Bóng người sau ô cửa

Theo Thế giới phụ nữ,
Chia sẻ

Có ai không thấy rưng rưng khi chứng kiến cảnh mẹ đẻ nấp trong buồng nhìn qua sửa sổ dõi theo cảnh nhà trai đưa con gái về nhà chồng.

Con gái mình dứt ruột đẻ ra, nay chứng kiến cảnh nhà người ta đưa con gái mình đi, sao mà bình yên nguôi ngoai dễ dàng đây?!

Mẹ ứa nước mắt nhớ cái cảnh cô dâu trẻ chân ướt chân ráo bước về ngôi nhà lạ hoắc. Nhà đó có ông - bà già khó tính, bố chồng gia trưởng đâu có coi vợ và con gái ra gì, vì thế ông cũng chẳng coi con dâu là gì cả. Còn bà mẹ chồng, đúng như nhân gian nói, “Yêu nhau cũng thể nàng dâu mẹ chồng”. Mẹ chồng vừa có thể cay nghiệt, gia trưởng, lại vừa khéo léo như “cáo già” chỗ nào cũng có mặt, mắt tinh tai thính không để lọt dù một cử chỉ của con dâu.

Người ta bảo “Con gái là con người ta”, lúc nhỏ mẹ đã nghe nhiều lần nhưng lúc chứng kiến cảnh con bước lên xe hoa, mẹ mới thực sự chứng kiến “con mình xa rời mình để thuộc về... người ta thế nào”. Người mẹ nào cũng chạnh lòng khi con gái đi lấy chồng, thương con xa bàn tay chăm sóc của mẹ, vào nhà người khác không còn được ưu tiên nữa, trái lại trở thành nhân vật chính để cả nhà chồng xoay quanh “hành hạ”. Đấy, xưa kia, người ta chọn vợ cho con trai phải khoẻ mạnh để còn làm việc, nào bếp núc, lợn gà cám bã, gánh gồng, cầy cấy ruộng đồng, không có việc gì không đến tay. Thoát làm sao được khi lúc nào cũng vang bên tai lời đe nẹt của mẹ chồng...

Vì thương con gái nên mẹ muốn dặn con nhiều lắm. Mẹ từng trải qua việc làm dâu nên muốn truyền cho con gái kinh nghiệm của mình. Đó là “cuộc chiến” mở màn đã gay cấn giữa mẹ chồng với nàng dâu. Một cuộc chiến không tránh nổi mà nhân gian vẫn nói, con trai luôn phải lựa chọn “bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn”.

Bóng người sau ô cửa 1
Con gái mình dứt ruột đẻ ra, nay chứng kiến cảnh nhà người ta đưa con gái mình đi, sao mà bình yên nguôi ngoai dễ dàng đây?! (Ảnh minh họa).

Tại sao có cuộc chiến này? Nếu như ở nhà mình mẹ se sắt nhìn cảnh “con gái là con người ta”, thì ở nhà họ, bà mẹ chồng phải chứng kiến cảnh, con trai mình đang rời khỏi vòng tay của mẹ để rơi vào từ trường tình yêu trái dấu với một cô gái xa lạ. Mẹ chồng sẽ xót xa lắm khi phải chứng kiến con trai mình đẻ ra, được bú mớm nâng niu ngần ấy năm trời, nay bỗng chốc bị cô vợ trẻ “cuỗm” mất. Chàng trai vì say chữ tình sẽ ngả về phía cô gái nhưng chàng lại bị mẹ dùng quyền phụ mẫu giật về chữ hiếu. Nếu không khéo để bà lép vế hay thua cay quá, bà sẽ trút giận lên đầu con.

Còn các bà cô xứng đáng là giặc Ngô bên chồng cũng không thể xem thường được. Hãy giữ gìn chớ nên xích mích với các nàng, không cẩn thận, khi có chuyện họ lẻo mồm mách, thì mẹ chồng sẽ bênh vực các con gái của mình ngay.

Trong nhà nếu bố chồng có học vấn hay hiểu biết thì nên biết dựa vào ông, bởi lẽ, đàn ông thường duy lý hơn phụ nữ khi mắc việc, đàn ông thường lấy lý ra suy xét nhiều hơn, trái lại phụ nữ hay để mình trôi theo cảm xúc.

Cần cố gắng giữ gìn hòa khí, bởi lẽ hầu hết mọi cuộc xích mích trong nhà, tất cả đều nhìn vào cô dâu- xem nàng như là thủ phạm, đơn giản vì người ta cùng một gia đình, chỉ có một kẻ “địch” ngoại lai là con dâu thôi. Nên nhớ câu: “Nhất cần thiên hạ vô nan sự; Bách nhẫn gia trung nhữ thái hòa”. Tức là: Một điều chăm chỉ, thiên hạ không có việc gì khó; Trăm điều nhịn, gia đình mãi mãi ấm êm.

Tất nhiên thời đại ngày nay đã biến đổi nhiều, mẹ chồng không thể ne nẹt như ngày xưa. Trái lại, nhiều con dâu đã có học vấn cao, công ăn việc làm thu nhập đầy đủ không phải sống dựa vào kinh tế nhà chồng, thậm chí nhiều cô có địa vị, tiền bạc cao hơn hẳn chồng. Nhiều cô dâu vừa về nhà chồng đã ra ở riêng luôn, hoàn toàn thoải mái nhưng chớ nên đắc chí mà sẽ thua trận. Chúng ta nên hiểu, dù thời đại đổi thay nhưng tình cảm là thứ ít đổi thay nhất của con người. Làm dâu thì vẫn có mẹ chồng, rồi chuyện hiếu hỉ nhà chồng, dẫu có ở riêng cũng không thể không quan tâm đến những việc của nhà chồng...

Người ta chỉ có thể hạnh phúc khi sống thật thà, chất phác và có trách nhiệm với nhau. Làm dâu có thể khôn một chút hay dại một chút, điều đó không quan trọng bằng cái tâm tính hồn hậu của nàng dâu như người Việt bảo “Gái có công chồng chẳng phụ”. Thế nên những lời thì thầm quí báu của mẹ nếu được con dâu áp dụng vào cuộc sống ở nhà chồng, giữ được hòa khí, coi nhà chồng như nhà mình thì chuyện tạo dựng hạnh phúc cho tổ ấm của mình nào có khó khăn gì.



Bà Mai không ngại chi tiền để lo cho cuộc sống của cô con gái ở nhà chồng. Với bà, hạnh phúc của con cháu là quan trọng nhất, chứ chẳng cần màng đến miệng thiên hạ.
Bóng người sau ô cửa 2
Chia sẻ