Bỏ sổ hộ khẩu: Tại sao người dân vẫn phải xin giấy xác nhận cư trú?

PV,
Chia sẻ

Bỏ sổ hộ khẩu giấy nhưng nhiều nơi, người dân phải làm giấy xác nhận cư trú trong một số thủ tục như đăng ký kết hôn, chuyển nhượng đất đai...

Hết muốn đăng ký kết hôn...vì  giấy xác nhận cư trú

Đầu tháng 2 năm nay, chị P.Q.T (quê Thái Bình) cùng bạn trai là anh C.S.T (hộ khẩu ở phường Phúc Xá, quận Ba Đình) đăng ký kết hôn trên cổng dịch vụ công quốc gia. Gửi thông tin xong, hệ thống báo sẽ có email phản hồi cho bạn. Đợi mấy ngày sau không thấy email báo về nên chị T. cùng bạn trai ra phường hỏi xem thế nào.

"Em mới chỉ hỏi là bọn em đăng ký kết hôn trên cổng dịch vụ công quốc gia rồi thì giờ bọn em đến xác nhận. Chị ấy chưa mở mạng ra tra cứu xem trường hợp chúng em thế nào mà bảo luôn là cần 3 loại giấy tờ: Căn cước công dân, giấy xác nhận cư trú và giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của cả 2 người" - chị T. kể.

Bỏ sổ hộ khẩu: Tại sao người dân vẫn phải xin giấy xác nhận cư trú? - Ảnh 1.

Cải cách hành chính là để đơn giản thủ tục (Ảnh: Internet)

Giấy xác nhận cư trú do công an phường/ xã cấp nên anh C.S.T đến công an phường xin xác nhận. Đến nơi là 16h30 nên công an hẹn công dân vào sáng ngày hôm sau. 

"Nghĩa là bạn trai em phải xin nghỉ thêm một buổi sáng để đi làm giấy xác nhận mà chưa chắc đã có ngay" - chị T. lo lắng.

Từ ngày 1/1/2023, sổ hộ khẩu giấy không còn giá trị, mọi thông tin liên quan đến cư trú đều được cập nhật trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Do đó, khi giải quyết các thủ tục hành chính, người dân chỉ cần xuất trình thẻ CCCD, cơ quan chức năng sẽ tra cứu được thông tin cư trú, nhân thân.

Sau hơn một tháng "khai tử" sổ hộ khẩu giấy, người dân lại bức xúc khi phải đi làm một số thủ tục hành chính khác, phải xin giấy xác nhận cư trú (thay cho trước đây khi còn sổ hộ khẩu giấy). Trường hợp gặp nhiều nhất hiện nay là thủ tục đăng ký kết hôn, chuyển nhượng đất đai.

"Em ở quê, chỉ cần gọi điện về, nhờ người thân lên xã hỏi giấy tờ, rất nhanh. Còn anh nhà em ở Hà Nội thì lại cần đủ loại giấy tờ. Nhất là khi cán bộ công chức ở phường không kiểm tra thông tin trên cổng đăng ký đã nói ngay là phải có giấy xác nhận cư trú" - chị T. bức xúc.

Việc làm giấy xác nhận cư trú cũng mất khoảng 3-5 ngày. "Việc đi lại chờ làm giấy tờ còn mất thời gian hơn cả khi có sổ hộ khẩu giấy, anh nhà em phát cáu vì không dễ gì xin nghỉ được một buổi ở công ty" - chị T. nói.

Không phải trường hợp nào cũng yêu cầu giấy xác nhận cư trú

Trao đổi với phóng viên VOV2, bà Nguyễn Thanh Nga - Phó phòng Kiểm soát thủ tục hành chính, thuộc Văn phòng UBND thành phố Hà Nội cho biết, Nghị định 104/2022/NĐ-CP về bỏ sổ hộ khẩu giấy từ ngày 01/01/2023 đã nêu rõ công dân phải xuất trình những gì liên quan đến sổ hộ khẩu giấy. Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06-Bộ Công an) cũng đã thông tin hướng dẫn 7 phương thức xác minh cư trú sau khi bỏ sổ hộ khẩu. Tuy nhiên, khi triển khai thực tế lại gặp một số vấn đề.

"Cơ sở dữ liệu dân cư chưa hoàn chỉnh hoặc thông tin người dân cung cấp chưa đầy đủ khi người dân cư trú qua nhiều nơi. Vì thế, vướng mắc về giấy xác nhận cư trú gặp nhiều nhất là đi đăng ký kết hôn và xác nhận tình trạng hôn nhân" - bà Nguyễn Thanh Nga thông tin.

Một lãnh đạo phường ở Hà Nội cho biết, những ngày qua, chính bà đã xuống phòng tiếp dân để trực tiếp giải thích cho một số trường hợp đến làm thủ tục đăng ký kết hôn phải xác nhận cư trú. "Tình trạng hôn nhân của mỗi người bắt đầu từ khi 18 tuổi. Công dân A sống qua nhiều thành phố chẳng hạn và nơi xác nhận tình trạng hôn nhân là ở phường tôi. Trách nhiệm xác nhận là UBND phường nhưng mở dữ liệu ra không đủ thông tin thì mới yêu cầu người dân đi xác nhận cư trú".

Trường hợp người dân khai báo đầy đủ, dữ liệu đã cập nhật trên hệ thống thì người dân chỉ cần CCCD để làm xác nhận tình trạng hôn nhân là đủ. "Không phải trường hợp nào cũng bắt buộc công dân làm giấy xác nhận cư trú. Trừ khi cán bộ hộ tịch ở phường đối soát với dữ liệu dân cư và thấy không trùng khớp mới yêu cầu thực hiện" - bà Nguyễn Thanh Nga, Phó phòng Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng UBND thành phố Hà Nội, nhấn mạnh.

Về việc có chuyện "hành dân" hay không? Bà Nga cho rằng, có thể một số nơi, cán bộ hộ tịch cấp phường chưa nắm rõ quy trình, "lười" tra dữ liệu nên đã yêu cầu công dân đi làm xác nhận cư trú ở bên công an phường/ xã. Cách làm này nhàn cho cán bộ hộ tịch nhưng lại vất vả cho công dân.

"Liên quan đến các quy định và thủ tục hành chính trên địa bàn thành phố Hà Nội, người dân có thể phản ánh trên zalo "Phản ánh kiến nghị thành phố Hà Nội", chúng tôi sẽ tiếp nhận, xử lý thông tin và trả lời cho công dân" - bà Nga thông tin./.

7 phương thức xác minh cư trú sau khi bỏ sổ hộ khẩu

1. Sử dụng thẻ Căn cước công dân gắn chíp điện tử là giấy tờ pháp lý chứng minh thông tin về cá nhân, nơi thường trú.

2. Sử dụng thiết bị đọc mã QRCode trên thẻ CCCD có gắn chíp.

3. Sử dụng thiết bị đọc chíp trên thẻ CCCD.

4. Người dân tra cứu, khai thác thông tin cá nhân trực tuyến trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để sử dụng khi thực hiện thủ tục hành chính.

5. Sử dụng ứng dụng VNeID hiển thị các thông tin trên các thiết bị điện tử để phục vụ giải quyết các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự (theo Quyết định số 34/QĐ-TTg ngày 08/11/2021 của Thủ tướng).

6. Sử dụng giấy xác nhận thông tin về cư trú (ban hành kèm theo Thông tư số 56/TT-BCA ngày 15/5/2021 của Bộ Công an).

7. Sử dụng Thông báo số định danh cá nhân và thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (theo quy định tại Thông tư số 59/TT-BCA ngày 15/5/2021 của Bộ Công an).

Chia sẻ