Bình Dương ghi nhận ca đầu tiên mắc tay chân miệng tử vong

Hương Chi,
Chia sẻ

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương, 6 tháng đầu năm địa phương này ghi nhận 938 ca mắc tay chân miệng, trong đó có một trường hợp tử vong.

Ngày 28/6, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương cho biết, chỉ tính riêng một tháng qua, địa phương đã ghi nhận 548 ca mắc tay chân miệng, trong đó có 33 ca bệnh nặng và có 1 trường hợp tử vong là trẻ nhỏ (5 tuổi, quê Bình Dương).

Theo đánh giá của ngành y tế tỉnh Bình Dương, số ca mắc bệnh tay chân miệng tăng gấp 4 lần so với tháng đó. Từ đầu năm đến nay, Bình Dương ghi nhận ca bệnh tay chân miệng tử vong đầu tiên.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương cũng đã gửi 3 mẫu bệnh phẩm về Viện Pasteur TPHCM kèm theo phiếu điều tra ca bệnh và phiếu yêu cầu xét nghiệm. Kết quả phản hồi từ Viện Pasteur cho thấy, 1 kết quả dương tính EV71; 2 kết quả âm tính.

Bình Dương ghi nhận ca đầu tiên mắc tay chân miệng tử vong - Ảnh 1.

Bệnh nhân mắc tay chân miệng đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương

Trước tình hình dịch bệnh tay chân miệng gia tăng và có trường hợp tử vong, Sở Y tế Bình Dương đã chỉ đạo về việc tăng cường công tác giám sát và phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng .

Ngành Y tế Bình Dương duy trì thường xuyên các hoạt động giám sát, xét nghiệm phát hiện ca bệnh và xử lý kịp thời, khống chế không để dịch bệnh lan rộng. Đồng thời tăng cường phối hợp với Viện Pasteur TPHCM triển khai giám sát chặt chẽ các biến thể virus mới.

Tăng cường sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, điều tra, xử lý ngay trong vòng 48 giờ khi phát hiện ca tản phát hoặc ổ dịch tay chân miệng. Tổ chức các đoàn giám sát, hỗ trợ kỹ thuật điều tra, xử lý, báo cáo ổ dịch tay chân miệng tại địa bàn quản lý...

Phòng Y tế các thành phố và cấp huyện thành lập đoàn kiểm tra liên ngành trong công tác phòng chống dịch, kiểm tra công tác giám sát bệnh, vệ sinh phòng bệnh tại các nhà trẻ, trường mẫu giáo đang tổ chức khóa học hè và các hộ trông trẻ tại gia đình. Phát hiện, cách ly sớm ca bệnh, thực hiện vệ sinh lớp học, vệ sinh môi trường.

Bác sĩ Nguyễn Văn Nhưỡng, Phó trưởng Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương cho biết, sốt cao khó dứt là một trong những biểu hiện thường thấy khi mắc bệnh tay chân miệng. Tuy nhiên, triệu chứng này rất dễ khiến người dân nhầm lẫn với các bệnh truyền nhiễm khác, nhất là dịch bệnh COVID-19.

Theo bác sĩ Nhưỡng, sốt cao có thể xảy ra ở nhiều bệnh truyền nhiễm khác nhau, vì vậy cần phải thăm khám kịp thời. Ngoài sốt cao, những dấu hiệu đặc trưng của bệnh tay chân miệng là phát ban dạng phỏng nước ở bàn tay, bàn chân, đầu gối, mông, đau rát ở răng, miệng, tiêu chảy, co giật.

Chia sẻ