Chồng “lờ đờ” có cũng như không!

Phan Phan,
Chia sẻ

Không ít lần, vì tức chồng cứ ngồi im lìm như hạt thóc, Thanh bực mình buông cả tràng dài ngôn ngữ “chợ búa” nhằm kéo “hồn” của chồng tỉnh lại thế nhưng nỗ lực của Thanh bất thành vì cố gắng đột biến của Thanh cùng lắm chỉ làm cho chồng chị cười nhếch mép.

“Nhiều lúc mình tự hỏi không liệu người đàn ông mình đang chung sống có phải là chồng mình không. Đành rằng vợ chồng có lúc nọ, lúc kia hoặc ghét bỏ hẳn đi cho rồi, đăng này cứ như người dưng, việc vợ, vợ làm, cấm bao giờ thấy anh ấy ngó nghiêng hay đả động đến”, chị Mai (32 tuổi) chia sẻ về người chồng hờ hững, lạnh lùng của mình.

Chị Mai cho biết, dù hai vợ chồng mặt đối mặt, chị chăm chú say sưa nói chuyện với chồng thì chồng bỗng quay ngang, bật to tiếng tivi rồi ngáp dài cứ như không có sự hiện diện của vợ vậy. Đó là những khi có hai vợ chồng anh còn hờ hững vậy, chứ khi ngồi giữa đám bạn nhộn nhạo thì anh khiến chị càng thêm tủi phận:“Điên nhất là lúc anh ấy ngồi với đám bạn, dường như trong mắt anh ấy không có luôn người vợ như tôi thì phải”, chị Mai nói. Trong khi thấy bạn bè của anh thì nói về vợ, khoe vợ như một niềm tự hào, hãnh diện thì chồng mình lúc nào mắt cũng chỉ lờ đờ lướt qua một thứ đồ vật vô giá trị khiến chị Mai có cảm giác không được chồng tôn trọng, chứ đừng nói gì là thương yêu.

“Lúc yêu nhau, anh ấy cũng cứ lầm lầm, lì lì như thế, mình nghĩ do anh ấy ít va chạm nên tính cách hiền lành. Phụ nữ thì còn gì đáng vui hơn là lấy được người chồng hiền, thương vợ. Nhưng đến khi lấy nhau rồi mới thấy ngán ngẩm cái tính lờ đờ của anh ấy. Nhiều lúc, hai vợ chồng đi đám cưới, tiệc tùng, hội họp bạn bè cũ, anh ấy cứ như người bị khóa miệng, cạy răng cũng không nói một lời nào rồi thơ thơ thẩn thẩn...”, chị Mai buồn rầu kể.

Cũng đã không ít lần chị Mai cố gắng nhẹ nhàng, dịu giọng để thuyết phục chồng cải thiện cái bản tính “ẩm ương” nhưng lần nào chị đưa ra ý kiến là y như rằng anh phẩy tay cho rằng, chị Mai là đồ “đàn bà lắm chuyện, nói thì bảo nói lắm mà không nói thì cũng ý kiến”, chị Mai đàng bó tay, ngậm ngùi “không thèm” khuyên bảo, đào tạo gì nữa, coi như “sống chung với lũ”...

Cùng tâm trạng với chị Mai, chị Thanh (28 tuổi) ở Vương Thừa Vũ – Hà Nội kể: “Mình lấy chồng hơn mình mười lăm tuổi. Do mai mối, hơn thế mình cứ mải miết cắm đầu vào học rồi lại công việc nên khi gặp chồng, trông dáng vẻ cũng hiền lành, nên mình tặc lưỡi... lấy cho xong nghĩa vụ. Cũng nghĩ ưng nhau, lấy nhau về rồi vừa yêu vừa tìm hiểu là ổn hết. Thế nhưng cái tính hiền lành thái quá đến mức lù đù của chồng khiến mình phát ốm”.
 

Theo lời chị Thanh kể thì mỗi khi chị gặp vấn đề gì bức xúc, chưa tới mức “dầu sôi lửa bỏng” nhưng cần có sự chia sẻ của chồng thì anh cứ ngồi nghệt mặt ra, không phản ứng cũng chả tán thành. Không ít lần, vì tức chồng cứ ngồi im lìm như hạt thóc, Thanh bực mình buông cả tràng dài ngôn ngữ “chợ búa” nhằm kéo “hồn” của chồng tỉnh lại thế nhưng nỗ lực của Thanh bất thành vì cố gắng đột biến của Thanh cùng lắm chỉ làm cho chồng chị cười nhếch mép. Có dạo bực chuyện bên ngoài năm, về nhà còn lại năm phần thì cáu điên với ông chồng chả phải ghét bỏ vợ nhưng thái độ lại vô cùng lãnh đạm.  

“Lúc chưa cưới thì mừng rơn vì lấy được anh chồng hiền, nhưng đến nước này thì chỉ ước thà lấy được ông chồng ngoa ngôn, thi thoảng vũ phu tát cho mình một cái để có cơ hội tranh cãi, rồi bỏ đi, rồi làm nũng. Đằng này, chồng mình, đá không ra đá, sỏi, bún cũng không phải, mọi mặt đều đạt, chỉ riêng mỗi cái tật thấy vợ như thấy người dưng khiến mình chán nản”, chị Thanh cho biết.

Cũng là một trường hợp tương tự, chị Hạnh lắm phen “no bụng” giận, bỏ cơm vì cái thói “hến, băng” của chồng. Chị chia sẻ: “Chồng mình thuộc mẫu người đàn ông hến gọi bằng cụ, băng đá gọi bằng tổ tiên. Ai đời, vợ chồng sống chung một nhà mà hầu như chỉ mỗi mình là người độc thoại. Nói với anh ấy chuyện gì anh ấy cũng chỉ ừ ừ, à à cho xong. Không bao giờ bàn chuyện với vợ lấy một câu trọn vẹn”. Theo chị Hạnh, sống với chồng chị cuộc sống của chị không khác là mấy so với thời độc thân, có chăng chỉ thêm con và thêm một người đêm đêm nằm bên cạnh: “Vợ chồng người ta thì lúc nào cũng ngọt nhạt anh – em, đằng này vợ chồng mình cứ như hết chuyện hoặc không có chuyện gì để nói. Mà có nói thì cũng chỉ mình mở lời rồi khi nào hỏi anh ấy mới ậm ừ cho xong”.

Theo các chuyên gia tâm lý, khi gặp phải những người chồng coi “im lặng là vàng” thì bản thân người vợ phải biết cách gợi chuyện khéo léo, tác động để kéo chồng mình nhập cuộc vào câu chuyện mình đưa ra, lâu dần thành thói quen. Nếu người chồng có niềm đam mê với điều gì đó: bóng đá, phim, tivi... thì những người vợ cần biết cách khai thác câu chuyện xoay quanh các chủ đề mà người đàn ông thích bằng cách hỏi han những câu chuyện nho nhỏ. Đôi khi vì những lý do riêng mà người đàn ông im lặng bởi khó khăn trong công việc hoặc một nỗi buồn nào đó khó chia sẻ. Là người vợ, bạn hãy giúp chồng mình bằng cách tìm hiểu qua bạn bè, đồng nghiệp của chồng hoặc thủ thỉ tâm sự để chồng trò chuyện trút bỏ băn khoăn, lo lắng. Điều tối kỵ là đừng thấy chồng im lặng và dùng biện pháp “đáp trả” bằng cách gây chiến tranh lạnh. Nó sẽ gây rạn nứt, thậm chí là đổ vỡ hạnh phúc gia đình.

 

Chia sẻ