Cảnh giác vi rút cúm gia cầm có nguy cơ lây sang người rất lớn

Minh Tuyết,
Chia sẻ

Vi rút cúm gia cầm A(H5N6) lây truyền từ gia cầm sang người thông thường do tiếp xúc trực tiếp, giết mổ, mua và ăn thịt gia cầm ốm…

Ngày 6/4, Bộ Y tế cho biết: Theo thông tin từ Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngày 5/4, một hộ tại xã Nghĩa Xuân, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An có ghi nhận một ổ dịch cúm A(H5N6) ở gia cầm. 

Dấu hiệu nhận biết bệnh

Theo thông báo của Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngày 02/4/2015 dịch cúm gia cầm do chủng vi rút cúm A(H5N6) đã xảy ra tại 01 hộ thuộc thôn Dinh, xã Nghĩa Xuân, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An. Ngay sau khi nhận được thông tin về ổ dịch, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã trực tiếp chỉ đạo Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương và các cơ quan chức năng y tế của tỉnh Nghệ An đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thú y triển khai các hoạt động phòng chống dịch nhằm ngăn ngừa sự lây truyền vi rút cúm gia cầm sang người.

Đến ngày 02-04/4 toàn bộ đàn gia cầm mắc bệnh và một số đàn gia cầm có liên quan (tổng cộng 318 con) đã bị tiêu hủy. Chi cục Thú y tỉnh  Nghệ An đã cấp 10.000 liều vắc xin Navet-vifluvac và huyện Quỳ Hợp đã thành lập 02 tổ để tiêm phòng cho toàn bộ đàn gia cầm của xã Nghĩa Thuận và các xã vùng nguy cơ cao, ngày 05/4/2015 không ghi nhận thêm trường hợp gia cầm ốm, chết trong khu vực (1).

Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Nghệ An đã trực tiếp cử đội đáp ứng chống dịch đến tổ chức điều tra ổ dịch và hỗ trợ đơn vị y tế địa phương triển khai các biện pháp phòng chống dịch, toàn bộ thành viên trong hộ gia đình có ổ dịch cúm trên gia cầm và tất cả những người có tiếp xúc gần với ổ dịch cúm gia cầm đã được theo dõi sức khỏe. 

Qua giám sát phát hiện có hai người là vợ, chồng chủ hộ chăn nuôi gia cầm có biểu hiện sốt, ho, sổ mũi trong cùng thời gian ghi nhận gia cầm ốm, chết tại gia đình, cả hai vợ chồng đã được chuyển tới Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương để khám, chẩn đoán xác định, cách ly và điều trị. Kết quả cả hai trường hợp này đều âm tính với chủng vi rút cúm A(H5N6) và một số chủng vi rút cúm nguy hiểm khác, sức khỏe ổn định, không có biểu hiện nặng và được chuyển về tiếp tục theo sức khỏe tại gia đình. Sau 4 ngày theo dõi, không ghi nhận thêm trường hợp nào khác có các biểu hiện cúm trong khu vực ổ dịch cúm gia cầm.

vi rút cúm gia cầm lây sang người
Vi rút cúm gia cầm A(H5N6) lây truyền từ gia cầm sang người thông thường do tiếp xúc trực tiếp, giết mổ, mua và ăn thịt gia cầm ốm… Ảnh minh họa

Vi rút cúm gia cầm A(H5N6) lây truyền từ gia cầm sang người thông thường do tiếp xúc trực tiếp, giết mổ, mua và ăn thịt gia cầm ốm… hoặc tiếp xúc gần với gia cầm nhiễm bệnh. Cho đến nay, chưa có bằng chứng về việc bệnh lây trực tiếp từ người bệnh sang người lành. Người mắc bệnh cúm A(H5N6) có các triệu chứng tương tự như các loại cúm khác: sốt, mệt mỏi, chảy nước mũi... Tuy nhiên, vi rút cúm A(H5N6) được biết đến là loại vi rút có độc lực cao, bệnh nhân có biểu hiện viêm đường hô hấp cấp tính nặng, dễ có biến chứng nặng và tỷ lệ tử vong cao nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Chủ động phòng chống lây nhiễm cúm gia cầm sang người

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhấn mạnh: Tổ chức Y tế thế giới đang cảnh báo nhiều chủng vi rút cúm gia cầm đang lưu hành có thể tái tổ hợp gen để tạo các chủng vi rút cúm mới ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Đặc biệt, nước ta đang trong thời điểm tái đàn gia cầm tăng cao nên nguy cơ lây lan vi rút cúm từ gia cầm sang người và bùng phát thành dịch là rất lớn.

Để chủ động phòng chống lây nhiễm cúm gia cầm sang người, Bộ Y tế đề nghị Giám đốc Sở Y tế Nghệ An tăng cường giám sát, phát hiện sớm, điều tra các trường hợp nghi nhiễm các chủng cúm gia cầm ở người. Các bệnh viện sẵn sàng thu dung, tổ chức cách ly, theo dõi sức khỏe các trường hợp phơi nhiễm và nghi ngờ nhiễm bệnh; điều trị bệnh nhân kịp thời theo phác đồ của Bộ Y tế và thông báo kịp thời cho Trung tâm Y tế dự phòng để điều tra, xử lý ổ dịch.

 Đồng thời, Sở Y tế tăng cường tuyên truyền biện pháp phòng lây nhiễm cúm gia cầm lây sang người tại khu vực có gia cầm ốm, chết và những vùng có nguy cơ cao, đặc biệt tại các khu vực tổ chức các lễ hội; phối hợp với cơ quan thú y và chính quyền địa phương giám sát dịch cúm trên gia cầm, xử lý kịp thời, triệt để ổ dịch. Sở Y tế sẵn sàng thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện hỗ trợ kịp thời cho địa phương triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch.

Cục Y tế dự phòng khuyến cáo: Để chủ động phòng chống bệnh, người dân nên thường xuyên rửa tay với xà phòng; thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, nơi ở thông thoáng, hạn chế tiếp xúc với người bệnh. Người dân không sử dụng gia cầm, sản phẩm của gia cầm không rõ nguồn gốc; đảm bảo an toàn thực phẩm. Khi phát hiện có gia cầm ốm, chết, người dân phải báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.

Người dân khi có các biểu hiện cúm như: sốt, ho, đau ngực, khó thở cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.  
Chia sẻ