Cô giáo ứng cử đại sứ du lịch: Sao phải sợ Lý Nhã Kỳ?

Trang Trần,
Chia sẻ

Không xinh đẹp và giàu có như Lý Nhã Kỳ, nhưng với thành tích học tập và hoạt động xã hội đáng nể, Đỗ Thị Hồng Thuận vẫn tự tin trở thành ứng viên Đại sứ du lịch 2013.

PV: Xin chào chị. Điều gì đã thúc đẩy chị ứng cử vào vị trí đại sứ du lịch?

Hồng Thuận: Bản thân tôi là người yêu thích du lịch, yêu thích khám phá. Đi nhiều, tôi phát hiện ra Việt Nam có rất nhiều điểm mạnh để thu hút người nước ngoài. Mục tiêu của tôi là cùng với cộng đồng phát triển một nền du lịch tốt hơn nữa và hình ảnh của Việt Nam được nhiều bạn bè quốc tế biết đến hơn.

PV: Đó có phải là một quyết định đường đột của chị?


Hồng Thuận: Tôi không cho đó là một quyết định đường đột, mà là sự tình cờ. Khi đọc thông tin về việc tuyển đại sứ du lịch, nhìn vào những tiêu chí, tôi thấy mình có thể phù hợp. Có những chuyện đến với bạn không phải vì bạn dự định mà đó là tiếng gọi của trái tim. Tiếng gọi ấy sẽ dẫn đường cho bạn. Có thể tiếng gọi ấy đã có lâu rồi nhưng bạn chưa đi theo, đến đúng thời điểm, nó sẽ thôi thúc bạn hành động.

PV: Chị đã chuẩn bị hồ sơ trong bao lâu?


Hồng Thuận: (cười) Nhanh thôi, khoảng hơn 10 ngày. Thực ra, thời điểm tôi nộp hồ sơ (28/2) hơi muộn một chút so với quy định. Đã có thông tin không chính thức cho rằng hồ sơ của tôi không được chấp nhận. Lúc đó, tôi hơi buồn một chút, nhưng rồi vượt qua rất nhanh. Tôi nghĩ, nếu mình đã cố gắng hết sức thì không có gì phải buồn cả. Nhưng đó chỉ là thông tin bên lề. Tôi đã được thông báo rằng mình là một trong ba ứng viên cho danh hiệu đại sứ du lịch.

Cô giáo ứng cử đại sứ du lịch: Sao phải sợ Lý Nhã Kỳ? 1
28 tuổi, là giáo viên tiếng Anh bậc tiểu học, Đỗ Thị Hồng Thuận là ứng viên bí ẩn nhất cho danh hiệu đại sứ du lịch 2013.

PV: Chị có tự tin mình sẽ chiến thắng trong cuộc đua này không?


Hồng Thuận: Đối với bất kỳ ai, khi họ có ý chí mạnh và có mục tiêu rõ ràng, biết mình phải làm gì, yêu thích cái gì, khiêm tốn, thực sự muốn và có khả năng cống hiến cho cộng đồng, bạn sẽ tự tin để chiến thắng.

PV: Lý Nhã Kỳ, theo chị có phải là một đối thủ mạnh không?

Hồng Thuận: Mọi người luôn so sánh tôi với những ứng viên khác, đấy là tâm lý bình thường và dễ hiểu. Cũng tốt thôi, vì mọi người sẽ biết tôi là ai. Chị Lý Nhã Kỳ là ngôi sao, có tài sản lớn, có thân hình đẹp; chị Huỳnh Ngọc Hân có kinh nghiệm hoạt động xã hội, có hai bằng Thạc sỹ tại Australia, mỗi người đều có một điểm mạnh riêng. Với tôi, nhìn vào điểm mạnh của họ cũng tốt, nhưng quan trọng là nhìn vào điểm mạnh của mình, tập trung vào việc của mình. Biết người thì tốt, nhưng biết mình muốn gì thì tốt hơn.

PV: Nhiều người cho rằng, Lý Nhã Kỳ có lợi thế hơn trong cuộc đua này, vì cô ấy đẹp, nổi tiếng trong giới showbiz  và có kinh nghiệm quảng bá du lịch. Chị có sợ mình bị lép vế không?

Hồng Thuận: Không đâu. Khi một người tự tin vào điều người ta làm, không có gì đáng sợ nữa. Tôi không tham có danh hiệu đại sứ du lịch để quàng lên người cho đẹp, cũng không giận dữ vì mình xấu hơn người khác, chỉ muốn cộng đồng trở nên tốt đẹp hơn, vì thế, tâm lý của tôi nhẹ nhàng và thoải mái. Tôi không cảm thấy mình lép vế trước ai cả.

PV: Nếu trở thành đại sứ du lịch, chị có sợ sẽ trở thành cái bóng của Lý Nhã Kỳ không, có bị áp lực trước thành công của cô ấy không?

Hồng Thuận: Ồ không, tại sao phải sợ nhỉ? Bản thân tôi đã rất khác cô ấy rồi mà.  Bất cứ công việc gì, nếu bạn đam mê và dành thời gian cho nó, đề ra mục tiêu rõ ràng và khao khát đạt được mục tiêu, đó không phải là áp lực mà là niềm vui. Đương nhiên, kèm theo đó cũng là trọng trách lớn. Nếu trở thành đại sứ du lịch, tôi vẫn rất cần sự hỗ trợ của chị Lý Nhã Kỳ, chị Ngọc Hân và nhiều người khác.

Cô giáo ứng cử đại sứ du lịch: Sao phải sợ Lý Nhã Kỳ? 2
"Giàu và có sắc đẹp không phải là tiêu chí hàng đầu để chọn đại sứ du lịch".

PV: Những lợi thế gì khiến chị tự tin ứng cử đại sứ du lịch?

Hồng Thuận: Tôi có tiếng Anh tốt, kinh nghiệm nhiều năm đi làm tình nguyện, thích công hiến cho cộng đồng. Ngay như nghề giáo viên của tôi cũng là một kiểu cống hiến, tôi hằng ngày vẫn làm việc với một cộng đồng thu nhỏ. Ngoài ra, tôi còn có một gia đình lớn luôn hỗ trợ mình: gia đình tư duy tích cực.

PV: Nếu phải kể ra một điểm yếu so với những ứng viên khác, điểm yếu của chị là gì?


Hồng Thuận: Tài chính là điểm yếu nhất của tôi. Quảng bá du lịch là một công việc tốn kém. Nhưng đâu phải ai cũng giàu cả. Chẳng lẽ nếu không có tiền, bạn không thể trở thành đại sứ du lịch ư? Tôi cho rằng, nếu như một người giàu bỏ tiền ra làm du lịch, người đó vẫn làm một mình, còn tôi, tôi sẽ kéo cả cộng đồng vào. Tôi đã có kế hoạch mà mục tiêu rất rõ ràng để quảng bá du lịch Việt Nam. Riêng về phần tài chính, tôi sẽ làm việc với các cá nhân, tổ chức khác nhau để gây quỹ. Tôi tin rằng, với mục tiêu phục vụ cho cộng đồng, dù không có thế mạnh tài chính, tôi vẫn được nhiều người ủng hộ. Không nên coi thường sức mạnh tập thể. Một cá nhân có tài chính mạnh đã tốt rồi, nhưng một tập thể cùng đóng góp sẽ còn tốt hơn nữa.

PV: Được biết, chị đã tham gia rất nhiều hoạt động xã hội, đam mê du lịch và đang là một giáo viên tiếng Anh tiểu học. Dường như những sở thích của chị hơi đối chọi nhau?

Hồng Thuận: Tôi bắt đầu công tác xã hội từ thời còn sinh viên, tham gia nhiều đội nhóm và nhiều hoạt động từ thiện, làm việc trong các tổ chức phi chính phủ, đến những vùng sâu, vùng xa của Tổ quốc. Khi sang Australia du học, tôi cũng làm tình nguyện ở một trung tâm chăm sóc trẻ em, có lẽ thời gian đó đã gợi ý cho tôi công việc dạy học.

Tất cả những công việc ấy đều xuất phát từ khao khát muốn giúp đỡ một ai đó, muốn giúp mọi người thay đổi nhận thức để phát triển hơn. Dạy tiếng Anh cho học sinh tiểu học không êm ả mà cũng là một cuộc khám phá, khi bạn phải đối phó với hàng loạt tình huống và cũng phải luôn làm mới mình, luôn thay đổi để hấp dẫn người khác. Thú vị nhất là cảm giác được cống hiến, được học hỏi qua những chuyến đi và những cuộc gặp gỡ.

Cô giáo ứng cử đại sứ du lịch: Sao phải sợ Lý Nhã Kỳ? 3
"Tôi không tham có danh hiệu đại sứ du lịch để quàng lên người cho đẹp".

PV: Ngoài kiến thức, thời gian chị du học ở Australia có gì ấn tượng với chị?

Hồng Thuận: Khi đi du học ở Australia, đó là lần đầu tiên tôi bước chân ra nước ngoài, lại đi một mình nữa. Ngoài 5 sinh viên Việt Nam, học bổng của IDP còn dành cho các bạn sinh viên ở châu Mỹ Latinh, Indonesia, Fiji, Afganistan, thế nên chỉ đi một nước mà tôi được trải nghiệm các nền văn hóa da dạng của nhiều nơi trên thế giới. Kỹ năng sống tuyệt vời và nền giáo dục tiên tiến của Australia cũng ảnh hưởng đến tôi, dạy tôi tự tìm câu hỏi cà câu trả lời cho bản thân, học cách tư duy logic, tư duy phê phán, học cách nhìn một vấn đề dưới nhiều góc độ khác nhau. Tôi tự lập trình lại tư duy của mình, và càng khao khát giúp đỡ thế hệ trẻ Việt Nam, giúp họ biết họ cần gì và thay đổi gì để phát triển năng lực bản thân.

PV: Khi đi nước ngoài, chị có thường được nghe những lời nhận xét của người nước ngoài về Việt Nam không?

Hồng Thuận: Ngoài Australia, tôi đã đi Singapore, Thái Lan, Lào, Trung Quốc. Những người nước ngoài tôi đã gặp, hầu như ai cũng mê món ăn Việt Nam. Có người còn bảo món ăn Việt Nam ngon nhất thế giới. Họ cũng ca ngợi Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp; ca ngợi sự anh hùng của đất nước ta; nói rằng sinh viên Việt Nam học giỏi và chăm chỉ; rằng Việt Nam có nhiều cảnh đẹp, người Việt Nam yêu chuộng hòa bình...

Đương nhiên, tôi cũng được nghe những ý kiến trái chiều. Tôi cũng giải thích để các bạn ấy hiểu rằng đất nước ta đang vươn lên sau những dư chấn của chiến tranh, con người cũng đang thay đổi, làm quen dần với cuộc sống mới. Tôi nghĩ rằng, ta nhìn thấy điều gì, biết điều gì cũng quan trọng, nhưng quan trọng hơn, ta phải làm được gì, cống hiến được gì để cải thiện cuộc sống tốt đẹp hơn.

PV: Có người cho rằng, Việt Nam đang làm du lịch theo kiểu “ăn mòn” di sản, chị có nghĩ thế không?

Hồng Thuận: Tôi không nghĩ đó là sự “ăn mòn”. Di sản là thứ ông cha ta đã mất hàng nghìn năm để sáng tạo, ta cần phải trân trọng, phải hiểu nền tảng đó, phải hiểu mình đang đứng lên từ đâu. Để giữ gìn và phát huy được di sản đã tốt lắm rồi.

Tôi nghĩ vẻ đẹp của đất và người Việt Nam là vẻ đẹp tiềm ẩn, kín đáo của con người phương Đông cũng như những lợi thế khác như thiên nhiên đẹp, văn hóa đa dạng, ẩm thực… Nhưng để quảng bá tốt về hình ảnh Việt Nam với bạn bè thế giới, mấu chốt vẫn là con người. Bạn có níu chân được khách du lịch hay không, ngoài những lợi thế mà thiên nhiên và lịch sử ban tặng, còn cần sự thay đổi và sáng tạo nữa. Để Việt Nam hấp dẫn hơn nữa, có lẽ cần thay đổi nhận thức của người làm du lịch, thái độ phục vụ cần được nâng cao hơn, đa dạng các sản phẩm du lịch để cho khách nhiều sự lựa chọn hơn, sản phẩm mang tính thực tiễn cao hơn.

Cô giáo ứng cử đại sứ du lịch: Sao phải sợ Lý Nhã Kỳ? 4
Hồng Thuận chia sẻ, khát vọng được cống hiến và thay đổi tư duy của cộng đồng là lý do chị muốn trở thành đại sứ du lịch.


PV: Nếu một người nước ngoài chưa từng đến Việt Nam yêu cầu chị giới thiệu về một địa danh, chị sẽ giới thiệu địa điểm nào?

Hồng Thuận: Nơi đầu tiên tôi sẽ khuyên họ đến Hà Nội, trước hết bởi tôi sống ở Hà Nội, yêu Hà Nội và cũng bởi Hà Nội có rất nhiều điểm đáng tới như Văn Miếu,  đền Ngọc Sơn, hồ Hoàn Kiếm, những ngôi chùa cổ … Tôi sẽ rủ họ đi ăn phở nữa. Hà Nội hội tụ nhiều nét đẹp du lịch của Việt Nam, vừa có những câu chuyện lịch sử, vừa toát lên tinh thần Phật giáo, vừa có vẻ đẹp của con người, vẻ đẹp ẩm thực…

PV: Nhưng lại có người bảo, Hà Nội chỉ đi một ngày là hết?

Hồng Thuận: Đó là bởi họ chưa gặp những người am hiểu Hà Nội thực sự. Khách du lịch, đặc biệt là người nước ngoài, chỉ đi để trải nghiệm cảnh quan, lướt qua những địa danh nổi tiếng trên bản đồ mà chưa gặp những người có hiểu biết sâu về văn hóa, những nghệ nhân, hay có thể gọi là những lịch-sử-sống, những người bản địa yêu và thấu hiểu Hà Nội, họ sẽ không biết đến nét hấp dẫn thực thụ của thành phố này. Mà thành phố nào cũng cần một đội ngũ làm du lịch người am hiểu và có thể giới thiệu vẻ đẹp sâu kín của nó với khách du lịch.

PV: Nếu trở thành đại sứ du lịch, đam mê và kiến thức dường như chưa đủ, chị còn cần thời gian cho những hoạt động quảng bá nữa. Liệu chị có bỏ công việc dạy học không?

Hồng Thuận: Tôi hy vọng Ban giám hiệu nhà trường sẽ ủng hộ tôi trong việc này. Nhà trường luôn mong muốn học sinh độc lập, sáng tạo, kết hợp kiến thức với thực tiễn nên có lẽ sẽ không khắt khe với một giáo viên có tâm huyết, hiểu biết và có khả năng cống hiến cho cộng đồng. (Cười) Tôi hy vọng mình sẽ trở thành một ví dụ sống động về đam mê, quyết tâm, lòng dũng cảm cho học trò của mình cũng như các bạn trẻ khác nữa. 

Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện thú vị này!

Cô giáo ứng cử đại sứ du lịch: Sao phải sợ Lý Nhã Kỳ? 5
Cục Hợp tác Quốc tế tóm tắt sơ lược về 3 ứng viên tranh cử chức Đại sứ Du lịch VN năm nay. 

Chia sẻ