Chiến binh dừng bước ở tuổi 20: Sẽ chẳng có gì phải tiếc khi đã cố gắng sống tử tế, ý nghĩa và trọn vẹn từng phút giây

HH,
Chia sẻ

Đời người chỉ có một lần hai mươi, và mỗi người có một cách ứng xử với tuổi 20 của mình. Với Hạnh An, tuổi hai mươi là hành trình tìm sự sống… bất thành. Nhưng đó là 1 hành trình can đảm và lấp lánh tin yêu.

Hành trình không có chỗ cho sự sợ hãi, mệt mỏi, luôn ngẩng cao đầu bước đi

Ngày 2/11 vừa qua, Hạnh An đã dừng lại hành trình 2 năm chống chọi với căn bệnh ung thư máu dòng tủy cấp của mình. Cô dừng lại, sau ca ghép tủy lần ba. Vậy là, hành trình “không biết sẽ hết bao lâu, không biết sẽ tiêu hết bao nhiêu tiền” đã thực sự kết thúc.

Nhưng ngay cả lúc sửa soạn ra đi, Hạnh An vẫn nỗ lực viết dòng chữ nguệch ngoạc trên giấy động viên ngược lại cha mẹ: “Không sao đâu, không lo. CHIẾN ĐẤU!!!”.

Tử thần đã thất bại trước Hạnh An. Bởi ngài có thể lấy đi sinh mạng của cô gái trẻ, nhưng vĩnh viễn không khuất phục được tinh thần chiến binh của cô ấy. Lời tuyên bố “chiến đấu” trước giây phút chìm vào vô thức của Hạnh An là niềm an ủi cuối cùng của vợ chồng đạo diễn Đỗ Đức Thành, rằng con gái của họ, ngay thời khắc cận tử, vẫn không sợ hãi. Cô bé ấy đã chủ động đón đợi mọi kết quả, và đã “nói dối” một cách bình thản: “Con sẽ OK”.

Chiến binh dừng bước ở tuổi 20: Sẽ chẳng có gì phải tiếc khi đã cố gắng sống tử tế, ý nghĩa và trọn vẹn từng phút giây - Ảnh 1.

Ít giờ sau khi con gái ra đi, đạo diễn Đỗ Đức Thành thay bức ảnh đại diện trên trang cá nhân. Đó không phải chiếc avatar màu đen buồn thảm. Đó là một bầu trời xanh rời rợi, xanh như thiên đường, nơi mà anh tin rằng, Thiên thần của vợ chồng anh đã được Thượng đế đón về cư ngụ. “Con sẽ OK”, tất nhiên rồi, nơi mênh mang thăm thẳm vời vợi kia là nơi rất “OK”, đúng như anh nói, “không còn nỗi đau nào hành hạ con. Nơi đó tĩnh lặng, bình an nghe con cất tiếng hát. Nơi đó tháng ngày sẽ không đi, không đến, không vui, buồn, họa, phúc mà chỉ có an yên”.

Trong suốt 2 năm qua, kể từ ngày nhận “án tử” bằng căn bệnh ung thư thể hiếm gặp với tỷ lệ sống sót chỉ 10 - 20%, Hạnh An khóc đúng hai lần. Đó đều là hai lần quá đau đớn do hóa trị và phẫu thuật. Cô gái vừa tròn 18, tốt nghiệp một trường quốc tế, xinh đẹp, quyến rũ, hát hay, đàn giỏi, khả năng hội họa bẩm sinh, là thủ lĩnh của nhiều phong trào xã hội trong giới học sinh Hà Nội, có một gia đình êm ấm, 1 người cha nổi tiếng và hoàn hảo, bỗng dưng bỏ lửng cuộc đời trong dấu “ba chấm”. Đã có rất nhiều người không vượt qua được cú sốc trớ trêu ấy trong 1 tháng. Còn Hạnh An, tất cả những gì viên mãn mà cô may mắn có được trong 18 năm trước đó lại trở thành động lực, thành niềm tin mạnh mẽ để cô chọn đương đầu thay vì buông xuôi.

Chiến binh dừng bước ở tuổi 20: Sẽ chẳng có gì phải tiếc khi đã cố gắng sống tử tế, ý nghĩa và trọn vẹn từng phút giây - Ảnh 2.

Hạnh An nhanh chóng gạt ra ngoài câu hỏi “tại sao”, nhanh chóng dừng nỗi phẫn nộ với số mệnh, biến mình thành kẻ bận rộn với các suy nghĩ tích cực. Cô làm vlog, cô trang điểm, ăn mặc đẹp, lại đàn, lại hát, lại vẽ, lại khiêu vũ và tám chuyện hẹn hò, yêu đương như mọi cô gái 18 khác. Cô làm mọi việc để có cảm giác “bình thường”. 

Cái sự “bình thường” ấy không phải để dành riêng cho bản thân cô, mà còn dành cho người cha vĩ đại của cô, dành cho mẹ và hai em của cô. Mà đôi khi, chỉ mỗi việc cả nhà đang chờ cô về rửa bát cũng là một lý do chân chính để Hạnh An tiếp tục những tháng ngày đau đớn trong vui vẻ.

Trong hành trình của mình, Hạnh An và cha Đỗ Đức Thành đã liên tục tiếp sức cho nhau. Đỗ Đức Thành nói Hạnh An kiên cường, vững vàng hơn cả bố. Còn Hạnh An thì viết: “Cha tôi vẫn vậy, dù muôn vàn khó khăn, ông vẫn mạnh mẽ, luôn nắm chặt tay tôi và cười thật tươi”. Hai cha con họ thống nhất với nhau rằng: “Nhất định phải yêu sinh mạng của mình cho đến giây cuối cùng, dù chỉ có một tia hy vọng nhỏ nhoi thì cũng phải nắm lấy”.

Cả hai cha con, cả gia đình 5 thành viên, cả cộng đồng những người yêu thương Hạnh An đã cùng mạnh mẽ, cùng chiến đấu, cùng đưa tay nắm lấy từng tia hy vọng nhỏ nhoi mỏng manh nhất. Để khi Hạnh An ra đi, họ có thể mỉm cười cho nước mắt rơi, rằng chúng ta đã thực sự cố gắng rồi. Và hai năm qua của Hạnh An là hai năm thực sự đáng sống, với biết bao yêu thương vỗ về.

“Nếu hôm nay không tốt hơn, ngày mai nhất định sẽ tốt”

“Nếu khó quá, cho cha mẹ khóc một tý nhé”, Đỗ Đức Thành nhắn nhủ với con gái ở thiên đường. Nỗi đau mất con nào cũng xót buốt như nhau, dù mạnh mẽ hay yếu đuối. Nhưng có lẽ, với vợ chồng anh, nỗi đau ấy còn đi cùng một niềm an ủi, rằng Hạnh An đã có tuổi 20 trọn vẹn, rực rỡ, lấp lánh tin yêu và đam mê bất chấp nó diễn ra phần lớn trên chiếc giường bệnh viện với kim truyền, hóa chất, thuốc mê và dao mổ.

Không phải ai cũng may mắn có được một cô con gái như Hạnh An. Và không phải cô gái 20 nào cũng may mắn có được người cha người mẹ như cha mẹ của Hạnh An. Song, xét cho cùng, bên cạnh sự may mắn là phước phận của cuộc đời, đó còn là một sự lựa chọn của cả gia đình đạo diễn Đỗ Đức Thành: Chọn nụ cười thay cho nước mắt, chọn biết ơn thay cho trách móc, chọn ngày mai thay vì dừng lại ở hôm qua.

“Nếu hôm nay không tốt hơn, ngày mai nhất định sẽ tốt”, Hạnh An đã nói với cha như thế sau khi trải qua một ca mổ phức tạp cấp cứu cánh tay bị nhiễm trùng hoại tử. Người đàn ông cứng cỏi là anh trong lúc gần như suy sụp, bỗng dưng được hồi sức nhờ câu nói ấy của con gái nhỏ. Ngày mai nhất định sẽ tốt, nếu như không tốt thì ngày sau nữa sẽ tốt. Đó không phải là sự lạc quan tếu của Hạnh An.

Chiến binh dừng bước ở tuổi 20: Sẽ chẳng có gì phải tiếc khi đã cố gắng sống tử tế, ý nghĩa và trọn vẹn từng phút giây - Ảnh 3.

Sống vốn dĩ là một trải nghiệm. Có thể đúng, có thể sai và hoàn toàn có thể làm lại. Sống tức là có “ngày mai”. Dù bao nhiêu cơ hội đã đóng lại với ta, thì vẫn còn một cơ hội khác, đó chính là ngày mai. Trừ khi chính ta tự tay cướp đi cơ hội đó của chính mình.

Hạnh An, ở tuổi 18, trân quý từng “ngày mai” của mình, biến “ngày mai” thành một “hôm nay” sống động và một “hôm qua” ý nghĩa. Cô tận dụng chắt chiu từng “ngày mai”, bởi chính cô biết rõ quỹ “ngày mai” của cô ít ỏi hơn người khác. 

Cách Hạnh An sống khiến nhiều người phải đặt câu hỏi cho chính mình: Có lẽ nào ta đang tiêu xài hoang phí ngày mai của mình không? Những “ngày mai” bị tiêu pha không định lượng, không mục đích, không ý nghĩa, không nhu cầu sửa chữa hay hoàn thiện. Những ngày mai bị kéo ngược về quá khứ, sống lùi thời gian, chìm đắm trong những dằn vặt và hắt hủi chính mình. Cứ thế, chúng ta nguầy nguậy lắc đầu từ chối bản thân. 

Ngày mai thì vẫn cần mẫn chìa tay kéo chúng ta tiến lên phía trước, chúng ta thì vẫn im lìm khóa cửa nằm miên man trong ngày hôm qua. Và không ít chúng ta đã chọn cách đưa tài khoản “ngày mai” về số dư “0”.

Lựa chọn thế nào đi chăng nữa, đó là quyền của mỗi người. Nhưng giá như, một lần nào đó, ta đủ tỉnh táo để nhận ra rằng: “Nếu hôm nay không tốt hơn, ngày mai nhất định sẽ tốt”. Bởi, cái gì cũng sẽ qua đi thôi, kể cả những niềm đau.

Chia sẻ