Ghi nhận 2 trường hợp nhiễm Zika tại Việt Nam, người dân cần làm gì để phòng bệnh?

Minh Tuyết,
Chia sẻ

Việt Nam đã ghi nhận những trường hợp nhiễm vi rút Zika đầu tiên. Đây là bệnh nguy hiểm và chưa có vắc xin phòng bệnh, vì thế, bất kì ai cũng cần ý thức tự phòng bệnh cho mình.

Ghi nhận 2 trường hợp đầu tiên nhiễm vi rút Zika

Sáng nay ngày 5/4 Bộ y tế đã xác nhận thông tin về 2 trường hợp nhiễm vi rút Zika đầu tiên tại Việt Nam. Trường hợp thứ nhất là bệnh nhân nữ, 64 tuổi, cư trú tại phường Phước Hòa, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa; khởi phát ngày 26/3/2016 với các triệu chứng sốt nhẹ, đau đầu, nổi ban ở hai chân và đau mắt đỏ. Bệnh nhân tự uống thuốc hạ sốt ở nhà nhưng không đỡ; đến ngày 28/3, bệnh nhân được người nhà đưa đi khám tại Bệnh viện Nhiệt đới Khánh Hòa. Kết quả xét nghiệm ngày 31/3 tại Viện Pasteur Nha Trang dương tính với vi rút Zika; xét nghiệm khẳng định lại tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Pasteur TP HCM ngày 4/4 đều cho kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút Zika.

Trường hợp thứ hai cũng là nữ, 33 tuổi, cư trú ở phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, TP HCM, khởi phát ngày 29/3/2016 với triệu chứng phát ban, viêm kết mạc, mệt mỏi. Bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Đa khoa quận 2 cùng ngày do lo ngại bị bệnh rubella, sau đó nhập viện. Kết quả xét nghiệm ngày 31/3 và 1/4 tại Viện Pasteur TP HCM dương tính với vi rút Zika. Sau đó kết quả xét nghiệm tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương ngày 2/4 và của Trường Đại học Nagasaki đặt tại Viện ngày 4/4 cũng cho kết quả dương tính với vi rút Zika.

Theo ông Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), tính đến ngày 4/4, Viện Vệ sinh dịch tễ và Viện Pasteur đã xét nghiệm 1.215 mẫu bệnh phẩm từ các trường hợp có biểu hiện tương tự như nhiễm vi rút Zika tại 32 tỉnh, thành phố trên cả nước và kết quả là có 2 ca nhiễm vi rút Zika như trên.

virus zika vào Việt Nam

Tại sao vi rút Zika có tốc độ lây nhanh

Có hai lý do để vi rút Zika lây truyền nhanh đó là: Thứ nhất, người dân chưa từng phơi nhiễm với vi rút Zika nên không có miễn dịch trong cộng đồng; Thứ hai, loại muỗi Aedes truyền vi rút Zika phổ biến ở hầu hết các nước khu vực châu Mỹ trừ Canada và lục địa Chile. Tổ chức Y tế thế giới khu vực châu Mỹ cho rằng vi rút Zika sẽ tiếp tục lan truyền tới hầu hết các nước và vùng lãnh thổ khu vực châu Mỹ tại những nơi có lưu hành muỗi Aedes.

Vai trò của muỗi Aedes truyền vi rút Zika đã được khẳng định rõ ràng trong khi các đường lây truyền khác thì rất hạn chế. Vi rút Zika cũng đã được phân lập trong tinh dịch và cũng ghi nhận một trường hợp có khả năng lây truyền qua đường tình dục. 

1
Cần tiêu diệt muỗi phòng chống bệnh Zika

Vi rút Zika có dấu hiệu không điển hình

Theo Ths Vũ Ngọc Long, Trưởng phòng Kiểm dịch y tế biên giới - Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, tất cả mọi người đều có thể nhiễm vi rút và mắc bệnh, tuy nhiên bệnh chủ yếu ở thể vừa và nhẹ, có khoảng 80% số trường hợp nhiễm vi rút Zika không biểu hiện triệu chứng lâm sàng. Do triệu chứng vi rút Zika không điển hình, các dấu hiệu gần giống với triệu chứng bệnh sốt xuất huyết, do đó nên việc chẩn đoán bệnh không hề dễ dàng đối với cả các nhân viên y tế.

Bệnh nhân nhiễm vi rút Zika cũng có các triệu chứng như sốt, đau đầu, xung huyết da, niêm mạc mắt… Các biểu hiện có thể nhẹ, thường kéo dài khoảng 4-7 ngày và nhìn chung khó phân biệt với sốt xuất huyết nếu chỉ dựa vào lâm sàng. Phân biệt sốt xuất huyết với sốt do vi rút Zika cần dựa vào xét nghiệm.

Vì vậy, nếu thấy có dấu hiệu ốm, sốt bất thường người dân cần đến các cơ sở y tế để làm các xét nghiệm cần thiết, chẩn đoán đúng bệnh và điều trị kịp thời.

Phòng ngừa nhiễm vi rút Zika

Theo Cục y tế dự phòng, để phòng bệnh vi rút Zika hiệu quả người dân cần chủ động:

- Mặc quần áo dài để tránh bị muỗi đốt; xua muỗi bằng các loại thuốc xoa đuổi muỗi, dùng hương muỗi, máy đuổi muỗi; diệt muỗi bằng máy, vợt bắt muỗi, hóa chất diệt muỗi, loại trừ loăng quăng, bọ gậy bằng cách tiến hành lật úp các dụng cụ, thu dọn các vật dụng phế thải xung quanh nhà như vỏ chai, lon, hộp bia nước ngọt, lốp xe, vật dụng phế thải…,.

- Hạn chế đi tới các vùng đang có dịch khi không cần thiết, đặc biệt đối với phụ nữ đang mang thai, những người mắc các bệnh suy giảm miễn dịch... Nếu phải đi, cần tìm hiểu kỹ các thông tin về tình hình dịch bệnh tại nơi đến để chủ động áp dụng các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm phù hợp cho bản thân.

- Người đi/đến/về từ quốc gia đang có dịch bệnh do vi rút Zika chủ động theo dõi sức khỏe trong vòng 12 ngày, nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe hãy đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị.

- Tăng cường sức khỏe bằng cách có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý.

- Thường xuyên cập nhật thông tin và cách phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika trên các trang thông tin điện tử của Bộ Y tế, Sở Y tế và Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội để biết thêm chi tiết.

Phụ nữ chuẩn bị mang thai và đang mang thai càng cần chú ý phòng ngừa nhiễm vi rút Zika

Thông tin một bệnh nhân nhiễm vi rút Zika đang mang thai khiến không ít bà bầu và những người chuẩn bị mang bầu vô cùng lo lắng. 

Theo giáo sư Christina Therese Leonard chuyên nghiên cứu về các loại bệnh truyền nhiễm của Mỹ: "Loài virus nguy hiểm này tuy chỉ gây triệu chứng nhẹ ở người, nhưng đặc biệt có thể gây dị tật “bệnh đầu nhỏ” ở trẻ sơ sinh. Trẻ bị bệnh này có khả năng nhận thức và chậm phát triển, nhiều bé còn bị động kinh".

Theo giáo sư Leonard: “Chúng ta không biết rõ thai nhi bị ảnh hưởng lớn nhất bởi virus này trong khoảng thời gian nào, nhưng phần lớn đầu, não và đốt sống đều được hình thành trong giai đoạn đầu của thai kì”.

Các quan chức y tế Brazil cũng lo ngại vi rút Zika có thể gây thai lưu, suy nhau thai và kích hoạt bệnh Guillain Barré - một rối loạn thần kinh nghiêm trọng ảnh hưởng đến mọi người ở mọi lứa tuổi. 

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, để phòng ngừa nhiễm vi rút Zika trong thời gian mang bầu, những chị em chuẩn bị có bầu cần lưu ý những biện pháp sau đây:

- Phụ nữ có thai hoặc dự định có thai trong vòng 6 tháng tới không nên đến các quốc gia đang có dịch bệnh do vi rút Zika khi không cần thiết. Nếu phải đi, cần tìm hiểu kỹ các thông tin về tình hình dịch bệnh tại nơi đến để chủ động áp dụng các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm phù hợp cho bản thân.

- Những chị em đang sống hoặc mới trở về từ các nước trong danh sách cảnh báo có vi rút Zika,nên sử dụng các biện pháp tránh thai để đảm bảo an toàn.

- Thực hiện tình dục an toàn. Đối với người trở về từ quốc gia đang có dịch bệnh do vi rút Zika, cần sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục hoặc không quan hệ tình dục với vợ (bạn tình) đang trong quá trình mang thai hoặc dự định có thai để tránh những biến chứng có thể xảy ra đối với thai nhi.

- Đối với những người phụ nữ đã được chẩn đoán với virus Zika, các chuyên gia khuyến cáo rằng nếu có ý định thì nên đợi sau 8 tuần. Đối với nam giới, lời khuyên được đưa ra là nên sử dụng biện pháp bảo vệ khi có quan hệ tình dục (dùng bao cao su) trong ít nhất 6 tháng để tránh lây cho bạn tình, đặc biệt để tránh ảnh hưởng đến thai nhi nếu không may cô ấy có thai.

Nếu nghi ngờ nhiễm vi rút Zika trong thời gian đang mang thai, mẹ bầu cần đến bệnh viện, trao đổi với bác sĩ để được kiểm tra máu. Nếu dương tính với virus, mẹ sẽ được siêu âm để kiểm tra những dấu hiệu của bệnh đầu nhỏ hoặc biểu hiện thiếu canxi trong xương sọ của thai nhi. Các bác sĩ cũng có thể sử dụng phương pháp xét nghiệm qua dịch màng ối để kiểm tra liệu thai nhi có nhiễm virus Zika hay không. 

Nếu kết quả âm tính, người mẹ vẫn sẽ được siêu âm để kiểm tra những dấu hiệu hội chứng teo đầu ở trẻ. Nếu không có 2 triệu chứng này, các bác sĩ có thể sẽ khuyên mẹ dùng thêm phương pháp xét nghiệm dịch màng ối để đảm bảo chính xác nhất.

GS. Trần Danh Cường- Phó giám đốc BV Phụ sản TW phát biểu: "Về quy luật nhiễm trùng với em bé, nhiễm trùng trong 3 tháng đầu có thể để lại hậu quả nghiêm trọng cho thai nhi. Chính về thế, phụ nữ trong giai đoạn mang thai này nằm trong vùng dịch cần theo dõi sát sao. Các bước cần làm là siêu âm, đo kích thước đo chu vi đầu. Siêu âm 2 tuần/lần và tiến hành khám thai bình thường. Dựa vào biểu đồ phát triển sẽ phát hiện tốc độ phát triển của đầu. Nếu tốc độ có vấn đề cần làm phương pháp chẩn đoán kịp thời".
Chia sẻ