Đàn ông lấy vợ vì... phải cứu thế giới!

Theo Eva,
Chia sẻ

Đàn ông là phải dũng cảm, phải đương đầu với sợ hãi. Vậy nên đàn ông phải cưới vợ, để chứng tỏ mình là đàn ông.

Định viết cái này lâu rồi nhưng hôm nay mới có hứng viết. Chắc vì tối ngồi ăn nhậu bét nhè với các bạn trong phòng, bạn nào cũng ‘ăn chơi sâu’ nhưng kiểu gì tối cũng về (đóng thuế) với vợ nên mới có hứng.

Đàn ông nào, từ khi sinh ra, cũng đau đáu trong mình một (hoặc nhiều) trách nhiệm lớn lao và ước mơ cứu thế giới. Đàn ông khi trưởng thành lại càng đau đáu việc cứu thế giới hơn.

Mà đàn ông lại là loài sống thực tế. Rất thực tế. Nên đàn ông biết, muốn làm chuyện lớn thì phải bắt đầu từ chuyện nhỏ. Muốn cứu thế giới thì trước mắt phải cứu một người đàn ông khác, hay một gia đình, khỏi một quả bom lớn trong gia đình, tức là con gái. Đàn ông đa cảm, lại thương người, thương nhất là bố vợ, nên rất hiểu nỗi buồn của bố vợ khi con gái chưa chịu lấy chồng. Vậy nên người đàn ông đành lấy con gái của một ông bố vợ nào đấy để cứu ông ta nói riêng và gia đình ông ta nói chung.

Tất nhiên, cứu thế giới là việc khó. Vậy nên đàn ông thường mắc kẹt ngay ở bước đầu, nghĩa là cưới vợ. Sau khi lấy vợ anh ta lại loay hoay cứu bản thân mình...

Đàn ông cưới vợ vì đàn ông dũng cảm

Làm đàn ông là phải mang trên mình một ‘title’ rất khó chịu, đấy là phải dũng cảm. Khi đi mẫu giáo, “đàn ông” lại bị quát: “Nín khóc ngay! Con trai thì không được khóc”. 2, 3 tuổi, đàn ông đã phải đương đầu với cuộc sống, bị dạy là phải dũng cảm, phải không được khóc. Đã là đàn ông thì phải đương đầu với sợ hãi. Càng nhiều càng dũng cảm. Mà cuối cùng thì cái dũng cảm đấy khoe được với ai cơ chứ?

Trừ những lúc chiến tranh thiên tai hay bệnh dịch thì khoảnh khắc sợ hãi nhất của người đàn ông là đêm trước khi lấy vợ, hoặc là lúc chuẩn bị “Yes I do”, hoặc đại loại xung quanh thời điểm đấy. Cuộc sống có vợ là cả một nỗi ám ảnh lớn lao với đàn ông chưa vợ, và cả có vợ rồi. Nhưng đàn ông thì không được khóc. Đàn ông là phải dũng cảm, phải đương đầu với sợ hãi. Vậy nên đàn ông phải cưới vợ, để chứng tỏ mình là đàn ông.
 

Có một truyền thuyết, một giai thoại, mà tôi tin rất chắc là thật. Đó là chuyện khi trao nhẫn, bố vợ thường đứng sau người đàn ông, vỗ khẽ vai mà nói: “Dũng cảm lên con!”.  Lúc đó cả thế giới chỉ có 2 người đàn ông với nhau, là bố vợ và người đàn ông sắp lấy vợ. Cả 2 đều hiểu những gì đã và sẽ trải qua. Chẳng có khi nào mà đàn ông sát cánh bên nhau đến thế. Nếu không có bố vợ, có lẽ người đàn ông khi trao nhẫn đã vứt ngay nhẫn xuống rồi khóc nhè bỏ về nhà với mẹ rồi.

Nhưng bạn tôi lại nói tối nay, rằng tôi uống đi, chả có mấy lúc được thế đâu. Mà phải sợ gì chứ. Đến chụp ảnh cưới xong anh còn đi nhậu say đến đêm cơ mà?

Đàn ông thật bất hạnh vì không có quyền được khóc nhè và sợ hãi.

Đàn ông cưới vợ vì Nghĩa

Phần này xin nhường cho các bậc tiền bối.

Cổ Long từng nói: “Hôn nhân giống như nghĩa khí, biết là chuyện không đáng làm nhưng không thể không làm.”

Cái này có liên quan đến phần đầu.
 
Nguyễn Việt Hà cũng viết:

“Chữ ‘hôn’ trong ‘hôn nhân’ được viết giống như chữ ‘hoàng hôn’. Đây là hệ quả của tập tục cướp vợ trong thời kỳ quá độ. Để khẳng định vị thế nghênh ngang của mình, đàn ông hay hung hăng thích đi cướp. Và đã là cướp giật thì ai chả chọn lúc tranh tối tranh sáng. Tuy nhiên khổ một nỗi, giá đấy là vàng bạc, công danh là sự nhghiệp thì còn đỡ, đây hoàn toàn thuần chỉ là đàn bà, cái của ăn cướp được này chính là của bất hạnh. Đàn ông sau khi liều lĩnh khênh cái của đấy về nhà thì ân hận lắm. Thế nhưng vợ chứ có phải là dê, là bò đâu mà dễ dàng mặt dày mang sang trả? Đàn ông đành nghẹn ngào rưng rưng sống chung với lũ suốt cả đời còn lại.

Lễ cưới nào cũng đầy tốc độ, khách đến vội vã ăn, vội vã mừng, ngấm ngầm chia buồn với nhà trai, hân hoan chia vui với nhà gái, rồi hấp tấp xin phép cáo lui. Duy có bố mẹ cô dâu là tương đối thong thả, đi lại mang vẻ rầu rĩ nhưng sâu xa tự thấy sảng khoái thanh thản, bà cứ thấy ai ở nhà trai là chân thành lắp bắp cám ơn.

Không phải ngẫu nhiên mà tất cả đàn ông trong ngày cưới đều phảng phất có vẻ của kẻ trượng phu đại hiệp.”

Đàn ông cưới vợ vì đàn ông thích phiêu lưu

Đã là đàn ông, ai cũng thích đi đây đi đó, phiêu lưu mạo hiểm. Càng khó khăn nguy hiểm thì càng tò mò muốn nghịch thử. Bé thì thử đánh nhau ném gạch vào đầu, trèo cây đốt đuôi gà trêu lợn. Lớn thì thử cưới vợ.

Tất lẽ dĩ ngẫu là đàn ông không sống bình yên mãi được. Tối ngày chơi game lượn net rượu chè, phê pha đánh bạc, chơi cờ cũng vui thật đấy, nhưng nó không hồi hộp nguy hiểm. Vậy nên đàn ông đánh liều cưới vợ. Đây là chuyến mạo hiểm cuối cùng, sau đấy đàn ông chìm trong nỗi buồn mang mác.

Đàn bà có thể nói là, cưới được vợ là phúc 3 đời, là sướng như tiên, còn kêu ca gì nữa. Đàn bà cũng nói là, “hay ho gì cái cuộc sống ruôụ chè, mì gói chơi game lượn net tối ngày thế”? Có thật thế không? Chắc chắn là không rồi. Ta thường thấy đàn ông có vợ suốt ngày mơ và nghĩ và nhớ về những ngày xa xưa khi buổi trưa mì gói hay cơm bình dân, rồi hộc tốc làm việc tối đi nhậu đêm lượn net chơi game với bạn bè. Hay những đêm nhậu say vừa về nhà, vừa ông ổng hát vừa đá chai mặc hàng xóm chửi. Những ngày tiêu dao khoái lạc đó đáng quý biết bao nhiêu. Đàn ông sau khi chiêm nghiệm đủ điều lại nhớ về những ngày đó. Tuyệt không thấy đàn ông nào viết những lời văn hay áng thơ nào ca ngợi cuộc sống sau khi có vợ cả. Đàn ông từng trải đã nói như vậy, chẳng lẽ lại sai sao?

Cái vui,cái sướng, cái khoái lạc của những tháng ngày trai trẻ, chỉ có đàn ông mới hiểu. Đàn ông lấy vợ vì nhiều lý do nữa, như sức ép gia đình và xã hội (mặc dù rất muốn ăn trưa, ăn tối với người đàn ông khác), vì thương bố mẹ, vì muốn có thằng cu để dạy nó uống bia, vì chiều phụ nữ (đến 1 độ tuổi nhất định nào đó là phụ nữ nhất loạt đòi cưới, ga lăng như đàn ông chẳng lẽ lại không chiều?). Vì hy sinh thân mình để đàn bà sống thọ. Nhưng tóm lại đàn ông là những người trượng nghĩa, đầy trách nhiệm, đáng kính trọng.

Mặc dù đúng là như anh D. nào đó từng nói: anh ấy thèm vào lấy vợ, nhưng cuối cùng cũng phải lấy thôi. Tất cả vì cứu thế giới.
Chia sẻ