Cô gái trẻ và ác mộng 400 ngày bị bắt cóc sang Trung Quốc làm nô lệ

Chí Phong,
Chia sẻ

Bị bắt cóc trên đường đi học, Thủy phiêu dạt ở Trung Quốc, trải qua nhiều gian truân và cay cực. Hơn bốn trăm ngày đêm phiêu dạt nơi xứ người, cô gái ấy đã trốn được khỏi “động quỷ” để trở về nhà – một ngôi nhà trôi dạt bên sông Hồng.

Một ly nước mía và bước sa chân vào “động quỷ”

Nếu chỉ nhìn Thủy tung tăng tập bơi cùng các cháu dưới dòng sông hay ngồi tâm sự với cô bạn thân, ta sẽ bị thu hút bởi gương mặt xinh tươi nhưng hơi “già đời”, bởi cơ thể phổng phao của tuổi 15 (Thủy sinh năm 1998) căng sức sống. Nhìn sâu vào mắt em lại là nỗi u uất sâu thẳm, bởi đằng sau đó là cả một vùng ký ức của bóng tối, ký ức hơn 400 ngày em trôi dạt nơi xứ người.

Cô gái trẻ và ác mộng 400 ngày bị bắt cóc sang Trung Quốc làm nô lệ 1
Ngôi nhà nổi ven sông ...

Cô gái trẻ và ác mộng 400 ngày bị bắt cóc sang Trung Quốc làm nô lệ 2
... mới đầu hè đã đầy ruồi muỗi...

Cô gái trẻ và ác mộng 400 ngày bị bắt cóc sang Trung Quốc làm nô lệ 3
... là tổ ấm của cô gái bị bắt cóc.

Thấy người lạ đến thăm nhà, Thủy và cô bạn thân bỏ ra sông tập bơi cho lũ trẻ con, rồi lỉnh sang nhà khác chơi. Sau cả buổi hai cô gái mới rón rén về nhà. Mẹ dỗ dành mãi, Thủy mới mở lời. Trong ký ức của em, ngày định mệnh ấy như mới xảy ra hôm qua. Đó là một ngày tháng 7. Cũng như nhiều đứa trẻ khác lớn lên ở bãi nổi sông Hồng, Thủy được học ở lớp tình thương vì bố mẹ không thể trả nổi học phí ở những trường bình thường, và cũng vì không đủ giấy tờ tùy thân. “Em học ở mái ấm tình thương Phúc Xá, lớp cô Phương. Hôm ấy, trên đường đi học về, em khát nước quá, rẽ vào một quán nước ở ga Long Biên. Uống xong cốc nước ấy, em cứ lịm đi rồi chẳng còn biết gì nữa…”

Cô gái trẻ và ác mộng 400 ngày bị bắt cóc sang Trung Quốc làm nô lệ 4
... em đã trở về nhà, nhưng ký ức kinh hoàng ở Trung Quốc vẫn còn đeo bám.

Cô gái trẻ và ác mộng 400 ngày bị bắt cóc sang Trung Quốc làm nô lệ 5
Thủy vẫn chơi đùa cùng cháu nhưng đằng sau nụ cười là những nỗi buồn chất chứa.

Từ đó, cuộc sống của một đứa trẻ 13 tuổi trước nay chỉ gói gọn với cây cầu Long Biên, với nỗi lo cơm áo gạo tiền và mùa nước nổi… giờ rẽ sang một bước ngoặt mới. Thủy kể, khi mở mắt ra, em đã ở một nơi lạ lẫm, bốn bề xung quanh là đàn ông, đàn bà nằm ngồi la liệt, có những người to lớn, dữ tợn cầm roi, cầm gậy như kiểu cai tù, nói xì xồ thứ tiếng lạ tai. Một số người mà Thủy đoán cũng bị bắt cóc như em, là người Việt Nam. 

Người ta phân loại các “tù nhân”, những cô gái, phụ nữ bị bắt đi một khu vực khác, còn những người đàn ông khỏe mạnh hoặc trẻ con sẽ ở tại chỗ. Đó là một khu hầm được đào xuyên qua một quả đồi lớn. Sáng sáng, các “cai” lùa người lên đồi trồng sắn, cao su, mía, khuân vác nông sản; tối lại lùa tất cả vào hầm, lúc nào cũng có lính canh. Đàn ông đàn bà bị nhồi ken đặc trong hầm, chỉ được ăn chút ít cầm hơi. Có những người kiệt sức, không làm đủ việc, bị các “cai” đánh đập tàn nhẫn, dọa cắt gân chân, xẻo thịt…  “Có những người bị đánh đến mức thành ngớ ngẩn. Em cũng thỉnh thoảng bị đánh. Nặng nhất là lần em chạy trốn, bị lính gác túm được, em bị một trận nhừ tử, tưởng chết luôn rồi…” – Thủy kể. Hỏi Thủy có bị bọn “cai” và những người đàn ông khác xâm hại không, em ngoảnh mặt đi không trả lời.

Hành trình hơn 400 ngày tìm về nhà

Mẹ và anh chị Thủy tiếp nối câu chuyện của em. 6 tháng sau khi bị bắt cóc, sau hai lần chạy trốn, Thủy thoát khỏi khu đồi. Trong đêm, em cứ chạy mãi, cho đến khi mệt lả thì vào nhà một người Việt Nam tên Hồng. Cô Hồng cho em mượn điện thoại gọi về Việt Nam thông báo cho gia đình, còn hứa với anh trai Thủy (công tác tại Lào Cai) sẽ giúp em qua biên giới, trở về nhà. Cô Hồng lại gọi điện thoại cho một ai đó ở Trung Quốc. Thủy hiểu được tiếng nên biết Hồng định bán mình cho một ổ mại dâm. Nghe vậy, em vội vàng trốn tiếp, cho đến sáng thì kiệt sức, nằm gục trước thềm một ngôi nhà.

Cô gái trẻ và ác mộng 400 ngày bị bắt cóc sang Trung Quốc làm nô lệ 6
Bức tranh thêu này có lẽ là ký ức đẹp nhất Thủy đem về từ xứ người.

Ông chủ nhà trung tuổi phát hiện cô bé, đưa vào nhà chăm sóc. Vợ ông ta là một người phụ nữ trẻ người Việt. Thủy kể, trong nhà cũng có hai cô bé Việt Nam sàn sàn tuổi Thủy, được ông chủ mua về. Ba cô bé được giao nhiệm vụ bán quần áo. Thủy kể, em được ông chủ phát lương hàng tháng, được ông đưa đi siêu thị, đi nghỉ mát… Có điều, đến tối, ông chốt cửa hai lần khóa, bảo rằng sợ công an phát hiện ra, Thủy sẽ bị bắt. Có lần, Thủy bị bắt thật. Ông chủ lại mang tiền đến chuộc về.

Ở nhà ông chủ được 6 tháng, Thủy lấy cớ nhớ nhà, xin về Việt Nam. Ông chủ đưa em ra bến xe, mua sẵn đồ ăn, cho em thêm ít tiền nữa.  Sau hơn một tháng ròng rã, qua rất nhiều lần đổi xe, Thủy về được đến Hà Khẩu, Lào Cai.

Một trong hai cô gái Thủy gặp ở nhà ông chủ Trung Quốc cũng đã trở về. Đó là Tuyết. Tuyết hơn Thủy hai tuổi, quê ở Việt Trì. Tuyết bị một người cùng làng lừa bán sang Trung Quốc và lưu lạc ở xứ người hơn hai năm. Trước khi được “ông chủ” mua về, Tuyết đã bị bán nhiều lần, qua nhiều nhà “phức tạp”, nhiều lần bị đánh đập, bạo hành dã man, bị làm nhục, đã vài lần em tự tử hụt…

Cô gái trẻ và ác mộng 400 ngày bị bắt cóc sang Trung Quốc làm nô lệ 7
Tuyết không còn gia đình, không còn quê hương, nương tựa vào gia đình Thủy.

Khi trôi dạt được đến nhà ông chủ bán quần áo, sống ở đó một thời gian, có được chút ít tiền, Tuyết xin ông giúp đỡ về Việt Nam thăm nhà. (Tuyết về trước Thủy một thời gian). Tìm về Việt Trì, ngôi nhà cũ đã đổi chủ, cả gia đình đã chuyển đi đâu không rõ, chỉ nghe hàng xóm nói là mẹ em đã lấy chồng khác. Bỗng chốc lại trở thành bơ vơ, Tuyết lang thang ít lâu rồi tìm đến gia đình Thủy nương tựa. Em đang tá túc ở nhà Thủy chờ tìm việc, tìm cơ hội làm lại cuộc đời ở bãi nổi sông Hồng này. Theo lời chị Minh (mẹ Thủy), Tuyết có vẻ “không bình thường”, hơi ngơ ngẩn. “Chắc là con bé bị đánh nhiều quá thành ra thế, tội nghiệp!”.

Cô gái trẻ và ác mộng 400 ngày bị bắt cóc sang Trung Quốc làm nô lệ 8
Thủy (sau) và Tuyết (trước) thân nhau như chị em

Nỗi đau của người mẹ: “Đã có lúc không còn hy vọng tìm được con”

Với chị Minh, việc Thủy mất tích vẫn là một cú sốc lớn. Chị khóc: “Hồi ấy gia đình nghèo quá, không cho Thủy đi học được, nhưng ở lớp tình thương, các cô giáo đều khen Thủy thông minh, học giỏi.” Năm 2007, Thủy còn tham gia một dự án phim tài liệu về bãi nổi sông Hồng. Bộ phim ấy đã được dự Liên hoan phim quốc tế người Việt ở Mỹ. Đáng lẽ, em đã có cơ hội sang Mỹ dự lễ trao giải, nếu có đầy đủ giấy tờ …

Chị bảo, không bao giờ quên nổi cái ngày ấy. Chị ở nhà chờ mãi mà không thấy con về. Cả gia đình tất tưởi lên lớp học tình thương tìm, báo công an, đem ảnh em Thủy đi dán khắp nơi. Được một tháng sau, có người gọi điện vào máy của chú Thủy, bảo gia đình mang 10 triệu đến công viên Thủ Lệ để chuộc con. Chị Minh chạy vạy cả xóm nổi, cả tiền của họ hàng dồn vào được vài triệu. Họ bàn nhau mấy người kéo đến định “đánh úp”, nhưng đợi mãi ở công viên không thấy ai xuất hiện. Được ít lâu, lại có người gọi điện báo xuống Nam Định chuộc người, cả nhà lại mang tiền chuộc xuống nhưng vẫn bặt vô âm tín. 

Cô gái trẻ và ác mộng 400 ngày bị bắt cóc sang Trung Quốc làm nô lệ 9
Chị Minh vẫn chưa hết lo âu, dù con đã trở về.

Đến lúc này, chị Minh đã tắt hy vọng. “Đang nằm bế cháu, nghĩ đến giọng, tưởng nhớ đến hình dáng con Thủy là tôi lại khóc. Ở xóm này cũng có nhà bị bắt cóc con, 8 năm rồi vẫn không nghe tin tức gì. Tôi đã nghĩ rằng sẽ mất con vĩnh viễn. Đạp xe đi nhặt đồng nát, ngơ ngẩn thế nào mà ngã lăn ra, chùn cả hai đốt xương sống”. Cho đến khi nhận được cuộc điện thoại Thủy báo đã trốn được, chị mừng rơn, nhưng nỗi lo cũng ập đến vì “chú nó bảo nhiều người bị bắt cóc sang bên đó, khi về đến nhà, chẳng biết bị tiêm thuốc hay bị đánh nhiều quá mà thành hâm hâm”. 

Cô gái trẻ và ác mộng 400 ngày bị bắt cóc sang Trung Quốc làm nô lệ 10
Những thay đổi trong tính cách của con gái mách bảo chị, ở Trung Quốc, Thủy đã gặp những chuyện không hay ...

Tháng 12 năm đó, Thủy gọi điện về báo với nhà đã trốn được. Từ đó, đều đặn mỗi tháng một lần, em gửi 4 - 5 triệu về nhà. Chị  Minh bảo, Thủy gửi về tổng cộng 75 triệu, sửa nhà và trả nợ hết hơn mười mấy triệu. Ngày về nhà, Thủy mua quà cho cả gia đình, mua quần áo cho các cháu, mua dây chuyền cho mẹ và chị. Trong thâm tâm, người mẹ vẫn đầy âu lo: “Chắc Thủy nó giấu, không nói cho tôi biết chuyện thật ở bên đó, vì nếu chỉ bán quần áo, sao mà nó kiếm được nhiều tiền thế? Là người mẹ, là đàn bà, tôi biết, còn nhiều uẩn khúc lắm. Xem cách nó đi đứng, sinh hoạt cá nhân, cách nói năng, cách ngủ, tôi cảm nhận được nó đã gặp những chuyện không hay, nhưng gạn hỏi thế nào nó cũng không nói”.

Chị tiếp: “Về nhà, nó vẫn ngủ gối đầu tay mẹ như hồi bé, nhưng tính cách lạ lắm, thay đổi hẳn. Suốt một năm nó gần như không ra khỏi nhà, xa lánh mọi người, nói thến nào thì nói cũng không đến chơi với ai, TV cũng không xem, cứ như mặc cảm ấy. Hễ có người lạ đến nhà là nó lẩn đi. Đến giờ con bé đã bình tĩnh lại, đã sang nhà hàng xóm xem nhờ TV, thỉnh thoảng cũng đi chơi điện tử, đi chat. Còn chuyện yêu đương, nó kể ở bên ấy có “thằng đầu lợn” mê mệt nó, thường xuyên cho tiền, mua điện thoại cho, cũng có khi đưa điện thoại cho nó gọi về nhà. Có lần anh ta xin ông chủ đưa nó đi chơi xa, đánh cả ô tô đến đón, vài ngày mới về… Anh ta còn hẹn, sau này nó quay lại Trung Quốc sẽ cưới làm vợ nữa. Nhưng từ ngày về, nó chẳng có bạn bè mấy. Hỏi thì nó bảo không thích yêu ai, yêu thằng nào chỉ vài ngày là chán”.

Thở dài, chị Minh bảo, gia đình cũng xác định, Thủy còn sống về đến nhà là may rồi. Lâu rồi chị cũng né, không muốn nhắc đến thời gian ở Trung Quốc. Có những lúc hờn dỗi, Thủy lại đòi bỏ sang Trung Quốc, chị lại dỗ ngon dỗ ngọt, xin con đừng đi. Chị đã nhờ người quen xin cho Thủy chân bán hàng ở chợ Đồng Xuân, nhưng vẫn chưa yên tâm, vì “đời nó còn dài, mà cuộc sống thì bấp bênh…”

Cô gái trẻ và ác mộng 400 ngày bị bắt cóc sang Trung Quốc làm nô lệ 11
Cuộc sống của các em liệu có như những ngôi nhà thuyền nổi trôi này?

Chia tay ngôi nhà lênh đênh trên xóm nổi, mới vào hè đã đầy những ruồi muỗi, chúng tôi không khỏi ám ảnh bởi ánh nhìn xa xăm của Thủy, bởi nụ cười ngây ngô của Tuyết. Chẳng biết tương lai của các em sẽ ra sao, dầu đã trải qua những biến cố nơi xứ người, các em trở về với xóm nổi, không bằng cấp, không kiến thức, không nền tảng vững chắc để vào đời…

* Tên nhân vật đã được thay đổi

Chia sẻ