Hà Nội: Bệnh nhi nhập viện ồ ạt vì cúm A và ô nhiễm không khí

MT,
Chia sẻ

Thời tiết bất lợi, tình trạng ô nhiễm không khí lại đang ở mức báo động khiến số trẻ em mắc cúm bị biến chứng hô hấp tăng đột biến.

Số trẻ em mắc cúm bị biến chứng hô hấp tăng đột biến

Bác sỹ Ðỗ Thiện Hải, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, từ giữa tháng 11 đến nay, mỗi tuần bệnh viện tiếp nhận từ 100 đến 130 bệnh nhi được chẩn đoán mắc cúm với các mức độ khác nhau số trẻ em mắc cúm bị biến chứng hô hấp tăng đột biến. Hiện tại, bệnh viện đang điều trị cho khoảng 150 bệnh nhi mắc cúm A ở các mức độ nặng, nhẹ khác nhau. Đặc biệt, trong hơn một tuần vừa qua, tối nào cũng có hơn 500 bệnh nhi đến khám chủ yếu vì cúm, gia tăng 10- 20% số bệnh nhân so với thời gian trước đó.

Theo bác sỹ Phạm Thị Như Hoa, Khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn, mỗi ngày khoa Nhi tiếp nhận khám cho 50- 60 ca thì vào đợt thay đổi thời tiết, đặc biệt đang trong mùa dịch cúm A, ngày cao điểm nhất như ngày 16/12 có tới hơn 200 bệnh nhi tới khám, trong đó nhập viện tới 100 ca.

Hà Nội: Bệnh nhi nhập viện ồ lạt vì cúm A và ô nhiễm không khí - Ảnh 1.

Theo các bác sĩ khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai, những tuần gần đây, thời tiết giao mùa, chuyển lạnh cũng làm gia tăng từ 15 - 20% số trẻ mắc bệnh về hô hấp, trong đó nhiều bệnh nhi mắc cúm mùa bị biến chứng.

Bác sỹ Ðỗ Thiện Hải cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây qua đường hô hấp với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, hắt hơi, sổ mũi, đau họng và ho... Bệnh dễ biến chứng sang viêm đường hô hấp, nhất là ở trẻ em có sức đề kháng kém.

Người dân không nên tự điều trị cúm bằng Tamiflu

Trước tình hình bệnh cúm gia tăng, nhiều gia đình tự ý tìm mua thuốc Tamiflu điều trị. Theo ông Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương thời điểm này, số lượng bệnh nhi mắc cúm A đang gia tăng. Trong điều trị cúm, Tamiflu là thuốc không được sử dụng tùy tiện, chỉ được chỉ định với những trường hợp có các biến chứng như viêm phổi...

Bệnh cúm có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho, khạc. Thông thường, bệnh cúm diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày. Tuy nhiên, đối với trẻ em, người lớn tuổi, người có bệnh mạn tính về tim, phổi, thận, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch... bệnh có thể diễn biến nặng hơn như viêm phổi, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong.

Biện pháp phòng bệnh cúm mùa hiệu quả nhất đó là tiêm phòng vắc xin cúm. Đặc biệt, những người có bệnh lý nền, cơ địa suy giảm miễn dịch, người già, trẻ nhỏ… cần tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch các chủng cúm đã có vắc xin. Đây là biện pháp phòng bệnh an toàn, đặc hiệu và kinh tế nhất.

Ngoài ra, người dân cần tuân thủ tốt các thói quen vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng. Che miệng và mũi khi ho, hắt hơi hoặc dùng khăn giấy sau đó bỏ vào thùng rác. Nếu che bằng tay thì cần rửa tay ngay sau khi ho, hắt hơi nhằm trách lây nhiễm sang vật dụng khác, cho người khác.

Chia sẻ