Thị trường từ nay đến Tết: Khó lường giá cả

Theo Đại Đoàn Kết,
Chia sẻ

Thị trường hàng hóa Tết bắt đầu vào guồng dù không mấy sôi động như các năm trước. Các cơ quan chức năng lên tiếng sẽ đảm bảo đủ cung cầu, đảm bảo bình ổn giá nhưng giới chuyên gia lại e ngại khó kiểm soát. Trên thực tế, giá cả đã rục rịch chuyển động theo chiều hướng tăng…

Thị trường từ nay đến Tết: Khó lường giá cả 1

Giá cả hàng hóa bắt đầu chuyển động

Giá thực phẩm bắt đầu nhích nhẹ

Nhiều địa phương bắt đầu thực hiện kế hoạch ứng vốn hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp dự trữ hàng hoá bình ổn thị trường trong dịp Tết. Các trung tâm thương mại, siêu thị đã cơ bản hoàn thành phương án chuẩn bị hàng và cung ứng hàng cho dịp lễ Noel, Tết Dương Lịch và Tết Nguyên đán Quý Tỵ. Một số siêu thị đã tập kết lượng nhỏ hàng khô: măng, miến, bánh kẹo.... Ngoài chợ, các tiểu thương cũng vừa nhập hàng vừa nghe ngóng động tĩnh.

Hầu hết các đơn vị liên quan đến cung ứng hàng Tết đều cam kết không để giá tăng đột biến. Nhưng theo ghi nhận của PV, phần lớn giá các loại đồ hộp, đồ đóng gói sẵn, thực phẩm khô đã có sự biến động. Chẳng hạn như mộc nhĩ khô có giá 20.000 đồng/lạng. Miến dong khô cũng nhích 4.500 đồng/lạng...

Tuy nhiên, sự thay đổi mạnh nhất phải kể đến là thực phẩm tươi sống, thịt gia súc, gia cầm. Thịt gà công nghiệp nhích lên 31.000-33.500 đồng/kg, tăng khoảng 4,7%, riêng gà đồi có giá 150.000–170.000 đồng/kg tùy từng khu vực. Giá thịt thăn bò lên 250.000 đồng/kg, giá thịt lợn cũng đang tăng với mức trung bình 5%.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, hàng hóa Tết, nhất là hàng hóa thiết yếu dự báo sẽ tăng 20% so với các tháng bình thường. So với Tết Nhâm Thìn năm ngoái, tiêu thụ hàng hóa có thể tăng 10-15%.

Bộ trưởng Hoàng cam kết với sự gia tăng sản xuất của doanh nghiệp, Tết Nguyên đán năm nay, về cơ bản có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu các mặt hàng thiết yếu. Tổng lượng hàng hóa cung ứng cho thị trường dịp Tết năm nay khoảng 180.000 tỷ đồng.

Khó kiểm soát

Song không thể lạc quan như người đứng đầu ngành Công thương đã khẳng định, giới chuyên gia bày tỏ nhiều hướng lo khác.

Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, ông Vũ Vĩnh Phú nói, Tết đến hàng hóa nhiều, giao thương cũng tăng nên cơ quan chức năng khó kiểm soát việc tăng giá. Dự báo các mặt hàng tươi sống sẽ tăng giá, đặc biệt vào dịp cao điểm từ 27 đến 29/12 âm lịch. Theo đó, thịt gia cầm và rau xanh có thể tăng từ 10-30%, thậm chí tăng tới 50% do cầu tăng đột biến. Bởi vậy kiểm soát được giá như mong muốn là điều khó thực hiện.

Chuyên gia kinh tế độc lập Lê Đăng Doanh lại phân tích, do cơ quan quản lý không thể kiểm soát được bao nhiêu % hàng hóa được bán với giá đã được trợ giá, bao nhiêu phần trăm bán với giá thị trường… nên tất cả đều phụ thuộc vào sự làm ăn trung thực của doanh nghiệp.

Hiện nay các đơn vị tham gia bán hàng bình ổn nếu phát huy tối đa năng lực cũng chỉ dự trữ và cung ứng được 70% nhu cầu thị trường. 30% còn lại do cung cầu quyết định. Đặt trong bối cảnh cầu Tết tăng đột biến, giá cả ắt "nhảy múa”. Đơn cử như tại Hà Nội, đến nay đã có 689 điểm bán hàng hóa "bình ổn giá”. Còn tại TP.HCM, có tới 3.501 điểm bán. Các địa phương khác cũng triển khai chương trình "bình ổn giá” riêng.

Số lượng điểm bán này là quá ít so với nhu cầu tiêu dùng Tết của người dân. Để bình ổn giá hàng hóa dịp Tết, Ban Chỉ đạo 127/TƯ đã yêu cầu Ban Chỉ đạo 127 các tỉnh, thành phố tăng cường các giải pháp bình ổn giá, kiềm chế tăng giá, đặc biệt đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán; tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ găm hàng, đưa tin thất thiệt, nhằm tăng giá quá mức để trục lợi.

Bộ Công Thương đã giao Cục Quản lý thị trường phối hợp với cơ quan quản lý giá tăng cường thanh tra, kiểm tra các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết, nếu đơn vị nào kinh doanh trái qui định, có tình trạng găm hàng, tăng giá sẽ bị xử lý nghiêm.

Chia sẻ