch bị vô hiệu hóa thì bên gây ra thiệt hại sẽ phải bồi thường cho phía bị hại. Cụ thể, trong vụ án này, Tập đoàn Mường Thanh phải khắc phục hậu quả cho người mua nhà. Nếu 2 bên không đạt được thỏa thuận, bị hại có thể khởi kiện vụ án tranh chấp dân sự ra tòa án để yêu cầu chủ đầu tư bồi thường.

Luật sư Cường cũng đánh giá việc thu hồi sổ hồng của sở TN&MT thể hiện sự bị động, vội vàng, tắc trách của cơ quan nhà nước.

“Khi cơ quan chức năng vừa mới khởi tố, sở TN&MT đã vội vàng đưa ra quyết định thu hồi sổ hồng của người dân. Chính việc hủy bỏ này thể hiện sự không chắc chắn về thủ tục hành chính, thể hiện sự vội vàng và bị động”, vị luật sư cho hay.

Quyền lợi người dân sẽ được đảm bảo ra sao?

Theo báo cáo của Tổng cục Quản lý đất đai, việc thu hồi giấy chứng nhận được thực hiện tại 3 dự án gồm: Dự án tổ hợp chung cư cao cấp và thương mại Bemes; Dự án khu nhà ở Xa La; dự án tòa nhà trung tâm thương mại CT5A, CT5B. Theo đó, sở TN&MT đã thu hồi 384/3663 GCN đã cấp. Các trường hợp thu hồi giấy chứng nhận nằm tại các tầng có sai phạm về quy hoạch xây dựng (sai phạm trong chuyển đổi công năng từ chức năng sàn thương mại, dịch vụ sang nhà ở, xây dựng vượt tầng…).

Nói về quyền lợi của người dân sẽ được đảm bảo ra sao trước việc căn hộ người dân đang ở thuộc sai phạm về quy hoạch xây dựng, trao đổi với phóng viên, luật sư Nghiêm Quang Vinh (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết, việc sở TN&MT thu hồi giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà đã cấp, tức là cơ quan này khẳng định giao dịch mua bán căn hộ giữa người dân và chủ đầu tư không có giá trị pháp lý.

Khách hàng của ông Lê Thanh Thản bị thu hồi sổ hồng có quyền khởi kiện, đòi Mường Thanh đền bù thiệt hại - Ảnh 3.

Trong vụ án này, tập đoàn Mường Thanh phải khắc phục hậu quả cho người mua nhà.

Căn cứ Bộ luật Dân sự, khi giao dịch bị vô hiệu hóa thì bên gây ra thiệt hại sẽ phải bồi thường cho phía bị hại. Cụ thể, trong vụ án này, Tập đoàn Mường Thanh phải khắc phục hậu quả cho người mua nhà.

“Đối với cư dân dự án Mường Thanh, nếu căn hộ có hợp đồng mua bán, có hóa đơn chứng từ thanh toán tiền, có biên bản bàn giao nhà, họ có quyền yêu cầu cấp giấy chứng nhận sở hữu. Quá trình giải quyết hậu quả sẽ diễn ra việc tranh chấp giữa người mua căn hộ và chủ đầu tư là Tập đoàn Mường Thanh. Hai bên có thể thỏa thuận với nhau về giá trị bồi thường và chủ đầu tư có thể trả lại tiền hoặc cấp một căn hộ tương đương cho người dân”, luật sư cho hay.

Khi 2 bên không đạt được thỏa thuận, bị hại có thể khởi kiện vụ án tranh chấp dân sự ra tòa án để yêu cầu chủ đầu tư bồi thường. Ngoài khoản đền bù đó, chủ đầu tư còn phải khắc phục những hậu quả do việc bán căn hộ sai phạm gây ra cho người mua.

Bên cạnh đó, luật sư Vinh còn cho biết, nếu như cơ quan điều tra kết luận việc xây dựng và cấp sổ hồng là trái phép và tòa án sẽ phán quyết theo hai trường hợp xảy ra.

"Thứ nhất, công trình đó xây dựng trái phép, không được phép tồn tại, có ảnh hưởng nguy hiểm tới xã hội, cho tổ chức, cá nhân thì bắt buộc phải đập bỏ tháo dỡ. Lúc này, tập đoàn Mường Thanh phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho người dân theo hợp đồng.

Thứ hai, công trình đó mặc dù sai, không phép nhưng đảm bảo an toàn, có thể để ổn định đời sống của người dân thì Nhà nước có thể ban hành các văn bản hợp thức hóa khu nhà ở này và yêu cầu người dân thực hiện các nghĩa vụ có liên quan", luật sư cho hay.

Chia sẻ