Cảnh báo nhanh nguy cơ ngộ độc ngày càng tăng

Theo Giadinh,
Chia sẻ

Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) đang khẩn trương xây dựng Đề án hệ thống cảnh báo nhanh và phân tích nguy cơ ngộ độc thực phẩm trình Chính phủ sớm ban hành.

Theo các chuyên gia y tế, đề án này sẽ tạo nên sự chủ động trong cảnh báo nhanh và phân tích nguy cơ ngộ độc thực phẩm, góp phần hạn chế tình trạng ngộ độc thực phẩm đang diễn ra khá nhiều ở nước ta.
 
Mỗi năm có hơn 5.000 người bị ngộ độc             

Theo ông Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục ATVSTP (Bộ Y tế), mặc dù tình trạng đảm bảo ATVSTP ở nước ta đã được cải thiện đáng kể, tuy nhiên việc kiểm soát ATVSTP ở nước ta vẫn là một thách thức lớn.

Hiện cả nước có khoảng gần 9 triệu hộ sản xuất kinh doanh thực phẩm, đây là nguyên nhân khiến vấn đề tồn dư chất bảo quản, hóa chất, chất gây nguy hại sức khỏe chưa được kiểm soát tốt. Ngoài ra, còn nhiều vấn đề đáng báo động hơn về ATVSTP như tình trạng thực phẩm hết hạn sử dụng, kém chất lượng, không có nguồn gốc xuất xứ vẫn vô tư lưu thông trên thị trường.  
 
 

Tình trạng thực phẩm không rõ nguồn gốc lưu thông trên thị trường đang ở mức báo động. Ảnh: Chí Cường

Vụ ngộ độc thực phẩm tập thể mới nhất xảy ra vào trưa 12/3, làm gần 200 công nhân Công ty giày Hong Fu Việt Nam đóng tại khu công nghiệp và đô thị Hoàng Long huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá phải vào BVĐK Hợp Lực và BVĐK Hoằng Hóa cấp cứu. Các công nhân này sử dụng các món ăn gồm: Cơm, bắp cải xào, nước canh, thịt gà kho, xu hào, đậu phụ rán. 20 phút sau ăn, họ có triệu chứng co giật, đau bụng, buồn nôn, phải nhập viện cấp cứu. 
 
Nhưng vụ ngộ độc này không phải là cá biệt. Theo thống kê của Bộ Y tế, từ năm 2004-2009, cả nước đã xảy ra  1.058 vụ ngộ độc thực phẩm làm 298 người tử vong, với trung bình 176,3 vụ/năm và 5.302 người bị ngộ độc thực phẩm/năm. Riêng năm 2010, cả nước đã xảy ra 175 vụ ngộ độc thực phẩm, trong đó có 34 vụ ngộ độc trên 30 người làm 5.664 người mắc, 42 trường hợp tử vong.

Chủ động cảnh báo

Trong năm 2010, ngành y tế đã có một số kinh nghiệm về cảnh báo nhanh nguy cơ ngộ độc; một số cảnh báo các ô nhiễm quan trọng như ô nhiễm vi sinh vật, phụ gia thực phẩm.

Đơn cử như tại TP.Hồ Chí Minh, sự chủ động trong quản lý ATVSTP hiện đang dần chuyển về tay các cơ quan quản lý nhà nước. Các cơ quan quản lí đã kiểm soát được chuỗi các bếp ăn tập thể, từ đó nhanh chóng phát hiện các đầu mối không đảm bảo ATVSTP và mạnh tay đóng cửa nếu vi phạm.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Công Khẩn, hiện nay khi xảy ra ngộ độc thực phẩm, hoặc có chất gì đó bị phát hiện trong thực phẩm, người dân thường hoang mang không biết chất đó có nguy cơ ra sao với sức khỏe... Do đó, việc có một hệ thống cảnh báo nhanh và phân tích nguy cơ ngộ độc thực phẩm để  tập hợp thông tin từ nhiều nguồn nhằm đưa thông tin về thực phẩm mất an toàn ra hệ thống cảnh báo thường xuyên là rất cần thiết.

Xây dựng hệ thống cảnh báo nguy cơ hiện đang được Cục ATVSTP triển khai. Trước mắt, việc chủ động phân tích nguy cơ và cảnh báo sẽ tiến hành ở một số nhóm thực phẩm, còn đánh giá nguy cơ chủ động trên nhiều nhóm mặt hàng sẽ làm theo lộ trình.
 
Tại các chợ đầu mối sẽ lấy mẫu xét nghiệm thường xuyên các nhóm sản phẩm nguy cơ cao, hay đang nằm trong diện nghi ngờ gây ngộ độc. Ví dụ các thực phẩm nghi ngờ tồn dư hóa chất bảo quản, thực phẩm không rõ nguồn gốc xem tần suất gây nguy hại thế nào để đánh giá và đưa thông tin vào hệ thống cảnh báo...

Đề án dự kiến căn cứ vào các yếu tố ưu tiên, vấn đề nào đang nguy hại nhất với thực phẩm sẽ được phân tích nguy cơ và đưa vào hệ thống cảnh báo trước.
Chia sẻ