Hà Nội: Dịch đau mắt đỏ chưa có dấu hiệu chững lại

Minh Tuyết,
Chia sẻ

Thời tiết chuyển mùa những ngày vừa qua đã khiến bệnh đau mắt đỏ chưa có dấu hiệu chững lại mà vẫn đang tiếp tục gia tăng trên địa bàn Hà Nội.

Để phòng tránh bệnh đau mắt đỏ người dân cần chủ động trong việc phòng tránh bệnh.

Dịch đau mắt đỏ chưa có dấu hiệu chững lại

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội chiều 29-9, số trường hợp đau mắt đỏ ghi nhận trên địa bàn thành phố từ ngày 22 đến 28-9 là hơn 2.700 ca, tăng 500 ca so với tuần trước đó. Điều này cho thấy dịch đau mắt đỏ ở Hà Nội vẫn đang tiếp tục gia tăng và chưa có dấu hiệu chững lại.

Trước tình hình này, Sở Y tế Hà Nội đã triệu tập cuộc họp với Giám đốc Trung tâm Y tế các quận/ huyện/ thị xã trên địa bàn để tìm các giải pháp phòng chống bệnh đau mắt đỏ. Sở yêu cầu các đơn vị trong ngành tăng cường công tác phòng, chống bệnh, tập trung vào việc hướng dẫn vệ sinh phòng bệnh trong trường học và tại cộng đồng.

Trước tình hinhdịch bệnh đau mắt đỏ ngày càng có xu hướng gia tăng, Cục Quản lý Dược -Bộ Y tế đã  có công văn đề nghị Sở Y tế các tỉnh/thành phố chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh lập dự trù, xây dựng kế hoạch cung ứng để đảm bảo đủ thuốc đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch bệnh đau mắt đỏ, tránh để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, biến động tăng giá thuốc.

Đau mắt đỏ tuy là bệnh cấp tính, triệu chứng rầm rộ, dễ lây nhưng thường lành tính, ít để lại di chứng. Tuy nhiên bệnh thường gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập và lao động, và có không ít trường hợp bệnh kéo dài, gây biến chứng ảnh hưởng đến thị lực sau này nên mọi người cần có ý thức phòng bệnh tốt và cần được xử trí kịp thời khi mắc bệnh.

Mầm bệnh có khả năng sống ở môi trường bình thường trong vài ngày và người bệnh vẫn có thể là nguồn lây sau khi đã khỏi bệnh một tuần. Vì vậy, cách phòng bệnh tốt nhất là thực hiện triệt để các biện pháp vệ sinh và cách ly với người bệnh. 

Hà Nội: Dịch đau mắt đỏ chưa có dấu hiệu chững lại 1
Ảnh minh họa

Một số cách khi xử lý khi bị đau mắt đỏ

Theo khuyến cáo của các bác sĩ khi bị đau mắt đỏ người bệnh cần lau rửa ghèn, dử mắt ít nhất 2 lần một ngày bằng khăn giấy ẩm hoặc bông, lau xong vứt bỏ khăn, không sử dụng lại.

Không tra vào mắt lành thuốc nhỏ của mắt đang bị nhiễm khuẩn.

Tránh khói bụi, đeo kính mát cho mắt.

Những trẻ em bị bệnh nên nghỉ học, không đưa trẻ đến trường hoặc những nơi đông người trong thời gian bị bệnh.

Khi trẻ bị đau mắt, thông thường sẽ bị một bên mắt trước, bố mẹ và người nhà cần chăm sóc trẻ thật cẩn thận, để tránh nhiễm bệnh cho mắt còn lại. Cho trẻ nằm nghiêng một bên, nhỏ mắt rồi dùng gạc y tế lau ngay ghèn, dử và nước mắt chảy ra (làm tương tự đối với người lớn).

Tránh ôm ấp khi trẻ em bị bệnh, ngủ riêng.

Trước và sau khi vệ sinh mắt, nhỏ mắt, cần rửa tay thật sạch bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.

Người bệnh cần được nghỉ ngơi, cách ly, dùng thuốc theo đơn của thầy thuốc. Không tự ý mua thuốc nhỏ mắt. Không dùng thuốc nhỏ mắt của người khác.
Không đắp các loại lá vào mắt như là trầu, lá dâu...

Nếu dấu hiệu bệnh không thuyên giảm sau vài ngày phải đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị.

Chủ động phòng bệnh

Để phòng tránh lây nhiễm bệnh mọi người cần luôn đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch.

Dùng riêng khăn, gối, chậu rửa mặt.

Giặt sạch khăn mặt bằng xà phòng và nước sạch, phơi khăn ngoài nắng hàng ngày.

Không dùng tay dụi mắt.

Ngoài việc luôn thực hiện các biện pháp trên, cần lưu ý thêm biện pháp sau:

Rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.

Rửa mắt hàng ngày bằng nước muối sinh lý (nước muối 0,9%), ngày ít nhất 3 lần vào các buổi sáng, trưa, tối.

Không dùng chung thuốc nhỏ mắt, không dùng chung đồ đạc với người đau mắt.

Hạn chế tiếp xúc với người bị đau mắt.

Hạn chế đến những nơi đông người đặc biệt là những nơi có nhiều mầm bệnh như bệnh viện…

Hạn chế sử dụng các nguồn nước bị ô nhiễm, hạn chế đi bơi.
Chia sẻ