5 bài học quý giá từ kỳ thực tập hè ở Hollywood của chàng trai cựu học sinh Amsterdam

Tâm Bảo Kiều,
Chia sẻ

"Hãy thấy may mắn khi nhận được phê bình và góp ý, vì ít ra bạn còn chưa bị đuổi việc. Đừng lấy tiền làm cán cân, làm thước đo, làm đích đến..."

5 bài học quý giá từ kỳ thực tập hè ở Hollywood của cựu 9x Amsterdam

Nguyễn Siêu:

- Được 7 trường ĐH danh giá của Mỹ nhận: Vassar College, Tufts University, Oberlin College, Franklin and Marshall College, Dickinson College, Saint John’s University, Yale-NUS College in Singapore.

- Hiện đang học ngành Quan hệ Quốc tế và Điện ảnh trường Vassar College (Học bổng toàn phần 52.000 USD/năm)

- Thực tập cho Production house của Paranormal Activity tại East Hollywood, LA.

- Trưởng BTC Truyền thông VietAbroader

- Cộng tác viên một số báo Việt Nam

- Trợ lý thiết kế đoàn làm phim SONA – phim ngắn đầu tay của nhà văn Hoàng Nhật. Đạo diễn và sản xuất các phim: Alternative, 2014, Sing Me A Song In The Dark...

Vốn đam mê với điện ảnh và truyền thông, Nguyễn Siêu (1995) - một cựu học sinh Amsterdam đã mạnh dạn đăng ký thực tập ở Paranormal Activity tại East Hollywood, LA. Kỳ thực tập đã mang đến cho Nguyễn Siêu những trải nghiệm thú vị cùng những bài học đáng giá ở vùng đất được mệnh danh là kinh đô của điện ảnh này, và dưới đây là chia sẻ của chính người trong cuộc.

5 bài học quý giá từ kỳ thực tập hè ở Hollywood của cựu 9x Amsterdam
Kỳ thực tập hè của Nguyễn Siêu tại East Hollywood đã mang đến cho cậu bạn những trải nghiệm hết sức thú vị.

Thật may mắn vì chưa có mùa hè nào, tôi cảm thấy mình học được nhiều và trưởng thành nhiều như mùa hè năm nay. Guồng quay công việc và những cuộc chuyện trò dần phác ra cho tôi một bức tranh sơ lược về Hollywood. 

Những cuộc gọi tới văn phòng buổi sáng sớm mà cả lũ chúng tôi im lặng vì đầu dây bên kia là Ryan Murphy; những buổi công chiếu phim được nghe James Wan và Dwayne “The Rock” Johnson chia sẻ về chặng đường của họ, mọi thứ đều hối hả và bận rộn, nhưng qua mỗi trải nghiệm tôi lại học được thật nhiều điều. Hôm nay cũng là một ngày như vậy. Chúng tôi vừa kết thúc một buổi nói chuyện với “sếp lớn", nghe cô kể về những dấu mốc nghề nghiệp, lúc cô đưa Ryan Seacrest lên sóng truyền hình lần đầu tiên, lúc cô thức đêm gửi 3 business models từ New Mexico về Los Angeles để gây dựng “The Walking Dead,” “Breaking Bad” từ những show truyền hình “chẳng hãng nào mua” thành hiện tượng toàn cầu. 

Có rất nhiều lời khuyên và những “quy luật ngầm” tôi học được từ buổi gặp gỡ này và cả suốt 10 tuần thực tập vừa qua, mà tôi muốn chia sẻ ngay sau đây:

Hãy thấy may mắn khi nhận được phê bình và góp ý, vì ít ra bạn còn chưa bị đuổi việc

5 bài học quý giá từ kỳ thực tập hè ở Hollywood của cựu 9x Amsterdam
Siêu cùng bạn trải nghiệm trực tiếp phim "The Conjuring 2" Premiere ở Hollywood Blvd.

Tôi biết và cũng từng làm việc với nhiều người, khi nhận được góp ý về sản phẩm hoặc cách làm việc liền tự ái, tức giận hay thậm chí bỏ việc. Người làm trong ngành nghệ thuật có cái tôi lớn cũng dễ hiểu, nhưng nếu có ai (với kinh nghiệm và chuyên môn) quan sát cách bạn làm việc, dành thời gian để xem sản phẩm bạn làm để đưa ra nhận xét, thực ra họ nằm trong số ít những người còn quan tâm tới quá trình và công sức của bạn. Ở chỗ tôi thực tập có một chị nhân viên bị sa thải chỉ vì ăn vận không thuận mắt sếp. Một chị khác mới vào có 3 tuần cũng bị sa thải ngay mà chẳng rõ lý do. 

Trò chuyện với mọi người thì tôi được biết ở đây, nếu bạn làm sai điều gì, rất có thể bạn sẽ nhận quyết định đuổi việc ngay ngày hôm ấy thay vì được chỉ ra mình sai ở đâu để sửa chữa. Người ta cũng chẳng đoái hoài nói rằng bạn bị đuổi vì sao để rút kinh nghiệm ở nơi làm việc kế tiếp. Ai cũng phạm sai lầm, và biết được mình sai ở đâu chắc chắn tốt hơn không biết mình có điểm yếu gì. Kể cả đó có là một lời nói chua ngoa hay khắc nghiệt, hãy dẹp bỏ lòng tự ái sang một bên, vì đằng sau mỗi lời phê bình là cơ hội để sửa chữa và cải thiện bản thân – một thứ mà những lời ngọt ngào trống rỗng không mang lại được.

5 bài học quý giá từ kỳ thực tập hè ở Hollywood của cựu 9x Amsterdam
Siêu cũng kịp trải nghiệm một số nơi trên nước ngoài khác như Nhà trắng...

5 bài học quý giá từ kỳ thực tập hè ở Hollywood của cựu 9x Amsterdam
... còn đây là tại Thành Rome.

Sẵn sàng làm nhiều hơn những gì được yêu cầu

Lời khuyên quý giá nhất tôi nhận được ở Blumhouse là “You’ll get the extra mile when you go the extra mile” – Khi bạn chấp nhận làm nhiều hơn cả những gì được yêu cầu, bạn sẽ nhận được nhiều thứ hơn so với những người khác. Nếu bạn chỉ có nghĩa vụ làm việc 8 tiếng một ngày, tất nhiên sếp không có quyền bắt bạn làm 10 tiếng, nhưng điều đó không ngăn cản một thực tập sinh khác tình nguyện làm tới 10 tiếng, hy sinh một chút thời gian cá nhân cho công việc. Chắc chắn người này sẽ gây ấn tượng với sếp nhiều hơn, và khi có cơ hội việc làm, sếp sẽ nghĩ tới người này trước nhất. 

Người làm việc 8 tiếng không có gì sai, nhưng để thành công, bạn không chỉ cần giỏi, mà phải giỏi-hơn-người-khác. Nếu bạn chỉ làm “vừa đủ” để đạt chuẩn, bạn cũng nhận lại được những thứ “vừa đủ” – lương (nếu có), kinh nghiệm và sự quý trọng – y hệt như những người đồng nghiệp khác. Nếu bạn muốn trở thành người giỏi nhất, ấn tượng nhất, thì đây mới chỉ là “điều kiện cần” chứ chưa phải “điều kiện đủ", mà phải chứng tỏ mình làm được hơn. Ừ, có thể coi đó là cho nhiều hơn nhận, nhưng ở sòng bạc, muốn thắng lớn bạn cũng phải đặt cược lớn trước hay sao. Cuộc đời ngẫm ra chỉ là một trò chơi, ai biết luật thì sẽ thắng.

5 bài học quý giá từ kỳ thực tập hè ở Hollywood của cựu 9x Amsterdam


Chàng trai Nguyễn Siêu trong những lần đi thăm thú nước bạn.

Luôn nói những lời tích cực nơi công cộng

Sự thật là, ở Los Angeles, nếu bạn đi vào bất cứ một quán cafe, một nhà hàng nào, người ngồi bên cạnh bạn hoàn toàn có thể là một đạo diễn, một nhà biên kịch, một nhà đầu tư. Đây là mảnh đất của Điện ảnh, nên kể cả người lướt qua trên đường, người ngồi cạnh trên tàu điện cũng có thể trở thành người đỡ đầu bạn trong sự nghiệp sau này, giúp bạn có một công việc hoặc chuyển thể một kịch bản thành phim. 

Nếu bạn nhỡ mồm “nói xấu sau lưng” một người nào đó, hoặc một kịch bản/ bộ phim của người đó, bạn chẳng bao giờ biết được nếu người đó đang ngồi cách bạn vài gang tay, cau mày để nhớ khuôn mặt của bạn và không quên đưa bạn vào “danh sách đen.” Những mối quan hệ làm ăn ở Hollywood chủ yếu dựa vào mối quan hệ giữa người với người giản dị trong cuộc sống thường ngày, cho nên đừng để bị nhiều người ghét.

Đừng quá thực dụng khi tạo mối quan hệ

Bây giờ, nhiều người thực dụng trong việc tạo lập mối quan hệ quá. Họ sẵn sàng bợ đỡ, nịnh hót những người có thế lực, có danh tiếng, có mối quan hệ rộng, nhưng thái độ thì quay ngoắt với những người có vẻ yếu thế hơn. Có hai điều tôi nhận thấy trong quá trình thực tập mùa hè này. 

Một, rất dễ để người ta nhận ra ai chỉ xu nịnh và ai chân thành. Rõ ràng ở mảnh đất của điện ảnh, đã diễn là phải diễn giỏi, mà có diễn giỏi cũng dễ nhìn ra. 

Nếu trong cách trò chuyện, trong cách hỏi han không có đủ sự nhiệt tâm, có đủ năng lượng, người ta rất dễ đoán biết ra mục đích của bạn là gì. Hai, ở Hollywood thì “cái quái gì cũng xảy ra được.” Rất dễ để một anh diễn viên “quèn” trở thành ngôi sao sáng chỉ qua một đêm, một đạo diễn vô danh bỗng chốc cầm cao tượng vàng. Vì vậy, đừng coi thường bất kỳ ai. Dù họ trông có vẻ kém cỏi ngay lúc này, nhưng biết đâu chỉ vài năm tới, họ lại là người có quyền, có tiếng, có thể nâng đỡ và giúp bạn trong sự nghiệp.

5 bài học quý giá từ kỳ thực tập hè ở Hollywood của cựu 9x Amsterdam
Cùng với những trải nghiệm thú vị về đất nước và con người Mỹ, chàng trai trẻ đã rút ra cho mình nhiều bài học quý giá.

Đừng lấy tiền làm cán cân, làm thước đo, làm đích đến

Hơn 60% công việc thực tập ở Hollywood là thực tập không lương. Điều này khá phổ biến với các ngành như điện ảnh và báo chí. Nếu không nhận được gì, tại sao bao nhiêu sinh viên Mỹ vẫn đổ xô đi thực tập mỗi mùa hè và cả trong năm học? Điều họ nhận được có lẽ còn đáng giá hơn đồng tiền – đó là những mối quan hệ, đó là cơ hội phát triển bản thân, đó là khi sếp của bạn cần tuyển nhân viên chính thức, họ sẽ nghĩ tới bạn đầu tiên mà không cần đọc hồ sơ của một ứng viên xa lạ. 

Trong ngành phim, sự tin tưởng là cái gốc bền chắc của mọi công việc, vì không thể bỏ $70,000 làm phim mà giao quyền đạo diễn cho một người không quen được. Sếp của tôi vẫn nói, thực tập chưa phải lúc kiếm tiền trang trải cuộc sống, mà là quá trình chứng tỏ bản thân với những người sẽ đỡ đầu và trả lương cho bạn sau này. 

Cô nhấn mạnh: “Đừng nghĩ mình quan trọng". Nhiều người vẫn nghĩ vì mình có một nền giáo dục đàng hoàng, hoàn thành tốt một bộ hồ sơ tuyển dụng và vượt qua vòng phỏng vấn một cách xuất sắc, tức là họ “xứng đáng” có một công việc “tử tế.” Tất cả những yếu tố trên chỉ mang tính nền tảng, không thể quan trọng bằng quá trình làm việc thực, quá trình tiếp xúc thực để giành được sự tin tưởng của ai đó. Phải có một quãng thời gian làm không công mà bạn đủ rộng lượng để “hy sinh,” thì sau này hy vọng sẽ được đền đáp xứng đáng.


Chia sẻ