Chị em dâu như bầu nước lã

Cẩm Vân,
Chia sẻ

Những mâu thuẫn trong gia đình chẳng dừng lại ở mâu thuẫn mẹ chồng- nàng dâu, hay chị dâu- em chồng. Ngay đến chị em dâu cũng không thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn của những mâu thuẫn.

Từ nỗi ganh tị rất đỗi đàn bà…

Từ trước đến giờ Duyên đi làm hay đi chơi, cũng thường giản dị “đánh” nguyên những bộ đồ công sở kín cổng cao tường, váy ngắn nhất cũng chỉ loanh quanh chạm đầu gối. Từ ngày có Linh- cô em dâu chồng về sống chung một nhà, đi ra đi vào chạm mặt nhau, cái gu ăn mặc đối lập của Linh khiến Duyên nhiều phen nóng mặt xấu hổ thay. Linh vốn là con nhà giàu, quen ăn mặc diện. Cô táo bạo với toàn những váy ngắn, áo hở ngực, hở lưng thôi thì đủ cả. Báo hại ông anh chồng cũng được dịp mát mắt. Muốn góp ý lắm mà lại sợ cô em cho là mình soi mói, đố kị nên cứ mỗi khi hàng xóm mắt tròn mắt dẹt so bì hai chị em dâu, Duyên lại ấm ức: “Cô ấy lấy chồng rồi mà cứ như còn con gái, ăn mặc thế cho trai nó dòm, trông ngứa cả mắt”. Còn Linh thì thường bấm bụng thở dài: “Mình trông thế này mà có bà chị dâu quê một cục, tuềnh toàng đến chán!”.

Cũng gần tương tự như nhà Duyên, mỗi cái váy, túi xách hay son phấn mới của Huyền đều bị bà chị dâu là Thảo đem ra cân đo đong đếm, quy ra “thóc”. Sự khác biệt tuổi tác của hai chị em chỉ có 5 tuổi cũng chẳng phải là nhiều, song thói quen sống khác nhau khiến hai người chẳng ai bằng lòng ai. Thảo thì luôn miệng bêu xấu em dâu với hàng xóm, thôi thì đủ cả, lúc là: “Cái váy em nhìn chả thấy đẹp tẹo nào mà giá cắt cổ đến hàng triệu, chẳng biết chắt bóp gì cả, nó sống phung phí chẳng biết quý trọng đồng tiền”, lúc lại lại: “Ối giời, bác không biết chứ em dâu cháu nó sành điệu lắm, đồ gì trên người nó cũng có giá không dưới tiền triệu đâu nhá, cái ngữ ấy rồi nhà cửa lụi bại trong tay lúc nào không biết...”. Chuyện đến tai cô em dâu chồng, Huyền lấy làm tức lắm, cũng luôn chờ dịp để lườm nguýt chê bai bà chị với hàng xóm láng giềng. Hai chị em thành chủ đề bàn tán chẳng bao giờ cạn của các bà các chị trong xóm.
 

Đến những cuộc đua ngầm đầy kịch tính…

Nhìn hai đứa trẻ gần trạc tuổi nhau mới thấy sự nỗ lực của hai bà mẹ chúng trong cuộc đua chẳng biết đến bao giờ mới có hồi kết. Tuy kinh tế hai nhà khác nhau. Vợ chồng Hạnh là con trưởng trong nhà, kiếm tiền tốt hơn, kinh tế có phần dư dả. Trong khi đó, vợ chồng Dịu thì khó khăn hơn một chút. Nhưng dù nhịn ăn nhịn tiêu mọi khoản, Dịu cũng phải dành cho con mình những gì tốt nhất.
 
Lúc đầu Hạnh cũng không nhận thấy điều đó, sẵn tiền đó, cứ mặc sức sắm sanh cho con, từ quần áo, giày dép xịn đến đồ chơi, xe cộ, chẳng thiếu thứ gì. Đến khi nhận ra Dịu cũng chẳng chịu để con mình kém cạnh. Thì ra cuộc ghanh đua ngầm giữa hai bà mẹ diễn ra đầy kịch tính, duy chỉ có một điều không phải ai cũng biết, đó là, cứ đến tháng lương, Dịu lại giở sổ sách, chi li mọi khoản để rút tiền ra đầu tư vào con cái. Còn Hạnh thì luôn phải căng như dây đàn, để nghĩ ra những chiêu trò mới bắt nguồn cho những cuộc đua mới… Chẳng biết những đứa trẻ trong hoàn cảnh này tính cách sẽ bị ảnh hưởng như thế nào, khi chúng muốn gì được nấy, thậm chí chưa thèm xin, mẹ chúng đã chạy đôn chạy đáo để chiều lòng chúng và hỉ hả khi nhìn chị/em mình chậm chân hơn một bước…
 
Không như nhà chị em Hạnh, Dịu, Hiền và Lý lại có cuộc đua khác của riêng họ. Đó là cuộc đua soi mói, tìm điểm yếu của nhau. Cuộc sống dường như quá ưu ái với Hiền, hai vợ chồng cô gặp vận son, đều kiếm ra tiền, lại đẻ con một trai, một gái đẹp như thiên thần. Cả hai đứa con đều học giỏi và ngoan ngoãn. Còn với Lý, cô không hài lòng với cuộc sống “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, con cái chật vật lắm mới mỗi năm qua được một lớp, đâm nảy sinh tính xấu đố kị với cô chị dâu chồng.
 
 
Thường ngày, từ những chuyện lặt vặt nhất, Lý cũng góp nhặt lại những điều Hiền làm chưa tốt và ghi nhớ lại trong đầu hay mở miệng nói xấu sau lưng. Hiền thì thấy vô cùng bất tiện khi suốt ngày phải hứng chịu những ánh nhìn không thiện cảm của cô em dâu, cũng thành ra bực bội và ghét bỏ. Mâu thuẫn đỉnh điểm xảy ra vào ngày Hiền suy sụp vì phát hiện chồng ngoại tình, còn Lý thì vui vẻ ra mặt, đi khoe khắp xóm. Họ cãi vã, to tiếng kịch liệt và Hiền không chịu nổi cả cú sốc lẫn sự xấu hổ, mất thể diện trước hàng xóm láng giềng, cô lựa chọn cách bỏ đi trước sự hỉ hả của cô em dâu đố kị.

Nhưng đôi khi mọi chuyện không chỉ do bản thân họ, mà còn do những người thân cận nhất trong gia đình chồng…

Nhà có hai đứa con trai, nhưng tính tình lại khác nhau. Phú là con trai lớn, tốt tính nhưng ít nói. Minh là con trai thứ khéo ăn khéo nói hơn anh, nên cũng được lòng bố mẹ hơn. Xuất phát từ chỗ đối xử thiên lệch với hai con trai, nên khi cả hai người lấy vợ, hai nàng dâu cũng bị đối xử khác nhau một trời một vực. Ông bà mua đất, xây nhà cho vợ chồng Minh ở riêng. Bao nhiêu đồ đạc trong nhà, một tay ông bà sắm sửa cho họ. Còn vợ chồng Phú ở chung với ông bà thật, nhưng chẳng bao giờ được ông bà quan tâm đầu tư cho cái gì. Thậm chí có muốn tự mua sắm gì đó trong nhà, cũng phải hỏi ý kiến.
 

Tuy ở riêng, nhưng căn bếp của vợ chồng họ sạch như lau như li, vì năm thì mười họa mới nấu được một bữa cơm riêng. Một tháng 30 ngày, thì có đến 29 ngày vợ chồng con cái sang nhà mẹ ăn, xong xuôi là đứng lên đi về nhà ngủ. Vợ Phú thì tất tả chợ búa, nấu nướng cho cả nhà có đến gần chục miệng ăn từ lúc rời cơ quan cho đến khi tối mịt, lúc nào cũng lên giường khi đã mệt lử cả người.

Cô tâm sự: “Cũng là phận làm dâu đấy, nhưng sao sướng khổ khác nhau đến thế. Mình thì tất bật tối ngày, lo chu toàn việc nhà từ A đến Z, vậy mà bố mẹ chồng vẫn chẳng vừa lòng. Lúc sơ sẩy có làm gì không vừa mắt, lại bị ông bà mắng nhiếc thậm tệ. Còn cô em dâu chồng thì ngược lại. Chẳng phải động tay động chân bất kỳ việc gì, cơm nước không phải nấu, bát đũa không  phải rửa, đi làm về có bà nội trông cháu cho mà tắm rửa thoải mái, cơm bưng nước rót tận miệng. Đã thế, thích mua sắm gì, vợ chồng nó một điều con, hai điều mẹ múa mép một lúc, tiền triệu chứ chục triệu ông bà cũng đầu tư cho. Chứ chẳng như vợ chồng mình, nhiều khi nhìn nó mà thèm, và thấy tức chồng. Giá anh khéo mồm lên một tí, thì mình cũng được nhờ!”, vợ Phú chép miệng thở dài.

Chia sẻ