Xúc động cuộc kiếm tìm cha mẹ của những người con lai gốc Việt

Nguyệt Nguyễn (TH),
Chia sẻ

Nỗi tha thiết tìm về nguồn cội như một bản năng sâu thẳm trong dòng máu Việt, thúc giục họ bắt đầu cuộc hành trình tìm lại cha mẹ đầy gian nan và nước mắt.

Người đàn ông Đức đi tìm bố Việt

Xúc động cuộc kiếm tìm cha mẹ của những người con lai gốc Việt 1
Anh Stephan Neubauer (bên phải) cùng vợ và con gái.

Vào ngày 26/01 vừa qua, một người Đức tên Stephan Neubauer đã đăng trên mạng các thông tin cần thiết để tìm kiếm người cha Việt Nam. Nguyên văn đoạn tìm cha như sau:

“Tôi là người Đức đang tha thiết tìm lại được bố đẻ của tôi là một người Việt Nam.

Tôi tên gọi Stephan; tên họ là Neubauer – tôi mang họ mẹ người Đức.

Tôi được sinh ra năm 1982 tại thành phố Jena vùng Thueringen nước Đức, thời đó thuộc Đông Đức. Vì nhiều trắc trở, mẹ tôi không nuôi được tôi, trao tôi cho bà ngoại tôi nuôi từ khi tôi mới một tuổi. Bố tôi là một người Việt Nam.

Theo bà ngoại tôi kể lại, bố tôi thương tôi, muốn được nuôi tôi và mang về Việt Nam nuôi, nhưng ông đã không thể ra chính quyền nhận là bố đẻ ra tôi. Thời đó người Việt Nam không được phép yêu và có con với người Đức. Ai làm những việc đó bị đuổi học, đuổi làm và phải trở về Việt Nam ngay lập tức. Bố tôi kết thúc thời gian học tập và làm việc của ông tại Cộng hòa Dân chủ Đức năm 1984, rồi rời Đức về Việt Nam. Từ đó cho tới hôm nay không ai có thể liên lạc được với ông nữa.

Nay tôi gửi tin này tới các cơ quan truyền thông Việt Nam, xin các vị đăng tải rộng, may ra cha tôi đọc được và hồi âm cho tôi. Trong trường hợp xấu nhất, ông không còn sống nữa, tôi mong ai biết ông lúc sinh thời, tạo điều kiện cho tôi trao đổi để tôi tìm hiểu về cha tôi.

Xúc động cuộc kiếm tìm cha mẹ của những người con lai gốc Việt 2
Bức hình người cha duy nhất mà anh Stephan còn giữ.

Stephan không rõ bố tên là Trần Sang Sửu hay Trần Say Sửu hay Trần Duy Sửu. Anh cũng không rõ ngày tháng năm sinh của bố là ngày 28/4 hoặc 28/8, năm 1953 hoặc 1954.  Bố anh học nghề và làm việc từ 1978 tới 1984 tại nhà máy VEB Carl Zeiss Jena, Xưởng Goeschwitz, ngành quang học chính xác (Optik). 

Các thông tin khác về bố Stephan cũng mù mờ. "Hồi ở ký túc xá, bố tôi ở cùng một người Việt Nam tên là Dong (Đồng, Đông, Đổng, Dóng, Dòng …?). Hình như bố tôi có một người anh ruột đã học đại học hay cao đẳng tại thành phố Erfurt, CHDC Đức" anh viết.

Tuy nhiên, tình mẫu tử luôn gắn kết họ. Anh đã viết những dòng làm bất cứ ai đọc cũng ngậm ngùi: "Bố ở đâu? Bố có muốn cho con làm quen với bố không?

Nếu vì gia đình, con cái ở Việt Nam mà bố không muốn lập lại quan hệ với con, con hoàn toàn tôn trọng và chấp nhận điều này như một điều dễ hiểu, không có gì xấu xa. Chỉ cần bố lên tiếng cho biết để con chấm dứt cuộc đi tìm bố từ nhiều năm nay".

Stephan để lại những dòng địa chỉ này: "Ai có thông tin cho tôi xin liên lạc với: Stephan Neubauer, Telefon: 0049-17641101544 , email: franzi_stephan@gmx.de, facebook.com/stephan.neubauer.581".


Xúc động cuộc kiếm tìm cha mẹ của những người con lai gốc Việt 3
Hội sinh viên Việt Nam tại Đức đã đăng tải thông tin tìm cha giúp Stephan.

Đoạn thông tin cùng với lời lẽ tha thiết đã được Hội sinh viên Việt Nam tại Đức đăng lại và nhận được rất nhiều phản hồi, chia sẻ. Tất cả mọi người đều hi vọng anh chàng người Đức này có thể gặp lại cha ruột của mình.

Cuộc hội ngộ cảm động của cô gái Đức và người cha Việt

Cuộc tìm kiếm của Stephan Neubauer gợi nhớ đến hành trình tìm cha Việt của cô gái người Đức khá nổi tiếng tên là Franziska Garcia – một kiện tướng trong đội tuyển bóng ném quốc gia ở Bayern. Năm 2011, cô đã gửi thư đến Thời báo Việt Đức với mong muốn tìm được cha ruột.

Xúc động cuộc kiếm tìm cha mẹ của những người con lai gốc Việt 4
Franziska Garcia.

Bức thư viết: “Tôi tên là Franziska Garcia Almendaris, 27 tuổi, xưa kia sống ở Guben, tiểu bang Brandenburg, sau này chuyển tới Leverkusen. Cha đẻ tôi là người Việt. Trước đây tôi không hề biết gì về cha, kể cả ảnh cũng như tin tức. Cứ mỗi lần hỏi, mẹ tôi lại trả lời đơn giản, cha phải trở về Việt Nam. Năm nay, tôi 27 tuổi và đang cố gắng làm cho mình một giấy khai sinh với tên tuổi đúng người cha Việt của tôi, bởi tôi rất mong mỏi gặp mặt cha của mình. Liệu toà soạn có thể giúp tôi được không?”.

Tờ báo phải thốt lên: “Có một cô gái Đức thiết tha tìm bố đẻ người Việt vốn chưa từng biết từ khi lọt lòng, thật cực kỳ hiếm!”

Xúc động cuộc kiếm tìm cha mẹ của những người con lai gốc Việt 5
Cuộc đoàn tụ của cô gái Đức với cha và ông.

Rất nhiều người đã chia sẻ thông tin và giúp đỡ cô gái 27 tuổi, họ viết thư nhờ chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” và may thay, sau hơn 1 năm tìm kiếm, cô đã đoàn tụ cùng người cha chưa bao giờ gặp mặt trong niềm vui sướng vô bờ.

Chàng ca sĩ người Mỹ gốc Việt và hơn 20 năm miệt mài tìm mẹ

Từ đầu năm 2012, người ta thấy bóng chàng ca sĩ da đen người Mỹ gốc Việt Randy thấp thoáng khắp các đường phố Hà Nội, Quảng Nam, TP HCM để tìm người mẹ ruột và cội nguồn bí ẩn của mình.

Xúc động cuộc kiếm tìm cha mẹ của những người con lai gốc Việt 6
Chàng ca sĩ Randy đã miệt mài tìm mẹ suốt hơn 20 năm.

Từ khi bắt đầu nhận biết mình tồn tại trên cõi đời này, anh đã thấy mình mang tên Trần Quốc Tuấn và đang sống trong một cô nhi viện của nhà thờ. Theo chính sách của Viện mồ côi, các dì sơ tìm cho anh một gia đình nhận làm con nuôi.

Đến năm 1983, khi nghe tin Chính phủ Mỹ có chính sách cho những gia đình nuôi con lai Mỹ ở Việt Nam nhập cư. Một gia đình người Hoa ở Hội An muốn nhập cư Mỹ nên đề nghị mẹ nuôi giao anh cho họ nhận làm con nuôi. Đổi lại, họ trao cho mẹ nuôi anh 3 cây vàng. Đang vật vã với cái nghèo, cái khổ, người mẹ nuôi đồng ý giao anh. Anh nhập hộ khẩu vào gia đình người Hoa này để hợp thức hóa thủ tục xin di trú vào Mỹ. Dù được ra nước ngoài, nhưng tuổi thơ của Randy là chuỗi ngày vô cùng khốn khó và cô độc khi không nhận được tình thương của cha mẹ nuôi.

Sau khi trở thành ca sĩ nổi tiếng, anh đi diễn khắp các cộng đồng người Việt trên thế giới. Mỗi lần hát xong, anh luôn nhắn nhủ lời tìm mẹ với khán giả. Nhiều lần anh tự hỏi rồi tự trả lời với lương tâm mình: Điều tôi cần duy nhất trong đời này là chính thức một lần gặp mẹ, được cảm nhận tình cảm máu mủ ruột rà.

Xúc động cuộc kiếm tìm cha mẹ của những người con lai gốc Việt 7
Randy gặp mặt một người phụ nữ cũng bị thất lạc con.

Randy đã trở về Việt Nam nhiều lần và gặp một số bà mẹ bị thất lạc con với hy vọng họ chính là mẹ ruột của mình. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm ADN cho thấy họ đều không phải mẹ đẻ của anh. Và cuộc hành trình tìm mẹ của chàng ca sỹ người Mỹ gốc Việt lại tiếp tục.

Dù chưa được nhận chút hơi ấm người mẹ cho đúng nghĩa, chưa tìm được một vòng tay mà anh khao khát bấy lâu, nhưng Randy đã cảm nhận được tình yêu từ những người đồng bào mà anh mang trong mình nửa dòng máu.
Chia sẻ