Đêm tân hôn 6 người và sự cố "nửa đời không quên được xấu hổ" của bố mẹ tôi hồi mới cưới

Tưởng Ký,
Chia sẻ

Đêm tân hôn đáng lẽ chỉ dành cho 2 người, ấy vậy mà chuyện 12 con mắt nhìn nhau cũng không phải chuyện hiếm.

Bố mẹ tôi ngày ấy yêu nhau 4 năm trời mới dám kết hôn. Không phải không tính đến hôn nhân mà là không dám tính đến: nhà thì không có, không tài sản, chỉ có hai bàn tay trắng của hai vợ chồng. Dùng dằng mãi rồi cũng cưới, lúc đó bố mẹ tôi vẫn phải sống cùng ông bà nội trong khu tập thể cũ. "Với bố mẹ, đêm đó vẫn là một đêm nhớ đời". 

Một chiếc ri đô làm nên một “căn phòng cưới”

Trước khi cưới, mẹ tôi đã được bố dẫn về vài lần để thăm gia đình. Nhìn cảnh nhà tập thể vọn vẹn 9 mét vuông mà hai anh con trai, một chị con gái, hai bố mẹ giờ lại thêm cô con dâu về, sau này có cháu nữa thì biết sống sao? Mẹ tôi cũng ngần ngại, nhưng nghĩ cả xã hội người ta sống được thì mình cũng sống được. Hơn nữa bố tôi lại sắp được vào biên chế, vào biên chế thì có khả năng có nhà tập thể, thế là mẹ tôi tặc lưỡi gật đầu.

Đêm tân hôn 6 người và sự cố nửa đời không quên được xấu hổ của bố mẹ tôi hồi mới cưới - Ảnh 1.

Khu nhà tập thể xây theo kiểu Xô Viết ở Hải Phòng (Ảnh: Philip Jones Griffiths).

Cưới mẹ về, bố tôi dẫn mẹ ra chỗ gần góc bếp. Nhà 4 góc, bà nội nằm với bác gái, bố nằm với chú tôi, một góc thì đã làm bếp rồi nên tất nhiên chỗ còn lại dành cho đôi vợ chồng trẻ. Mang tiếng là phòng cưới mà chỉ có một chiếc ri đô mỏng manh, không có giường, chỉ có một manh chiếu và mảnh chăn con công, nói thầm cũng nghe thấy chứ chưa nói gì đến những động chạm tế nhị. Trời còn chưa tối, cả nhà đã tắt đèn đi ngủ nhưng thật ra là chẳng ai dám ngủ, ai cũng để ý đến đôi vợ chồng son thành ra cứ trằn trọc, thấp thỏm. 

Đêm tân hôn 6 người và sự cố nửa đời không quên được xấu hổ của bố mẹ tôi hồi mới cưới - Ảnh 2.

Bò thả rông bên bờ hồ Giảng Võ, đằng sau khu tập thể Giảng Võ (Ảnh: David Alan Harvey).

Đến nửa đêm, bố tôi mới khều khều mẹ thì hỡi ôi, cái máy bơm tự chế đặt ở góc bếp dở quẻ, nó rú lên như khan nước rồi phát ra tiếng rè rè rè, ống nước bị tuột ra khỏi cái đầu bơm và rỉ hết ra sàn nhà, thấm vào chăn gối. Nhà bà nội thì ai cũng từng trải qua cả nên bình tĩnh người xô người chậu người giẻ, riêng mẹ tôi lần đầu nên đâm hoảng, đứng trơ như phỗng rồi cuống quýt xin lỗi mấy tiếng đằng hắng của nhà hàng xóm. Cuộc dọn dẹp diễn ra trong im lặng và rón rén, chú rể thì mệt, cô dâu thì ức, hai người đành ngồi nhìn nhau đến sáng mà không thể làm gì.

Đêm tân hôn 3 người 

Một thời gian sau bố tôi được cơ quan cấp nhà tập thể. Nói là cái nhà nhưng chỉ có 6.5 mét vuông, đã thế lại phải chung với chú Định, chú chuyển từ trong Huế ra không có lấy một xu nên cơ quan cho ở ghép. Dẫu vô lý cũng vẫn phải chấp nhận, vì dù sao sống chung với 1 người vẫn hơn với 4 người.

Đêm tân hôn 6 người và sự cố nửa đời không quên được xấu hổ của bố mẹ tôi hồi mới cưới - Ảnh 3.

Chiếc ri đô, manh chiếu cói, chiếc quạt con cóc đi vào huyền thoại của tất cả các cặp vợ chồng (Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn).

Nhà mới, cũng coi như là tân hôn chính thức vì trước đó bố mẹ tôi toàn phải "kiêng". Nhà thì chật, giường cũng chật. Chú Định cũng biết ý uống rượu say bét nhè để ngủ cho sâu, còn chủ động nằm đất không ý kiến ý cò gì hết. Ấy thế mà chuyện vẫn không thành.

Cái giường được ông bà trẻ nhà tôi tặng lại cho bố mẹ, thành ra tuổi đời cũng lão thành cách mạng. Sức cái giường già không lại nổi hai vợ chồng son, đang đến đoạn cao trào thì nó giận dỗi két két hai tiếng rồi khựng lại, đánh rầm một cái, bụi mọt lửng lơ trong không trung, vương lên mặt hai tội đồ đang đỏ bừng lên vì xấu hổ.

Đêm tân hôn 6 người và sự cố nửa đời không quên được xấu hổ của bố mẹ tôi hồi mới cưới - Ảnh 4.

Giường gỗ, chăn con công, dép cao su, hòm gỗ và chiếc bình phong của một phòng tân hôn đủ đầy (Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn).

Hôm sau, chú Định chỉ ý nhị cùng bố tôi đi kiếm gỗ đóng lại cái chân giường mà không tra hỏi một câu nào. Bố mẹ tôi đến giờ vẫn nhớ cái tính hiền như bụt của chú, đấy là chú giữ thể diện cho chứ như người ta là cả khu tập thể được mẻ kể 10 năm không hết chuyện rồi.

Đêm tân hôn... nhà vệ sinh

Mẹ tôi bảo được ở trong nhà tập thể đã là hạnh phúc, chứ như bá Loan (con bà trẻ nhà tôi) thì còn phải qua đêm ở chuồng cọp - phần cơi nới của nhà tập thể. Tính mẹ chồng bá thì năng nhặt chặt bị, cứ tấm tôn tấm bạt nào giữ được là để dành cơi nới. Thành ra cái phòng cưới y hệt cái hộp kín như bưng, kín nhưng toàn vật liệu mỏng nên thấm nước. Nước rỏ từ bếp, chậu, xô thùng tích nước của nhà trên xuống chỗ mình nằm cũng ráng chịu. 

Đêm tân hôn 6 người và sự cố nửa đời không quên được xấu hổ của bố mẹ tôi hồi mới cưới - Ảnh 5.

Một chuồng cọp điển hình của nhà tập thể xưa (Ảnh: Internet).

Bá thở dài: "Trở mình còn không dám chứ nói gì đến xơ múi. Hôm cưới, bá với chồng ăn uống linh tinh, vừa nằm xuống được 5 phút thì hai vợ chồng thay nhau ôm bụng ra nhà vệ sinh cố thủ. Nhà tập thể làm gì có nhà vệ sinh riêng, nhà vệ sinh của khu thì cha chung không ai khóc, mùi khai, mùi chất thải nồng nặc, không đèn, chỉ toàn ruồi với nhặng. Hết được cơn đau thì chẳng ai còn hứng thú mà tân hôn nữa".

Đúng là không sống ở thời đó thì những câu chuyện thật này chẳng khác nào chuyện đùa. Nhưng bố mẹ, bác bá tôi thực sự đã trải qua, đã loay hoay, xoay sở với nó cả bằng niềm vui và nước mắt. So với con cháu, đêm tân hôn của họ cũng rất đặc biệt, chỉ có điều theo một nghĩa rất khác mà thôi!

*Bài viết lấy cảm hứng từ sách Ký ức thời bao cấp, NXB Thông Tấn

Giữa vòng quay bộn bề của cuộc sống, đôi khi khoảng cách thế hệ khiến bố mẹ và con cái xa nhau. Đã bao lâu rồi chúng ta chưa ngồi bên bố mẹ để tỉ tê về những chuyện xưa cũ, về những niềm vui và nỗi buồn đã qua?

Chuỗi bài viết Chuyện xưa kể lại đem đến một góc nhìn vừa quen vừa lạ về tình yêu, cuộc sống hôn nhân & gia đình những năm 70, 80 của thế kỷ trước – Thời của đói kém, khó khăn nhưng cũng không thiếu những nguồn vui!

Hãy chậm rãi tận hưởng những con chữ để thêm yêu và thấu hiểu những con người của một thời đã xa chị em nhé.

Chia sẻ