Giá cả theo đà tăng

Theo Đại Đoàn Kết,
Chia sẻ

Giá lương thực, thực phẩm tươi sống đã bắt đầu nhích lên do bước vào guồng quay lễ tết, ngoài ra cũng bị ảnh hưởng phần nào bởi giá điện vừa tăng vào ngày 21-12 vừa qua.

Đã tăng 10%

Thời tiết lạnh khiến cho nhu cầu tiêu thụ thịt tại Hà Nội tăng lên trong những ngày qua, tiểu thương tại các chợ cũng đã tự động tăng giá. Trên thị trường các chợ đầu mối như chợ Phùng Khoang, Ngã Tư Sở, Long Biên… giá thịt lợn, thịt bò tăng nhẹ so với cuối tháng 11. Tại chợ đầu mối Phùng Khoang, giá thịt lợn tăng từ 5.000-10.000 đồng/kg. Hiện thịt lợn mông có giá 90.000-100.000 đồng/kg, thịt ba chỉ 85.000 đồng/kg, thịt chân giò 100.000 đồng/kg, sườn thăn lên tới 120.000 đồng/kg.

Giá cả theo đà tăng 1

Giá thực phẩm nhúc nhích tăng dịp cuối năm

Theo Sở Công thương Hà Nội, nguyên nhân khiến giá thịt tăng cao là do cận kề với thời điểm Tết nên có sự điều chỉnh nhẹ. Ngoài ra, thời gian này ở các tỉnh biên giới phía Bắc mỗi ngày có khoảng 300-400 tấn lợn hơi xuất sang Trung Quốc, số lượng này có thể tăng thêm trong những tuần giáp Tết Nguyên đán 2013. Giá bán cũng đang cao hơn giá thịt lợn tại Việt Nam 18.000 đồng/kg, điều này khiến giá thịt lợn nội địa bị ảnh hưởng.

Ngoài ra giá thịt, trứng gia cầm tại các chợ tăng lên, cụ thể: trứng gà ta 3.300–3.500đ/quả (tăng 300đ/quả); trứng vịt 3.000 đ/quả (tăng 200đ/quả), trứng gà công nghiệp 2.500-2.800 đ/quả (tăng 300đ/quả). Thịt gà công nghiệp tăng từ 70.000 đồng/kg lên 80.000 đồng/kg; thịt gà ta tăng từ 110.000 đồng/kg lên 130.000 đồng/kg.

Cũng trong thời gian qua do tình trạng nhập lậu gà thải Trung Quốc và nhập khẩu gà dai Hàn Quốc nên ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi trong nước. Thêm vào đó là tình hình dịch bệnh trên đàn gia cầm, sự biến động tăng của giá yếu tố đầu vào như xăng dầu, điện nước, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú ý... khiến các hộ chăn nuôi bị thua lỗ, việc tái đàn gặp khó khăn, quy mô đàn gia cầm bị thu hẹp, dẫn đến nguồn cung bị thâm hụt, đẩy giá thành sản phẩm gia cầm tăng.

Hiện nay giá các loại thủy, hải sản tăng nhẹ. Tôm tăng từ 5.000-10.000 đồng/kg, trong đó tôm sú loại lớn (30 con/kg) có giá 180.000 đồng/kg, tôm sú loại nhỏ (40 con/kg) có giá 160.000 đồng/kg; ghẹ được bán với giá từ 200.000-250.000 đồng/kg tăng từ 10.000-15.000 đồng/kg tùy vào ghẹ loại lớn và loại nhỏ hơn; ngao cũng tăng 5.000 đồng/kg và có giá bán 25.000 đồng/kg; mực tươi có giá bán 200.000 đồng/kg tăng 5.000 đồng. Các loại cá cũng tăng giá, mức tăng từ 5.000–10.000 đồng/kg, tôm càng 150.000–170.000 đồng/kg. Nguyên nhân của việc tăng giá các loại thủy, hải sản do thời điểm này các vùng nuôi thủy sản như tôm đã vào cuối vụ.

Sản lượng thủy, hải sản thu hoạch giảm, nên giá nguồn nhập cao hơn do đó phải nâng giá bán lẻ. Thời điểm cuối năm nhiều vùng nuôi thủy, hải sản cũng hạn chế bán ra bởi tâm lý dành hàng bán tết nên xảy ra tình trạng khan hàng và giá tăng. Hơn nữa, trong khi nhu cầu chế biến thủy, hải sản xuất khẩu của các doanh nghiệp vào dịp cuối năm tăng cao nên giá nguyên liệu tăng mạnh tác động khiến cho thị trường nội địa tăng theo. Ngoài ra, những yếu tố khác như thời tiết nhiều biến động cũng khó kiểm soát được nguồn cung và chi phí vận chuyển cao hơn cũng là một trong những lý do để các tiểu thương tăng giá các mặt hàng thủy, hải sản.

Tại các siêu thị, mặt hàng biến động về giá nhiều nhất là rau xanh. Tại big C giá dưa chuột tăng 4.600 đồng/kg lên 13.500 đồng/kg, bí xanh 12.900 đồng/kg, tăng 1.300 đồng/kg. Nếu với cuối tháng 11, giá các loại rau củ tại siêu thị BigC đã tăng từ 1.600–2.800 đồng/kg.

Cố giữ nguồn cung ổn định

Chuyên gia thị trường, ông Vũ Vĩnh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho biết, các mặt hàng tươi sống sẽ tiếp tục tăng giá, đặc biệt vào dịp cao điểm từ 27 đến 29-12 Âm lịch. Theo đó, thịt gà, thịt lợn, cam sành, chuối xanh, cá chép... có thể tăng từ 10-30%, thậm chí tăng tới 50% do cầu tăng đột biến. Tuy nhiên, các mặt hàng khác như: chè, thuốc lá, bánh kẹo, rượu bia... sẽ tương đối ổn định.

Giải thích về nguyên nhân tăng giá, bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Giám đốc công ty TNHH Minh Hiền lý giải: giá cả tăng cũng có nguyên nhân từ tính thời vụ cũng như tác động của thời tiết, tâm lý tiêu dùng...

Theo đánh giá của những người chăn nuôi và buôn bán, năm nay thời tiết hoàn toàn thuận lợi cho việc chăn nuôi. So với những năm trước, dịch bệnh xảy ra ít và trên phạm vi hẹp, ít tác động đến nguồn cung thực phẩm, khác với nhận định của Bộ Công thương thực phẩm có thể khan hiếm do dịch bệnh.

Ông Nguyễn Văn Hùng- Chủ nhiệm hợp tác xã dịch vụ Đông Cao - Tráng Việt (Mê Linh) cho biết, hợp tác xã đã dự tính trồng 100ha rau xanh phục vụ dịp Tết, tăng khoảng 25% về sản lượng so với hiện tại. Tuy nhiên, giá cả các loại rau phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Nếu nắng ấm, sản lượng rau lớn thì giá ổn định. Ngược lại, nếu rét đậm thì giá rau sẽ tăng cao.

Chia sẻ