Yêu quá cuộc sống bận rộn mà ngập tràn tiếng cười của ca sinh 5 đầu tiên tại Việt Nam

Hương Thu ,
Chia sẻ

Năm em bé trong ca sinh 5 đầu tiên ở Việt Nam nay đã lớn hơn. Các bé đều tinh nghịch, hiếu động và cũng hay quậy phá, tranh giành đồ chơi với nhau khiến mẹ lắm lúc toát mồ hôi.

sinhnam1
Cách đây gần ba năm, ngày 17/3/2013, ca sinh năm hiếm gặp của sản phụ 28 tuổi Lê Huỳnh Anh Thư đã trở thành một sự kiện của ngành y. Đây là ca sinh năm đầu tiên và duy nhất từ trước đến nay tại một bệnh viện ở Việt Nam. Trong căn nhà nhỏ ở đường Trần Bình Trọng (Q.5, TP.HCM), 5 đứa nhỏ giờ đây đã ở tuổi lên ba.

sinhnam2
Đây gần như là điều kỳ diệu mà cuộc sống ban tặng cho hai vợ chồng chị Thư, anh Hiếu. Gia đình đặt họ và chữ lót các bé là Nguyễn Lê Quách Thế, còn tên thì gắn vào lần lượt theo tứ tự từ lớn đến bé. Ba bé trai là Huynh, Đệ, Lộc còn 2 gái là Phượng, Muổi. Trong ảnh là các bé Huynh, Lộc, Phượng, Muổi và Đệ theo thứ tự từ phải sang trái.
 
sinhnam3
Không thấy tin vui sau hơn một năm kết hôn, anh Hiếu lại khá lớn tuổi, lúc đó đã gần 40 nên chị Thư mới áp dụng phương pháp kích trứng để thụ thai. Mẹ anh Hiếu nói vui, bà từng mong con dâu sinh đôi vì bà có duy nhất một đứa con nhưng cuối cùng quá bất ngờ khi có đến 5 đứa cháu. Trong ảnh, chị Thư đang cho 5 "cục cưng" ăn bữa tối.

sinhnam4
Sau gần 3 năm chăm sóc, các bé đều lớn nhanh, phát triển bình thường. "Có một lúc 5 người con, hai vợ chồng ban đầu bất ngờ rồi hạnh phúc vì đây giống như lộc trời cho. Nhưng đánh đổi lại là việc nuôi dạy gặp nhiều khó khăn, mệt mỏi. Nguyên tiền sữa không đã khoảng chục triệu/tháng. Cũng đỡ một phần vì công ty của chồng tôi tài trợ mỗi tháng 5 triệu cho đến năm các cháu 18 tuổi", chị Thư chia sẻ. 

sinhnam5
Chị ước chừng, mỗi tháng gia đình hết gần 20 triệu chi phí hàng tháng cho 5 bé, trong do tiền học mẫu giáo là 7 triệu/tháng. Việc đến trường của các bé cũng không đồng thời. Mỗi sáng chị Thư phải ba lần đưa rước con đến trường, hai bé đi lượt đầu, hai bé đi lượt thứ hai, và một bé đi lượt cuối cùng. Năm bé học ở 2 trường khác nhau.

sinhnam6
Thời gian trước, chị Thư chưa đi làm do ở nhà chăm con. Hiện tại, chị vừa làm vừa đi học thêm đến gần 9h tối mới về. Việc chăm sóc 5 thiên thần nhỏ được giao cho bà nội Nguyễn Thị Kim và người dì. Những lúc đứa trẻ tan học, căn nhà nhỏ 30m2 lại rộn vang tiếng cười nói của trẻ thơ. Các bé đang tuổi tập nói nên bi bô suốt ngày. Trong ảnh, bà Kim chơi đùa với các bé.

sinhnam7
"Thư sinh mổ nên bác sĩ đeo số cho ai trước thì người đó là anh cả. Các bé dù là song sinh nhưng dễ nhận dạng, trước giờ gia đình chưa bao giờ nhầm lẫn thứ tự 5 đứa nhỏ", bà nội Kim nói. Trong ảnh là cậu cả Huynh. So với ba em trai thì Huynh có vẻ nhỏ con hơn. Cậu cả tinh nghịch, cũng ra dáng người anh, hay "đầu têu" các trò nghịch ngợm cho 4 đứa em.

sinhnam8
Theo bà Kim nhận xét thì cậu hai Đệ là có nét mặt giống ba nhất. Một ngày, các đứa trẻ được tắm kĩ càng vào buổi chiều tối sau bữa ăn. lần lượt từng bé được bà nội gội đầu, kì cọ, lau tai, mặt... sạch sẽ.

sinhnam9
Trong khi đó, so với bốn anh em thì cậu bé Lộc (anh ba) lại khác về hình dáng bên ngoài nhất. Lộc có nét mặt tròn, dáng người mũm mĩm hơn hẳn các bé còn lại. Sở dĩ gọi là Lộc vì khi đến lúc lên bàn mổ, các bác sĩ siêu âm vẫn khẳng định chị Thư sinh 4. Và ông nội cũng đã đặt sẵn tên các cháu là Huynh, Đệ, Phượng, Muổi. Nhưng khi sinh ra lại thấy có 5 em bé. "Tôi nghĩ bé thứ 5 là lộc trời cho nên đặt tên Lộc", bà Kim nói.

sinhnam10
Cô em út Muỗi có đôi mắt to tròn, dễ thương, hiền nhất nhà. Cô Út hay được mẹ, bà cưng chiều. Trong khi đó, bé Phượng thì khá nhút nhát, không quá hiếu động như 4 anh em.

sinhnam11
"Việc chăm sóc cùng lúc 5 đứa phải nói là cực mệt ấy chứ vì đứa nào cũng hiếu động. Sợ nhất là ngày chủ nhật, khi các bé không đi nhà trẻ thì bà và mẹ chăm sóc cả ngày. Mệt nhưng vui, nhìn chúng cười đùa là thấy hạnh phúc rồi. Trước kia, có vài người hỏi xin nhưng gia đình đâu thể chấp nhận. Cả 5 anh em sinh ra đã có nhau rồi, sao nỡ tách rời chúng nó", bà Kim chia sẻ.

sinhnam12
Hàng ngày, khoảng 6h30, lần lượt từng bé được mẹ và bà nội đánh thức dậy, tắm rửa, lau tai, lau mũi. Xong bé này đến bé khác vì người lớn không thể quản nổi cùng lúc năm đứa nhỏ. Sau đó, các bé đến trường, buổi chiều bà nội đón về cho ăn uống, tắm rửa rồi để chúng chơi đùa tự do trong căn gác.

sinhnam13
Các bé đều tinh nghịch, hiếu động và cũng hay quậy phá. Có nhiều khi mấy anh em gây sự với nhau, tranh giành đồ chơi với nhau. Chúng sẵn sàng đẩy nhau để giành phần thắng về mình. 

sinhnam16
Và chị Thư và bà nội bọn trẻ lại bắt đầu vất vả trong việc phân xử những vụ tranh chấp, giành nhau đồ chơi, giành mẹ, giành bà... 

sinhnam14
Tuy quậy vậy nhưng 5 đứa trẻ lại biết nghe lời, không có tật biếng ăn. Một bữa bón cơm cho các bé, chị Thư chỉ mất chừng 30 phút là hoàn tất. 5 anh em cũng biết tự nằm ngoan ngoãn uống sữa.

sinhnam17
Tuy hay tranh giành nhau nhưng chỉ cần không nhìn thấy một đứa là bốn đứa còn lại thắc mắc. Hồi mấy bé chưa đi học, chị Thư có ý định tách các bé ra. Chị mang hai con gửi về nhà ngoại nuôi đỡ. Mấy đứa trẻ nhớ nhau, khóc lóc gọi nhau suốt ngày làm bố mẹ phải bỏ ý định tách chúng ra. 

sinhnam18
Ngoài ra, đồ đạc của các bé cũng đều có sự phân biệt rõ ràng vì bọn trẻ rất tinh, chỉ khác cái thìa, kem đánh răng, giày dép hay bộ quần áo là các bé phát hiện ra ngay.

sinh nám9
Khoảng 21h30, bọn trẻ được cho đi ngủ trên hai chiếc đệm kê sát nhau trên gác xép. Thường hai cô con gái được cho đi ngủ trước, ba anh lớn ngủ sau. Hôm nào bọn trẻ quấy thì cả tiếng sau mới ngủ say. Chỉ cần một đứa thức là tất cả cùng không ngủ được. Rồi có khi một đứa bị bệnh là hôm sau, những đứa khác cũng sẽ bị bệnh tương tự.

Từ khi vợ sinh con đến nay, anh Hiếu thường xin tăng ca để có thêm thu nhập. Chị Thư cũng vừa đi làm vừa bán hàng online. Tuy mệt mỏi, khó khăn nhưng gia đình chị Thư lúc nào cũng đầy tình yêu thương, tiếng cười và hạnh phúc bởi "lộc trời cho".
Chia sẻ