Hiệp sĩ có quyền được tham gia bắt cướp? Nếu làm tội phạm bị thương có bị xử lý hình sự?

Văn Tiên,
Chia sẻ

Sau vụ việc đội hiệp sĩ quận Tân Bình (TP.HCM) trong quá trình tham gia bắt nhóm cướp xe SH trên đường CMT8 (quận 3) bị chống trả khiến 5 người thương vong, dư luận đã đặt ra nhiều câu hỏi.

Sau vụ việc đội hiệp sĩ quận Tân Bình (TP.HCM) trong quá trình tham gia bắt nhóm cướp xe SH trên đường CMT8 (quận 3) bị chống trả khiến 5 người thương vong, dư luận đặt ra nhiều câu hỏi như liệu các hiệp sĩ có được quyền lợi gì khi tham gia bắt cướp bị chết hoặc bị thương? Các hiệp sĩ cũng chỉ là dân thường, liệu có được tham gia bắt trộm, cướp giống như công an? Trong quá trình truy bắt tội phạm, nếu không may làm đối tượng trộm, cướp bị thương thì có bị xử lý hình sự không? 

Trao đổi với chúng tôi, luật sư Trần Minh Hùng - Trưởng văn phòng Luật sư Gia đình TP.HCM cho biết, trong thực tế đã có rất nhiều trường hợp hiệp sĩ tham gia săn bắt cướp (SBC) bị các đối tượng tội phạm chống trả dẫn đến thương tích. Vậy một điều đặt ra là những hiệp sĩ SBC có quyền được tham gia bắt trộm cướp giống Công an hay không?

Hiệp sĩ có quyền được tham gia bắt cướp? Nếu làm tội phạm bị thương có bị xử lý hình sự? - Ảnh 1.

Hiệp sĩ Hoàng, một trong 3 người bị thương khi bắt cướp xe SH trên đường CMT8 tối 13/5.

Hiệp sĩ SBC cũng giống như công dân bình thường khác, cũng có nghĩa vụ phòng chống tội phạm, nhưng khác với Công an

Luật sư Hùng phân tích: "Việc các hiệp sĩ tham gia đội săn bắt cướp là hoàn toàn tự phát, tự phong, không thuộc bất kỳ một tổ chức, cá nhân nào của cơ quan nhà nước. Đây là một việc làm nghĩa hiệp, xuất phát tự trên tinh thần tự nguyện mong muốn bảo vệ cuộc sống an lành cho người dân, cho thành phố. Những hiệp sĩ SBC cũng giống như những công dân bình thường khác và họ cũng có nghĩa vụ phòng chống tội phạm như các công dân bình thường khác. Chính vì vậy, hiệp sĩ săn bắt cướp cũng có nghĩa vụ tham gia bắt cướp, nhưng khác với Công an".

"Hiệp sĩ săn bắt cướp không được đào tạo về nghiệp vụ, không đại diện cho cơ quan thực thi pháp luật của nhà nước mang tính chuyên môn. Vì vậy, đội săn bắt cướp chỉ thực hiện việc bắt cướp, tội phạm trong phạm vi tương xứng, phòng vệ và mang tính cấp thiết cùng với đó là sự hỗ trợ kịp thời từ phía cơ quan nhà nước. Sau khi bắt giữ được tội phạm thì bàn giao cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý", luật sư Hùng nói rõ.

Hiệp sĩ có quyền được tham gia bắt cướp? Nếu làm tội phạm bị thương có bị xử lý hình sự? - Ảnh 2.

Luật sư Trần Minh Hùng - Trưởng văn phòng Luật sư Gia đình TP.HCM chia sẻ ý kiến.

Về việc trong quá trình đội SBC tham gia bắt cướp, gặp các đối tượng manh động, chống trả khiến 2 bên xảy ra thương tích, đối tượng phạm tội bị thương thì tùy vào tính chất, mức độ, hàn vi tương xứng để xem xét trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, nếu đối tượng phạm tội sử dụng hung khí, chống trả quyết liệt buộc các hiệp sĩ SBC phải phòng vệ, bảo vệ bản thân ở mức độ cần thiết mà gây ra hậu quả không nghiêm trọng cho đối tượng cướp thì sẽ không bị xử lý hình sự. 

"Trên thực tế các vụ gần đây nhiều người bắt trộm cướp bị xử lý hình sự. Nhưng theo tôi nếu họ phòng vệ chính đáng, hành vi tương xứng và mục đích vì cái chung, hạn chế hậu quả thì họ sẽ phải không chịu trách nhiệm hình sự", luật sư Hùng nói rõ.

Hiệp sĩ có quyền được tham gia bắt cướp? Nếu làm tội phạm bị thương có bị xử lý hình sự? - Ảnh 3.

Vụ việc cướp đâm chết 2 hiệp sĩ tối 13/5 vẫn còn gây bàng hoàng trong dư luận.

Về vấn đề ngược lại, trường hợp các hiệp sĩ tham gia bắt cướp bị tội phạm gây thương tích, thậm chí tử vong như trường hợp 2 hiệp sĩ của đội SBC Tân Bình vừa qua thì ngoài việc các đối tượng phạm tội bị xử lý theo pháp luật, các hiệp sĩ cũng sẽ được cân nhắc để được hưởng chính sách bảo hiểm xã hội như đối với người thi hành công vụ.

Riêng các đối tượng phạm tội đang được Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM bắt giữ liên quan đến vụ án mạng làm 5 hiệp sĩ thương vong, kẻ phạm tội chắc chắn sẽ bị khởi tố về tội "Giết người" và "Trộm cắp tài sản".

Chia sẻ