BÀI GỐC Con dâu phát hiện mẹ chồng lén lút ngoại tình

Con dâu phát hiện mẹ chồng lén lút ngoại tình

Mẹ chồng tôi đang giấu cả gia đình lén lút đi lại với một người đàn ông đã về hưu sống gần khu nhà tôi. Cay đắng hơn khi tôi nghĩ mình chính là một phần nguyên nhân của việc này.

2 Chia sẻ

Ân hận vì đã lên án mối tình ngoài luồng của bố chồng

,
Chia sẻ

Chúng tôi sững sờ câm lặng. Những ngày tháng sau đó, ông dường như cắt đứt hẳn liên lạc với bà bán hoa, ông trở lại kinh kệ đêm đêm trước bàn thờ Phật. Vài năm sau, ông mất…

Tâm sự của bạn Lazy gợi nhớ cho tôi nỗi ân hận trong suốt nhiều năm qua của mình. Tôi cũng từng đứng ở vị trí một người con dâu mà phán xét và lên án mối tình ngoài luồng của bố chồng tôi. Đối với tôi ngày đó, những tình cảm ngoài vợ ngoài chồng không chỉ trái đạo đức và danh dự mà nó còn ngang ngửa với bệnh HIV, nó đáng bị ghê tởm, đáng bị phê phán và ngăn chặn. Giờ nghĩ lại, tôi không hiểu sao lại suy nghĩ và hành động một cách tiêu cực như thế. Chắc là do bởi bản năng ích kỷ với tư cách là một người đàn bà, một người con hay chỉ vì lòng kiêu hãnh của gia đình và bản thân mà chưa đủ can đảm để xóa bỏ lề lối, đặt hạnh phúc cá nhân lên miệng tiếng người đời? Và tôi xin chia sẻ với mọi người, hi vọng sẽ không còn ai mắc sai lầm như tôi ngày đó…

Sau khi kết hôn, tôi về sống cùng với bố mẹ chồng. Tôi hãnh diện vì được làm dâu một gia đình không quá dư dả nhưng là nếp nhà gia giáo có truyền thống. Cũng như tôi, bố mẹ chồng đều là giáo viên nhưng đã về hưu và là Phật tử ngoan đạo từ bao năm nay. Mỗi sáng chủ nhật khoác trên mình chiếc áo lam, ngồi trên xích lô chở đến chùa cùng bố mẹ chồng với những bó huệ tinh khiết thơm ngát là niềm tự hào của tôi thuở ấy và cũng là kí ức đẹp nhất của tôi về họ.
 

Năm tôi sinh đứa con thứ hai thì mẹ chồng mất vì ung thư. Do bà trở bệnh đã lâu, tinh thần đã chuẩn bị sẵn nên nỗi đau không quá lớn. Nhưng tâm lý hụt hẫng và việc thiếu đi bóng dáng của một người phụ nữ trong nhà khiến cho mọi người lúc mỉm cười cũng thấy xót xa. Bố chồng tôi cố tỏ vẻ kiên cường nhưng ông thức khuya tụng kinh nhiều hơn, lần tràng hạt lâu hơn và cũng trầm ngâm hơn. Nhìn bóng ông quỳ phục trước bàn Phật đêm đêm hắt lên tường, tôi biết ông cô độc đến nhường nào. Và tôi những tưởng, nỗi đau ấy sẽ mãi theo ông cho đến hết những năm sống còn lại…

Nhưng vừa giỗ đầy năm mẹ chồng, bố chồng tôi đã tìm thấy nụ cười, sắc hồng trở lại trên khuôn mặt ông. Ông cũng thôi bảo tôi đi chùa cùng. Tôi đồng ý, vì biết đâu ông muốn một mình ôn lại kí ức cùng người vợ thương yêu từ những buổi sáng đó. Thấy bố dần nguôi nỗi đau mất vợ, vợ chồng tôi rất mừng và chăm lo cho bố nhiều hơn. Nhưng cũng từ đấy, những tin đồn bắt đầu râm ran. Ban đầu, tôi và chồng không ai để tâm lắm nhưng càng về sau, càng nhiều người chỉ trỏ khiến chúng tôi chột dạ nghe ngóng.

Họ truyền tai nhau rằng bố chồng tôi và bà lão bán hoa đầu cổng chợ đang yêu nhau. Chúng tôi bật cười: “Tuổi thất thập cổ lai hy vẫn còn biết yêu hay sao” rồi vô tư kể lại với bố bằng giọng bông đùa: “Bố mua hoa huệ viếng chùa thường xuyên quá làm thiên hạ ghen và dị nghị đấy.” Lúc đấy ông chỉ im lặng. Chúng tôi nghĩ chắc hẳn ông giận miệng tiếng người đời lắm vì cả đời ông là nhà giáo và là con nhà Phật, ông ăn ở phải đạo và được tiếng thơm của tất cả mọi người, nay vợ mất chưa lâu đã bị dèm pha, hẳn ai mà không buồn bực. Nhưng những gì diễn ra sau đó khiến chúng tôi biết mình đã lầm.

Tôi không hay bố chồng tôi bắt đầu thay đổi từ lúc nào, nhưng cho đến buổi sáng mẹ tôi tình cờ từ dưới tỉnh lỵ lên thăm cháu thì mới bắt đầu biết. Từ trước đến giờ, sau khi vợ chồng tôi đưa cháu lớn đi học rồi đi làm, bố chồng luôn ở nhà trông cháu nhỏ và cắm cơm sẵn chờ chúng tôi về. Tôi cứ đinh ninh như vậy. Sau khi gọi cửa mãi chẳng thấy ai trả lời, mẹ tôi nhờ người đến cơ quan gọi tôi về. Tôi tất tả chạy về, trong lòng thầm trách mẹ mình lên chơi mà không báo trước và băn khoăn tự hỏi bố chồng đi đâu vắng nhà.

Đến ngang cổng chợ, thấy gian hàng bà lão bán hoa đã đóng cửa nhưng lúc đang vội, tôi cũng không lắm để tâm. Bố tôi không có nhà thật, hôm nay cũng đâu phải chủ nhật mà đi chùa. Đợi mãi đến trưa, giờ chúng tôi tan sở thì ông mới lững thững dắt cháu về. Thấy tôi và bà thông gia, ông rất bất ngờ và thoáng lúng túng rồi nói rằng ông dắt cháu đi đánh cờ tướng. Tôi hỏi con thì con bảo con ngồi chơi với các anh chị rất vui nên tôi cũng không giận gì, chỉ hơi nghi ngại mơ hồ.

Chuyện cứ thế cho đến một hôm, đang cùng các chị trong cơ quan đi mua ít đồ gia đình, tôi chợt thấy bố chồng đang ngồi trên xích lô cùng bà bán hoa tay trong tay rất tình cảm, vẻ hạnh phúc mãn nguyện như hiện rõ trên khuôn mặt hai người. Hình ảnh ấy bất giác khiến tôi nhớ lại những buổi sáng đi chùa cùng mẹ chồng và nó khiến tôi sững sờ. Sau khi xâu kết mọi chuyện, tôi cảm thấy đau đớn như chính mình bị phản bội. Tôi tự hỏi mình một người đàn ông đã ngoài 70, đã là ông của các cháu và vẫn chưa mãn tang vợ mà vẫn có thể yêu người phụ nữ khác công khai vậy sao?

Nghĩ đến đây tôi sực nhớ đến con mình, chẳng phải ông giữ cháu sao, vậy thì con mình giờ đang ở đâu? Chính điều đó khiến tôi điếng người và tức giận một cách vô lý, không suy nghĩ gì tôi đuổi theo chiếc xích lô đã đã gần đi khuất và vội vã gọi bố chồng. Trông thấy mặt tôi đỏ gấc lên và sắp khóc vì giận, ông và bà lão kia vội vã buông tay. Ông từ tốn nói: “Thôi bố đi đón cháu rồi mình về nhà nói chuyện, đừng làm ầm ĩ xấu mặt với thiên hạ”. Một chút cay đắng và khinh khi trào lên đến cổ họng tôi khi nghe câu đấy. Tôi thầm nghĩ “Bố sợ mất mặt sao lại còn làm vậy.”

Trưa đấy, tôi gọi chồng về sớm để mọi người cùng làm rõ mọi chuyện. Thì ra bấy lâu nay bố tôi vẫn gửi cháu ở nhà con của bà lão bán hoa kia trong khi cùng bà đi đây đó, lúc thì đi chùa, lúc thì lại thăm hội bạn già, cả lúc lại đi ăn cùng nhau. Chồng tôi cũng có cảm giác bị phản bội giống tôi, bởi hơn ai hết anh hiểu rõ tình cảm nồng nàn giữa bố mẹ mình và tôi cũng tin rằng, là con cái, không ai đang trong hoàn cảnh đó đủ bình tĩnh và sáng suốt để không ích kỷ và tức giận. Chúng tôi còn bàng hoàng hơn nghe ông “xin” được cưới hoặc là đưa người đó về sống cùng.

Tôi và chồng mỉa mai một cách cay đắng, thay nhau đưa ra lý lẽ để phản đối ông rằng ông đã có tuổi, vợ mất chưa lâu. Vậy mà với tư cách một nhà giáo, một người cha, người ông mẫu mực, ông có thể lấy thêm vợ được sao, rồi họ hàng, thiên hạ, họ sẽ chê cười như thế nào. Những năm đầu 90, xã hội ở những thành phố tỉnh nhỏ như tôi sống còn lắm chật vật và bao cấp, huống chi nói đến việc thay đổi quan niệm sống, nhất là với những người đã làm bố làm mẹ.
 
 
Chúng tôi cho rằng ông ích kỷ, không nghĩ đến danh dự của gia đình, không nghĩ đến những điều tiếng có thể làm xấu mặt chồng tôi ở trường, chỉ mải lo hạnh phúc cá nhân trong khi đã gần đất xa trời. Nghiệt ngã hơn, tôi còn đem lí do ông là Phật tử, đã thuộc nhiều kinh sách để lên án hành động mà theo tôi là không hợp tình lẫn hợp lý đó của ông. Bố chồng tôi trước sau vẫn im lặng, trước khi đứng dậy bỏ vào phòng, ông chỉ nói rằng: “Kinh Phật đâu có cấm con người được hạnh phúc, các con chỉ hẹp hòi nghĩ đến danh dự cá nhân mà không hiểu rằng những năm cuối đời là những năm khó khăn nhất, nếu không có tình yêu làm bầu bạn thì đó chẳng qua những giây phút chờ đợi cái chết. Bố cũng có phần ích kỷ, nhưng đôi khi tước đi hạnh phúc của một người còn ác độc hơn giết chết người đó”.

Chúng tôi sững sờ câm lặng, lời bố đau đáu và xót xa. Chúng tôi cùng khóc. Khóc rất nhiều. Những ngày tháng sau đó, ông dường như cắt đứt hẳn liên lạc với bà bán hoa, ông trở lại kinh kệ đêm đêm trước bàn thờ Phật. Tiếng tụng kinh đều đều và chiếc bóng hiu hắt trên tường trở lại cô độc như những ngày đầu mẹ mới mất. Vợ chồng tôi cũng đau khổ nhưng chỉ biết tìm mọi cách để quây quần và chăm sóc ông nhiều hơn chứ không một lần dám thay đổi ý định. Vài năm sau, ông mất…

Đây là điều mà tôi ân hận suốt cả cuộc đời, vợ chồng tôi đã trực tiếp tước đi hạnh phúc cuối đời của bố mình và gián tiếp giết chết ông. Và mãi sau này tôi mới biết, trong khi những đứa con ít được học hành của bà lão bán hoa chấp nhận và ủng hộ mẹ mình đến với bố tôi bằng cách trông cháu giúp ông trong những lần hai người hò hẹn thì tôi và chồng-những con người mẫu mực trí thức của xã hội lại phản đối và lên án họ. Có phải chăng, chúng tôi là những con người hèn nhát và ích kỉ, chưa một lần tôn trọng hạnh phúc của mình và người khác theo nghĩa chân thực nhất…

Chia sẻ