Chế độ thai sản với lao động nữ được tính như thế nào khi bỏ mức lương cơ sở từ 1/7?

ANH THẢO,
Chia sẻ

Chế độ thai sản luôn là một trong những chế độ được người lao động quan tâm nhất, đặc biệt đối với lao động nữ.

Thời gian qua, những thông tin liên quan đến cải cách tiền lương sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 đã thu hút sự quan tâm của người lao động. Thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương không chỉ tác động đến hệ thống lương hưu, mà còn cả tới các loại trợ cấp bảo hiểm xã hội, và các chính sách an sinh xã hội khác, tất cả đều được điều chỉnh tăng lên. Trong đó có nhiều quyền lợi liên quan đến lao động nữ. Đặc biệt chế độ thai sản sau ngày 1/7/2024 là một trong những nội dung được nhiều người quan tâm.

Hiện nay, mức hưởng chế độ thai sản được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:

- Người lao động hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 32, 33, 34, 35, 36 và 37 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì mức hưởng chế độ thai sản được tính như sau:

+ Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 32, Điều 33, các khoản 2, 4, 5 và 6 Điều 34, Điều 37 Luật Bảo hiểm xã hội 2013 là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội.

Trợ cấp thai sản khi lao động nữ sinh con = 100% x mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH 6 tháng trước khi nghỉ

Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH được tính theo tiền lương tháng đóng BHXH, do đó nếu như tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội tăng thì mức lương bình quân sẽ tăng theo. 

Bên cạnh đó, đối với cán bộ, công chức, viên chức thì tiền lương tháng được xác định dựa trên lương cơ sở và hệ số lương. Do đó, mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của nhóm đối tượng này sẽ phụ thuộc vào mức lương cơ sở.

Ngoài ra, tại Điều 38 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về mức trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi như sau:

- Lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con hoặc tháng người lao động nhận nuôi con nuôi.

- Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội thì cha được trợ cấp một lần bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con.

Trợ cấp một lần khi sinh con = 2 x mức lương cơ sở đối với mỗi con

Hiện nay, mức lương cơ sở là 1.800.000 (Nghị định 24/2023/NĐ-CP).

Tiền trợ cấp khác

- Mức hưởng một ngày (điểm b khoản 1 Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội 2014)

Mức hưởng = Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH 6 tháng trước khi nghỉ : 24 x Số ngày nghỉ

- Mức hưởng chế độ khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính theo mức trợ cấp tháng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, trường hợp có ngày lẻ hoặc trường hợp quy định tại Điều 33 và Điều 37 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì mức hưởng một ngày được tính bằng mức trợ cấp theo tháng chia cho 30 ngày.

Mức hưởng = Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH 6 tháng trước khi nghỉ : 30 x Số ngày nghỉ

Tuy nhiên vào ngày 10/11/2023, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024. Nghị quyết nêu rõ, từ ngày 1/7/2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.

Cụ thể, tại khoản 1 Điều 3 Nghị quyết 104/2023/QH15, từ ngày 1/7/2024, cán bộ, công chức, viên chức sẽ được cải cách tổng thể chính sách tiền lương. Từ ngày này, mức lương cơ sở sẽ bị bãi bỏ mà thay vào đó sẽ xây dựng các bảng lương cơ bản mới bằng số tiền cụ thể.

Như vậy, khi cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024, mức hưởng thai sản 2024 đối với lao động nữ cũng sẽ thay đổi.

Chế độ thai sản với lao động nữ được tính như thế nào khi bỏ mức lương cơ sở từ 1/7?- Ảnh 1.

Tuy nhiên do hiện nay mới chỉ có chính sách về cải cách tổng thể tiền lương mà chưa có các văn bản chi tiết hướng dẫn bảng lương mới theo số tiền cụ thể của cán bộ, công chức, viên chức khi bỏ hệ số và mức lương cơ sở nên chưa có căn cứ để xác định mức hưởng thai sản sau ngày 1/7/2024.

Từ giờ đến hết 30/6/2024 thì chế độ thai sản 2024 vẫn được tính theo quy định hiện nay, tức là vẫn căn cứ vào mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng theo Nghị định 24/2023/NĐ-CP.

Tuy nhiên theo Điều 63, Điều 64 Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội quy định về mức hưởng chế độ thai sản như sau:

- Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.

- Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 56, Điều 57, các khoản 2, 4, 5, 6 Điều 58, Điều 59, Điều 60 và Điều 62 Luật Bảo hiểm xã hội là mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của các tháng đã đóng.

- Mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản cũng được quy định cụ thể một ngày bằng 540.000 đồng.

- Mức trợ cấp một lần khi sinh con, nhận nuôi con nuôi cho mỗi con quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 63 Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội bằng 3.600.000 đồng (không còn phụ thuộc mức lương cơ sở).

Tuy nhiên, hiện nay, vẫn chưa có văn bản chính thức quy định, hướng dẫn cụ thể về chế độ thai sản khi thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024.

Như vậy, trong trường hợp mức lương cơ sở bị bãi bỏ từ 1/7/2024 khi cải cách tiền lương thì mức hưởng chế độ thai sản có liên quan đến lương cơ sở có thể sẽ thay đổi theo.

Chia sẻ