460 ca tay chân miệng mỗi tuần tại các tỉnh thành phía Nam

Hải Yến,
Chia sẻ

Bệnh tay chân miệng đang có chiều hướng gia tăng, đặc biệt có sự xuất hiện của chủng Enterovirus (EV71). Đáng lưu ý, nhóm trẻ mầm non (dưới 5 tuổi) đi học hè nên có thể sẽ làm tình hình bệnh phức tạp.

Ngày 23-6, Viện Pasteur TP HCM cho biết từ đầu năm đến nay, qua hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, tại 20 tỉnh thành miền Nam ghi nhận khoảng 11.000 ca bệnh tay chân miệng, trung bình khoảng 460 ca mỗi tuần. Đáng chú ý, số ca nặng và số ca tử vong do bệnh tay chân miệng cũng đang gia tăng và cao hơn cùng kỳ năm trước.

460 ca tay chân miệng mỗi tuần tại các tỉnh thành phía Nam - Ảnh 1.

Thường xuyên tập huấn cho thầy cô giáo, người chăm trẻ về dấu hiệu nhận biết sớm trẻ mắc bệnh và các biện pháp phòng chống bệnh tay chân miệng

Theo Viện Pasteur, chủng EV71 đang dần chiếm ưu thế trong các mẫu xét nghiệm ca bệnh nặng tay chân miệng. EV71 là tác nhân thường gây dịch, gây ra biến chứng và nguy cơ dẫn đến tử vong cao hơn các chủng virus khác.

"Hiện đang là thời điểm bệnh tay chân miệng gia tăng, đặc biệt có sự xuất hiện của EV71. Đáng lưu ý, nhóm trẻ mầm non (dưới 5 tuổi) còn đi học hè nên có thể sẽ làm tình hình bệnh phức tạp trong thời gian tới" - Viện Pasteur nhận định.

Tại Việt Nam, bệnh tay chân miệng gặp quanh năm, ở hầu hết các tỉnh thành, trong đó các tỉnh miền Nam thường chiếm 60%-80% số ca bệnh trên toàn quốc và bệnh thường tăng vào tháng 4 đến tháng 6 và tháng 9 đến tháng 10 khi bắt đầu năm học mới.

Bệnh chưa có biện pháp điều trị và phòng chống đặc hiệu. Bệnh tập trung nhóm trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi và do virus, rất dễ lây, thường lây nhanh qua đường tiêu hóa ở trẻ sống cùng nhà và sinh hoạt cùng nhà trẻ.

Viện Pasteur TP HCM nhấn mạnh bên cạnh nguồn lây từ người lớn, mật độ dân số cao, sống chật chội; điều kiện vệ sinh kém; thiếu nước sạch phục vụ cho sinh hoạt hằng ngày… là điều kiện cho bệnh tay chân miệng lây lan. Ngoài ra, khí hậu nóng ẩm của miền Nam là điều kiện thuận lợi cho virus gây bệnh tay chân miệng phát triển mạnh. Bên cạnh đó, trong bối cảnh giao lưu đi lại dễ dàng, biến động dân số mạnh trong điều kiện mầm bệnh luôn có sẵn.

Do đó, các cơ quan chức năng khuyến cáo cần theo dõi phát hiện sớm tại các nhà trẻ, mẫu giáo, nhóm trẻ tập trung. Hộ gia đình có trẻ cần chủ động giám sát sức khỏe để kịp thời phát hiện sớm ngay khi trẻ có dấu hiệu bệnh. Đồng thờI, thường xuyên tập huấn cho thầy cô giáo, người chăm trẻ về dấu hiệu nhận biết sớm trẻ mắc bệnh và các biện pháp phòng chống.

Trẻ khi mắc bệnh cần được nghỉ học ít nhất 10 ngày kể từ khi khởi phát bệnh. Người chăm sóc trẻ bệnh cần nắm vững các dấu hiệu chuyển bệnh nặng để kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.

Theo Viện Pasteur TP HCM, để phòng chống dịch bệnh tay chân miệng một cách kịp thời và hiệu quả, cần đảm bảo 3 sạch gồm: ăn uống sạch; ở sạch; bàn tay và đồ chơi sạch cho cả trẻ em, người lớn và người chăm sóc trẻ.

Chia sẻ