2 việc cần làm để thoát khỏi đám cháy an toàn

Ngọc Minh ,
Chia sẻ

Để thoát khỏi đám cháy một cách an toàn, theo chuyên gia, mọi người cần phải có kỹ năng xử trí để tránh bị ngạt khí.

Mới đây, vụ cháy chung cư mini trong ngõ 29/70 phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân (Hà Nội) đã ghi nhận nhiều nhiều trường hợp bị thương và tử vong. Lực lượng chức năng đã xác định đây là vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng xảy ra vào thời điểm giữa đêm tại nơi có nhiều hộ dân đang sinh sống.

Theo ghi nhận ban đầu, 3 bệnh viện là Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Bưu điện, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông đã tiếp nhận 40 nạn nhân. Trong đó, có 9 nạn nhân đã tử vong ngoài viện, một người đang trong tình trạng nguy kịch, các trường hợp còn lại đang điều trị ngạt khí và chấn thương.

Để thoát khỏi đám cháy an toàn, dưới đây là những tư vấn của chuyên gia.

PGS.TS Trần Hồng Côn, Nguyên chủ nhiệm bộ môn công nghệ Hóa học, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, cho biết đám cháy sẽ giải phóng ra một lượng lớn khói muội (sản phẩm của chất hữu cơ chưa cháy hết), khói này thường đen xì. Bên cạnh đó, khi cháy cũng sẽ sinh ra một lượng lớn khí CO. Trong các đám cháy, phần lớn những người bị ngạt là do ngạt khí CO và ngạt khói muội. Khi nạn nhân hít phải lượng lớn các chất này có thể ngộ độc dẫn đến tử vong.

CO là một loại khí độc nhưng không màu, không mùi, không vị. Ban đầu, khí CO không gây khó chịu nên rất khó phát hiện. Đây là sản phẩm của quá trình đốt cháy không hoàn toàn các hợp chất hữu cơ do thiếu nguồn oxy cung cấp.

2 việc cần làm để ngạt khí, hít phải khí độc thoát khỏi đám cháy an toàn - Ảnh 1.

Lãnh đạo Bộ Y tế tới thăm hỏi các nạn nhân (Ảnh: PV)

Người ngộ độc khí CO ở nồng độ thấp, nạn nhân có các triệu chứng chóng mặt, đau đầu; tiếp xúc với nồng độ lớn hơn có thể gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương và tim mạch.

Bên cạnh khí CO, khói muội, các vật liệu bị đốt cháy như nhựa, sơn… sẽ có tác động nhất định tới sức khoẻ.

PGS Côn cho hay để tránh tình trạng ngạt khí, ngộ độc trong đám cháy, mọi người cần lưu ý :

- Sử dụng mặt nạ chống độc. Nếu không có mặt nạ chống độc nạn nhân phải sử dụng khăn, vải thấm nước bịt mũi để lọc không khí khi thở.

- Trong quá trình di chuyển nên cúi thấp người hoặc bò sát mặt đất. Do khi cháy, nhiệt độ và khí sẽ bốc lên cao nên bò thấp sẽ tránh hít phải khí độc.

Trường hợp khói, lửa bao trùm cửa chính ra vào căn hộ và hành lang, cần nhanh chóng đóng cửa và có biện pháp ngăn khói, lửa lan truyền vào căn hộ. Sử dụng điện thoại nhanh chóng gọi cho lực lượng Cảnh sát PCCC theo số 114; Di chuyển ra vị trí cửa sổ, ban công hô to và dùng áo, khăn, vật sáng màu để thu hút sự chú ý.

Để góp phần hạn chế thiệt hại do cháy nổ gây ra tại các chung cư, nhà cao tầng, Cục Cảnh sát PCCC khuyến cáo một số nội dung sau:

Kỹ năng di chuyển an toàn trong quá trình thoát nạn

- Kỹ năng mở cửa: Trước khi mở cửa, chú ý quan sát xung quanh, kiểm tra nhiệt độ cánh cửa, tay nắm cửa. Nếu không thấy khói, lửa, nhiệt độ không nóng, cúi thấp người, mở cánh cửa một cách từ từ để thoát ra khỏi phòng.

- Kỹ năng di chuyển an toàn:

+ Tuyệt đối không được chen lấn, xô đẩy có thể dẫn đến chấn thương và nguy hiểm đến tính mạng nhiều người.

+ Nếu phải đi qua các khu vực bị khói bao phủ, cần hạ thấp trọng tâm kết hợp sử dụng khăn, vải mềm thấm ướt bịt vào mũi để hạn chế hít phải khói, khí độc.

+ Trường hợp bắt buộc phải băng qua lửa, sử dụng chăn, áo khoác dày… thấm ướt nước, trùm lên người rồi thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm.

+ Trường hợp bị lửa tác động dẫn đến bén cháy quần áo, nhanh chóng di chuyển ra khỏi khu vực đám cháy rồi dừng lại, nằm xuống đất (hoặc sàn), lấy hai tay che mặt và lăn qua lăn lại cho đến khi ngọn lửa được dập tắt.

Lưu ý:

- Tuyệt đối không được chèn cửa vào buồng thang thoát nạn.

- Tuyệt đối không để các vật dụng che, chắn trên hành lang và cửa vào buồng thang thoát nạn.

Chia sẻ