Yêu kiểu "tay chân làm việc thay lời nói"

,
Chia sẻ

Bắt đầu là những cái tát, cú cắn, véo tai. Dần dà nàng lên đô cho đến thời điểm “tay chân làm việc thay lời nói”. “Sốc, sốc nữa, sốc mãi” là những gì hắn nói với tôi...

Ban đầu nàng còn e ngại khi có mặt bạn bè của người yêu mình. Nhưng rồi “đánh mãi quen tay, ngại mãi thành hết ngại”, nàng cực kỳ mạnh dạn, tự tin thể hiện cái gọi là “nam nữ bình quyền thời đại mới” cho dù cậu bạn tôi vốn rất mực chiều chuộng nàng.

Cậu bạn tôi tâm sự ngày xưa yêu nàng vì cô ấy nhỏ nhắn, xinh xắn, rất đỗi dịu dàng. Mỗi khi hắn tâm sự, nàng đều tròn xoe đôi mắt nai ngơ ngác tỏ vẻ rất quan tâm và chia sẻ. Ấy thế mà đến khi yêu nhau rồi, mỗi lần bất đồng tranh cãi, nàng mới thật sự thể hiện đẳng cấp võ sĩ đai đen với hắn.

Bắt đầu là những cái tát, cú cắn, véo tai. Dần dà nàng lên đô cho đến thời điểm “tay chân làm việc thay lời nói”. “Sốc, sốc nữa, sốc mãi” là những gì hắn nói với tôi ngay từ “cái lần đầu tiên ấy”. Tôi hỏi vì sao không chia tay, không thể hiện bản lĩnh nam nhi cho nàng thấy thì hắn nói rằng sau mỗi lần như thế nàng lại chủ động xin lỗi, vuốt ve tự ái của hắn, rồi nước mắt ngắn dài rất tội nghiệp khiến cơn giận trong hắn tan chảy như nước đá dưới nắng hè.

Ảnh minh họa

Cứ như thế mọi sự đâu lại vào đấy. Nhiều quá hóa quen, người bạn tội nghiệp của tôi từ bất ngờ không lâu sau đã chuyển thành bất lực trước mỗi cơn tam bành của cô người yêu bé nhỏ.

Bản chất phái mạnh khiến các chàng lúc nào cũng phải tỏ ra cứng rắn như đá, dù bị người yêu đánh cũng ít khi dám lên tiếng hay tìm sự giúp đỡ, bởi sĩ diện đàn ông, bởi ta là phái mạnh thì bị nàng “âu yếm mạnh tay” một chút đã sao. Nhưng dù là đá cũng đến lúc mềm yếu, cũng tan vỡ nếu các nàng dùng bạo lực công phá suốt ngày.

Không chỉ làm mất đi hình tượng dịu dàng và thuần khiết của phụ nữ Việt Nam, việc dùng bạo lực chắc chắn sẽ đưa mối quan hệ vào ngõ cụt. Cậu bạn tôi vui mừng thông báo đã chấm dứt mối quan hệ với cô nàng bạo lực đó. Nhưng tôi cho rằng hắn là một trong số ít ỏi may mắn làm được như thế, bởi nhiều anh không thể dứt được với mối tình kiểu bỏ thì thương, vương thì tội này. Có anh sau khi nói tiếng chia tay còn bị bạo hành nặng hơn. Đặc biệt những anh “sinh ra vốn đã hiền lành, gặp nàng bạo lực nên thành hiền khô” thì khả năng phản kháng lại càng ít.

Xét về góc độ xã hội, tiến sĩ xã hội học Trịnh Hòa Bình, Viện Xã hội học Việt Nam, nhận định: Hành vi bạo hành cơ học của nữ giới đối với nam có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân như ngộ nhận về sức mạnh của bản thân, hoặc cũng có thể do việc không thể giải tỏa áp lực cuộc sống hằng ngày...

Tuy nhiên, dù hành vi bạo hành xuất phát từ nam hay nữ đều không tốt và thường tạo ra nhiều hệ lụy trong quan hệ tình cảm của hai người. Phụ nữ dịu dàng không có nghĩa là yếu đuối và ngược lại những người mạnh mẽ cũng chưa chắc đã thiếu nữ tính. Chúng ta vẫn tự hào về sự mạnh mẽ của phụ nữ Bình Định, họ có thể cưỡi voi, đi quyền, nhưng bản chất sự dịu dàng ấy đến từ nền tảng văn hóa chứ không phải đến từ sức mạnh thể chất.

Theo Tuổi trẻ

Chia sẻ