Xót thương người phụ nữ bán hàng rong gặp tai nạn khi đang là trụ cột gia đình, nuôi cả chồng con

Ngọc Dương,
Chia sẻ

Với gánh hàng rong lam lũ mưu sinh nuôi chồng con bệnh tật suốt chục năm qua, nhưng nay chị Lê Thị Thêm, 44 tuổi, (tổ 14, khu vực 5, phường Phú Hậu, TP Huế) lại bị tai nạn nguy kịch phải cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Huế.

Trên giường bệnh chằng chịt ống chuyền chị Thêm nằm thoi thóp, thỉnh thoảng cơn đau lại hành hạ khiến cơ thể chị cứ co giật liên tục. Còn chồng chị Thêm, anh Tống Văn Hùng thì thất thần như không tin vào sự thật vợ mình bị tai nạn. Mọi thứ trên khuôn mặt anh đều tĩnh lặng bất lực, chỉ có một thứ duy nhất còn sống động đó là những dòng nước mắt râm rỉ chảy.

Xót thương người phụ nữ bị tai nạn nuôi chồng con bệnh tật
Chị Thêm bị chấn thương sọ não nặng, hiện đang được chăm sóc tại bệnh viện Trung ương Huế.

Anh Hùng kể nhà có bốn người, vợ chồng với hai con. Anh vốn là thợ nề ai thuê gì làm nấy, nhưng cách đây gần 10 năm anh đổ bệnh và không làm được gì do làm việc quá sức.

Từ đó chị Thêm mặc nhiên trở thành trụ cột chính của gia đình. Chẳng biết bấu víu vào đâu để sống, để mưu sinh lo cho đàn con, chị Thêm tần tảo ngược xuôi khắp vùng với gánh bún mưu sinh kiếm tiền nuôi chồng bệnh tật cùng hai con trong tuổi ăn học.

Xót thương người phụ nữ bị tai nạn nuôi chồng con bệnh tật
Anh Hùng, chồng chị Thêm tranh thủ về nhà sau mấy đêm liền thức trắng chăm sóc vợ.

Những lúc rảnh rồi ai thuê chị làm nấy, không ngại ngần việc khó nhọc, chị Thêm làm đủ nghề để nuôi chồng con. Cuộc sống đắp đổi qua ngày, nhưng số phận, bi kịch trái ngang vẫn không chịu buông tha người đàn bà này khi trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, trên đường đi thắp hương ở nhà ngoại chị Thêm bị tai nạn vì tránh vũng nước. Cũ ngã khiến phần đầu chị bị chấn thương nặng. Chị Thêm được người dân đưa vào cấp cứu tại bệnh viện Trung ương Huế, tại đây bác sĩ kết luận chị bị chấn thương sọ não nặng, nếu không mổ kịp thời để nuôi não có thể sẽ tử vong.

Xót thương người phụ nữ bị tai nạn nuôi chồng con bệnh tật
Anh Hùng ngồi thất thất trong căn nhà hoang lạnh khi vợ bị tai nạn.

Hàng xóm chị Thêm kể vợ chồng chị không có đất, cũng chẳng có ruộng. Từ khi cưới nhau đến nay vợ chồng không có việc làm ổn định, căn phòng nhỏ chưa đầy 20 mét vuông nhà nước xây cho trở thành nơi cư ngụ cho vợ chồng cùng hai đứa con. Căn phòng ẩm thấp được chắn bằng những vách tường sẫm màu từ cả chục năm ấy anh Hùng gọi đó là nhà. Anh Hùng nói:  “Lo nhất là những ngày mưa gió cả nhà lại không ngủ được vì mưa dột khắp nơi, chỗ nằm cũng bị ướt hết”.

Để tránh dột phía trên trần nhà một tấm nilon được căng lên. Ngôi nhà không có nhà bếp, không giường, chỉ có một tấm chiếu đã cũ kỹ xộc xệch được trải ra giữa nền.

Thứ tài sản quý giá nhất trong căn nhà kỳ dị ấy có lẽ là cuốn sổ nhận tiền trợ cấp cho người mất sức lao động của anh Hùng. Nhờ có cuốn sổ này mà vợ chồng chắt bóp được từng đồng để lo bữa cơm vào những hôm trái gió trở trời chị Thêm ngả bệnh không bán được gì. Với số tiền trợ cấp đó vợ chồng dành phần nhiều để mua gạo, phần còn lại dùng để mua con cá, hay vài lạng thịt để thay đổi bữa rau.

Từ hôm chị Thêm gặp nạn, gia đình coi như không còn Tết, còn hai đứa con cũng không biết bấu víu vào đâu để sống! Gia cảnh khốn khó của gia đình chị Thêm lại tiếp tục nối thêm chuỗi ngày dài cơ cực, nợ nần không rõ hồi kết.

Gia đình cho biết chi phí ban đầu để mổ chọ chị Thêm tốn hơn 30 triệu đồng. Dù đã được bảo hiểm y tế nhưng còn nhiều khoản chi phí mỗi ngày tại bệnh viện khiến tình cảnh gia đình càng rơi vào túng quẫn. Khoản tiền viện phí chi chị Thêm mổ cũng là của hàng xóm thương tình cho vay. Vì không có tiền để lo cho vợ nên mấy ngày nay anh Hùng vẫn phải đi gõ cửa từng nhà bởi gia đình chẳng có thứ gì quý giá để bán.

Xót thương người phụ nữ bị tai nạn nuôi chồng con bệnh tật
Anh khóc nức khi nghĩ tới tình cảnh của người vợ.

Chị Võ Thị Gái (54 tuổi), chị dâu chị Thêm tâm sự, ngày trước chồng còn khoẻ mạnh con cái được đi học đến nơi đến chốn, nhưng từ khi người cha đổ bệnh thì em Tống Văn Hoàng (21 tuổi) cũng bỏ học giữa chừng đi làm đỡ đần giúp mẹ. Còn em Tống Thị Diệu Hà (học lớp 7), từ ngày mẹ gặp nạn cũng ngất lên ngất xuống đòi nghỉ học. “Không biết tương lai bọn trẻ sẽ ra sao, chắc cũng bỏ học thôi chứ lấy tiền mô mà nộp. Ngày trước mẹ chúng khoẻ mạnh còn bươn chải lo cho gia đình được, chừ thì...", chị Gái bỏ lửng câu nói, nước mắt cứ trào ra.

Chị Gái kể rằng có lần chị Huệ than thở: “Nhà nghèo nhưng được cái ai cũng thương nhau, khó khăn mấy em cũng không lo, chỉ lo mai mốt chẳng may ốm đâu không biết làm sao để nuôi con học thôi chị ơi”. Giờ đây người phụ nữ đáng thương ấy khó mà thực hiện được điều mình trăn trở đó là tiếp tục được kiếm sống nuôi chồng con. Cuộc sống của những đứa con và người chồng mất sức lao động sẽ ra sao khi mà chị Thêm là trụ cột của gia đình đang trong tình trạng nguy kịch, nghĩ tới chặng đường trước mắt của đứa con, chúng tôi chẳng thể cầm lòng được.

Quý đọc giả muốn chia sẻ gánh nặng cho gia đình chị Thêm có thể liên lạc với gia đình – chị Lê Thị Thêm (tổ 14, khu vực 5, phường Phú Hậu, TP Huế, Thừa Thiên- Huế; Số điện thoại 01669346233).


Chia sẻ