Cô gái trẻ rơi vào tình trạng "ngàn cân treo sợi tóc" vì di chứng nặng nề từ bệnh lao

Tùng Anh,
Chia sẻ

Chị Chài có tiền sử mắc lao phổi cách đây 2 năm, mặc dù đã được điều trị đúng công thức, phác đồ và khỏi bệnh, nhưng những di chứng do lao để lại vẫn còn rất nặng nề.

Tại Bệnh viện Phổi Trung ương, nữ bệnh nhân Lò Thị Chài (25 tuổi, người dân tộc Thái, tỉnh Nghệ An) nhập viện trong tình trạng suy hô hấp kèm những di chứng do lao nặng nề. Với hy vọng sống chỉ còn 1/1000, cô đã được cứu sống kỳ diệu sau nhiều lần phẫu thuật phức tạp nhờ sự phối hợp chặt chẽ của các bác sĩ Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện E và Bệnh viện Việt Đức.

Chị Chài có tiền sử mắc lao phổi cách đây 2 năm, mặc dù đã được điều trị đúng công thức, phác đồ và khỏi bệnh, nhưng những di chứng do lao để lại vẫn còn rất nặng nề.

Điều này một lần nữa đe dọa tính mạng của cô gái trẻ khi toàn bộ lá phổi phải mất hoàn toàn chức năng, khí quản, phế quản bị chít hẹp, biến dạng, cong gập dẫn đến chức năng thông khí kém gây ra tình trạng suy hô hấp, chất lượng cuộc sống suy giảm nghiêm trọng cùng với rất nhiều nguy cơ có thể xảy ra.

Cô gái trẻ rơi tình trạng "ngàn cân treo sợi tóc" vì di chứng nặng nề từ bệnh lao - Ảnh 1.

Chị Chài có tiền sử mắc lao phổi cách đây 2 năm, mặc dù đã được điều trị đúng công thức, phác đồ và khỏi bệnh, nhưng những di chứng do lao để lại vẫn còn rất nặng nề.

Ngày 21/5, Bệnh viện Phổi Trung ương phối hợp với Bệnh viện E quyết định phẫu thuật sử dụng kỹ thuật tim phổi máy, một trong những phương pháp hiện đại nhất hiện nay, để tạo hình lại phế quản gốc bên phải với mong muốn lá phổi bên phải được thông khí trở lại, trở về đúng vị trí giải phẫu.

Tuy nhiên, do thời gian tổn thương quá lâu, các hệ thống khó có thể phục hồi nên phương án tối ưu nhất được lựa chọn là cắt phổi phải. Bộ phận này đã mất hoàn toàn chức năng và còn có thể có những mầm bệnh dễ bùng phát khi cơ thể giảm miễn dịch.

Sự phức tạp trong quá trình cứu sống bệnh nhân Chài được đẩy lên mức cao hơn khi yêu cầu đặt ra là làm sao giải quyết được mục đích thông khí, sự biến dạng của khí, phế quản. Đây là vấn đề mà việc cắt phổi phải chưa giải quyết được.

Một giải pháp tiếp theo được các bác sĩ đó là đặt stent vào sâu trong phế quản gốc, giúp định hình và nong đường khí, phế quản rộng hơn cho bệnh nhân.

Con đường đã có nhưng đi thực tế mới thấy nó không hề dễ dàng, ống stent thông thường bằng silicon được sử dụng phổ biến trong việc điều trị hẹp khí quản và phế quản gốc lại không phù hợp với trường hợp của Chài do việc đặt stent bằng chất liệu này khi đẩy xuống phế quản được thì bản thân nó cũng bị gập và tạo gây ra chít hẹp ngay tại đó. Phương pháp này chỉ mang tính tạm thời và chưa thực sự triệt để.

Bác sĩ Nguyễn Viết Nghĩa, Phó khoa Gây mê Hồi sức, chia sẻ: "Có những thời điểm, cô gái ở tình trạng 'ngàn cân treo sợi tóc' do lượng oxy nhận vào chỉ ở mức 50 ml, trong khi người bình thường là 500ml trong một lần hít thở. Tuy nhiên, nỗ lực giành sự sống cho cô gái không dừng lại, trong lúc khó khăn nhất, dù chỉ còn 1/1000 hy vọng, bác sĩ cũng không được phép bỏ cuộc".

Theo đó, ê-kíp đã phối hợp với các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức để tìm một giải pháp đột phá, chưa từng được áp dụng. Đó là sử dụng hệ thống stent kim loại dạng lưới sắt với giá đỡ tốt hơn.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao Quốc gia, người trực tiếp chỉ đạo và điều hành ca bệnh này, cho biết: "Trước đây, 100% ca bệnh như thế này không thể cứu được, hiện nay, với việc áp dụng phương pháp hiện đại, nhiều ca bệnh khó đã được cứu sống và ca bệnh của Chài là một trường hợp điển hình".

Hiện nay, sau 2 lần phẫu thuật sử dụng kỹ thuật tim phổi máy, 6 lần can thiệp đặt ống stent, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân Chài đã ổn định, có thể thở tốt hơn, đi lại và ăn uống được.

Đặc biệt, chi phí phẫu thuật được Qũy Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao đồng chi trả toàn bộ cùng với Bảo hiểm Y tế.

Theo PGS Nhung, qua ca bệnh này, một lần nữa cho thấy việc thanh toán bệnh lao là hết sức cần thiết, không chỉ thể hiện ở việc phát hiện sớm, điều trị khỏi vi khuẩn mà còn phải quan tâm đến việc giải quyết những rối loạn sau quá trình bị lao đã khỏi.

Chia sẻ