Sơn ca Đỗ Hương Giang: “Khi đứng lớp, tôi như lên đồng”

Huyền Trang - Chí Toàn,
Chia sẻ

Đằm thắm, dịu dàng và sắc sảo, giảng viên thanh nhạc Đỗ Hương Giang có một sức hút kỳ lạ với người đối diện. Ít ai biết rằng, hơn 10 năm về trước, nữ giảng viên xinh đẹp này đã “ẵm” giải nhất cuộc thi “Giọng hát hay Hà Nội”.

Từ 46 kg tăng đến 74 kg: Cơ duyên với nghề giáo

Tài năng và xinh đẹp, ở tuổi 24 đầy triển vọng, “chim sơn ca” Đỗ Hương Giang từ giã ánh đèn sân khấu để trở thành giảng viên thanh nhạc của trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương. Cơ duyên đưa chị đến với nghề dạy rất lạ kỳ. Chị kể: “Năm ấy, tôi sinh bé em thứ nhất. Cơ thể tôi bị biến đổi hoàn toàn, từ 46 kg, tôi lên đến 74 kg. Tôi mặc cảm kinh khủng, không đủ tự tin để bước lên sân khấu nữa. Vậy là, tôi xin đi dạy, vừa để có thời gian chăm sóc gia đình, vừa như chạy trốn."

Sơn ca Đỗ Hương Giang: “Khi đứng lớp, tôi như lên đồng” 1
"Tôi đến với nghề giáo là để... chạy trốn sân khấu"

"Thú thực, lúc đầu tôi không thích dạy lắm, chỉ nghĩ đó là một công việc để tôi vùi đầu vào làm mà quên đi nghiệp biểu diễn, vậy mà càng lúc tôi càng say nghề. Khi dạy, tôi như lên đồng vậy, càng giảng càng hăng.” – chị cười.

Cái sự “lên đồng” của chị với nghề dạy, một phần do cá tính, phần khác do ảnh hưởng của những thầy cô giáo đã dìu dắt chị trên con đường nghệ thuật. Chị xúc động kể lại: “Tôi may mắn có những người thầy tuyệt vời như cô Hoàng Hiền, cô Diệu Thúy, thầy Nguyễn Trung Kiên, là những thầy cô giảng dạy ở Nhạc viện Hà Nội. Cô Hoàng Hiền là người “tiếp lửa” và hướng cho tôi thi thẳng vào Nhạc viện Hà Nội khi tôi đang học Trung cấp thanh nhạc ở Thanh Hóa.

Sơn ca Đỗ Hương Giang: “Khi đứng lớp, tôi như lên đồng” 2
Chị bồi hồi kể về các thầy cô của mình

Khi ra Hà Nội học, tôi lại được cô Diệu Thúy nâng đỡ, dìu dắt, cô còn đưa tôi về nhà cô ở trong suốt 4 năm học. Cô như một “từ điển sống” của tôi vậy, không chỉ dạy hát, dạy biểu diễn, cô còn rèn giũa cho tôi cách cư xử và nuôi dưỡng tâm hồn tôi… Tôi học được ở các thầy cô rất nhiều điều.

Sơn ca Đỗ Hương Giang: “Khi đứng lớp, tôi như lên đồng” 3
Nữ giảng viên này thu hút người đối diện bằng phong thái tự tin, quyến rũ

Họ đều là những giáo viên tâm huyết và truyền cảm hứng cho sinh viên. Phong cách của họ ngấm vào người tôi lúc nào không hay. Khi tôi đứng lớp, mọi người nhận xét tôi giống cô Diệu Thúy. Tôi cũng ảnh hưởng ở cô Thúy cách quan tâm đến học trò. Ngoài việc là giảng viên, tôi còn là bạn của học trò mình, phải quan tâm đến hoàn cảnh, cá tính, tâm lý của từng học sinh nữa.

Sơn ca Đỗ Hương Giang: “Khi đứng lớp, tôi như lên đồng” 4
7 năm gắn bó với trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật TW...

Sơn ca Đỗ Hương Giang: “Khi đứng lớp, tôi như lên đồng” 5
... cũng là 7 năm "sơn ca" miệt mài luyện giọng cho thế hệ đàn em, cũng sẽ là những thế hệ giáo viên tương lai của tổ quốc

Khi còn là sinh viên, tôi thần tượng giảng viên của mình lắm, các thầy, các cô như thể là cha, là mẹ tôi vậy. Hồi ấy, tình cảm giữa giảng viên và sinh viên cũng rất đậm, ra trường bao nhiêu năm rồi mà tôi vẫn thân thiết với các thầy cô.

Nhưng bây giờ, nhìn chung, tôi thấy mối liên hệ giữa giảng viên và sinh viên không đậm đà lắm, có khi ra trường một năm họ quên mình luôn. Giáo viên như chúng tôi có cần gì đâu, nhiều khi một cuộc điện thoại, một lời hỏi thăm cũng đủ vui rồi…
” – giảng viên thanh nhạc xinh đẹp chia sẻ.

Ngoài ra, cái sự "lên đồng" khi đứng lớp cũng bởi sinh viên của chị, rồi đây, sẽ là những người kế tục sự nghiệp trồng người. Chị tâm sự, công việc giảng dạy của mình tại trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương khá đặc thù, bởi lẽ, không chỉ chú trọng vào tính nghệ thuật của giọng hát, giảng viên mà còn phải nắn cho sinh viên phong thái của một giáo viên âm nhạc trong tương lai.

Sơn ca Đỗ Hương Giang: “Khi đứng lớp, tôi như lên đồng” 6
Chị ví trường mình dạy như một vườn ươm, và những "cây giống" khi ra trường sẽ gieo những nốt nhạc đầu tiên vào tâm hồn con trẻ.

Chị ví trường mình dạy như một vườn ươm, và những “cây giống” khi ra trường sẽ gieo những nốt nhạc đầu tiên vào tâm hồn trẻ thơ. “Rèn các kỹ thuật thanh nhạc cho sinh viên cũng quan trọng, nhưng quan trọng hơn là phải hướng dẫn các bạn ấy phương pháp sư phạm, để các bạn tự tin hát và biết truyền đạt kỹ thuật cho học sinh của mình. Tôi thường “ép” các bạn ấy hát như đang biểu diễn trên sân khấu, vì đứng lớp cũng là biểu diễn, học trò cũng là thính giả.

Nổi bằng scandal, người ta sẽ mỉa mai bạn

“Sơn ca” Đỗ Hương Giang cho biết, ngoài công việc giảng dạy, chị còn có một cửa hàng thiết kế thời trang, cũng là việc mà chị yêu thích từ lâu. Và đương nhiên, trong chị, khát vọng ca hát vẫn không ngừng “cháy”. Nghiêng đầu duyên dáng, chị bảo mình xinh đẹp nhất, quyến rũ nhất, thăng hoa khi ở trên sân khấu. “Ông xã cũng bị tôi “hớp hồn” khi anh thấy tôi hát. Anh ấy còn đùa, lỡ “mê” hình ảnh của tôi trên sân khấu rồi, đến khi ngày nào cũng nhìn thấy tôi ở ngoài đời, anh không nhận ra."

Sơn ca Đỗ Hương Giang: “Khi đứng lớp, tôi như lên đồng” 7
Bên trong người phụ nữ mảnh dẻ này vẫn là nỗi "khát" sân khấu...

Nghĩ lại, ngày xưa khi mình hát, hiểu biết và cảm nhận về âm nhạc còn chưa "chín", bây giờ, khi đã trải nghiệm cuộc sống nhiều rồi, tâm hồn sâu lắng rồi, tôi lại muốn trở lại với sân khấu. Nhưng với tôi, không phải chỗ nào cũng có thể biểu diễn được, tôi chỉ có thể hát ở những nơi người ta cần phải thưởng thức âm nhạc mà không thể hát ở những nơi xô bồ, người ta nghe cũng được, không nghe cũng chẳng sao.”

Sơn ca Đỗ Hương Giang: “Khi đứng lớp, tôi như lên đồng” 8
"Tiếng hát không chôn được"

Chia sẻ về hiện tượng nhiều “ngôi sao” lạm dụng chiêu trò để nổi tiếng, giảng viên trẻ này thẳng thắn: “Nếu bạn hát hay thực sự, người ta sẽ nhớ mãi, sẽ ấn tượng mãi với bạn và trân trọng lao động nghệ thuật của bạn. Nếu giọng bạn lờ nhờ, không có gì đặc biệt, bạn sẽ bị chê, nhưng điều ấy không tệ bằng việc hoặc giọng bạn dở, hoặc lâu lâu bạn không xuất hiện, rồi khi trở lại, bạn làm cho người ta nhớ bằng một scandal nào đó. Đấy vẫn là nổi tiếng, vẫn là gây chú ý, nhưng có lẽ người ta nói về bạn để mỉa mai, nói ra để mua vui mà không trân trọng bạn. Với tư cách một người giảng viên, khi lên lớp, ngoài việc dạy học, tôi còn luôn nhắc sinh viên về đạo đức nghề nghiệp, dặn họ phải đặt tính nghệ thuật song hành với tính sư phạm.”

Tôi chỉ là một phụ nữ bình thường

Đã từng có giải thưởng âm nhạc, hiện là một giảng viên trẻ được nhiều sinh viên thần tượng vì phong cách giảng dạy dễ hiểu và luôn gần gũi với sinh viên, chị Hương Giang vẫn khiêm tốn: “Tôi chỉ là một phụ nữ bình thường thôi, có điều tôi hạnh phúc với gia đình mình, với công việc của mình.

Chia sẻ quan niệm về một người phụ nữ thành đạt, chị cho hay: “Một phụ nữ thành đạt là một người có gia đình hạnh phúc, một công việc mà mình yêu thích - công việc mà mình cảm thấy cần phải cống hiến cho nó và nhờ nó, mình giúp đỡ được nhiều người.”

Chị hóm hỉnh nói thêm: “Một phụ nữ dù có thành đạt như thế nào đi chăng nữa, có giỏi thế nào đi chăng nữa, đấy cũng là sự thành công ở ngoài xã hội. Bước chân về đến nhà, mình vẫn là phụ nữ cơ mà, đâu thể thay thế hay trở thành đàn ông được!

Những người phụ nữ thành đạt ngoài xã hội, khi về nhà bắt nạt hay coi thường chồng, với tôi, đó là những người phụ nữ bất hạnh. Đáng lẽ mình được sự che chở của người đàn ông, có một bờ vai vững chãi để dựa vào, bây giờ lại hăm hở che chở ngược lại cho người ta. Nếu tất cả mọi người đều dựa vào mình thì mình đổ chết mất!


Sơn ca Đỗ Hương Giang: “Khi đứng lớp, tôi như lên đồng” 9

“Điểm tựa” của giảng viên hơn 30 tuổi này, theo chị tâm sự, là gia đình với chồng và hai thiên thần bé nhỏ, một cô bé lên 7 và một cậu nhóc 5 tuổi.

Ông xã của chị là “một người rất tốt. Anh hơn tôi 9 tuổi nên khoảng cách về suy nghĩ, về cách sống cũng khá xa. Anh vừa là chồng, vừa là một người bạn, một người anh lớn. Anh làm khác nghề, nhưng biết đánh trống, đánh đàn guitar, thẩm âm và cảm nhận nghệ thuật rất tốt nên hai vợ chồng có thể chia sẻ với nhau đam mê nghệ thuật.

Ông xã là thính giả khó tính nhất đấy, khi vợ hát hay thì anh tung hô ghê lắm, còn “lỡ” hôm nào đuối một chút, anh chê thẳng thừng ngay. Khi sống cạnh anh, tôi thấy yên tâm, vững chãi, thấy mãn nguyện và hạnh phúc. Tôi cho rằng, để tạo dựng và giữ gìn được hạnh phúc gia đình, người ta chỉ cần chân thành, biết cách trao đổi, chia sẻ với nhau.


Sơn ca Đỗ Hương Giang: “Khi đứng lớp, tôi như lên đồng” 10
"Tôi may mắn khi có những người thầy tuyệt vời, và một gia đình êm ấm"
Chia sẻ