Trót yêu bánh vỉa hè Sài Gòn

Theo Tiêu Phong (Ngôi Sao),
Chia sẻ

Từ những loại bánh "tây" tới những loại bánh "made in Tây Nam Bộ" đều có mặt trên vỉa hè nhiều con phố Sài Thành...

1. Bánh bông lan
 
Người miền Tây khi làm bánh bông lan thì nguyên liệu chính là bơ để bánh có độ béo và mềm, nhưng những người hàng rong ở Sài Gòn lại sử dụng nước cốt dừa để thay cho bơ, vậy mà những chiếc bánh vẫn cứ xốp mềm, ngọt béo và thoang thoảng hương thơm nước cốt dừa.
 
Không ai biết được những gánh hàng nướng có từ bao giờ nhưng đã rất quen thuộc trong cuộc sống của người dân Sài Gòn. Chủ nhân thường là những người phụ nữ miền Trung, vào Sài Gòn rong ruổi qua các con phố để mưu sinh bên cạnh gánh bánh của mình.
 
Bánh vừa nướng chín tới.

Không được đào tạo, không qua trường lớp nào, nhưng những chiếc bánh của các mẹ, các chị luôn làm vừa lòng người thưởng thức. Chị Mai, người bán bánh trên vỉa hè đường Mạc Đỉnh Chi, quận 1, cho biết: "Một chiếc bánh bông lan hoàn hảo phải là chiếc bánh xốp mà không khô, không quá ngọt và quá béo, khi cho vào miệng thì cảm giác vừa mềm vừa thơm hương vị của nước cốt dừa".

Chiếc bánh xốp mà không khô, không quá ngọt và quá béo, khi cho vào miệng thì cảm giác vừa mềm vừa thơm hương vị của nước cốt dừa.
 
Bánh bông lan là thứ bánh nướng đậm hương vị Tây, cũng bình dị như bao món quà vặt khác. Chỉ là một ca bột pha sẵn, bếp than đỏ hồng, hai cặp vỉ nướng là người bán đã cho ra lò nhưng chiếc bánh còn nóng hổi và thơm ngon.
 
Những chiếc bánh bông lan vừa xốp mềm, vừa thơm mùi nước cốt dừa.
 
Khác với những gánh hàng rong khác, không ồn ào, náo nhiệt, bánh bông lan nằm im lìm bên một góc phố, người bán không vội vàng, khoan thai đổ từng vỉ bánh cho dù có rất nhiều khách đứng đợi xung quanh. Với những ai đã trót yêu thích mùi vị ngọt ngào và hương thơm của bánh bông lan, họ vẫn kiên nhẫn đợi chờ từng vỉ bánh một vì họ biết, lò nướng có hạn và để bánh chín thì cần phải có thời gian.
 
2. Bánh bò dừa
 
Những chiếc xe bánh bò dừa trên các đường phố Sài Gòn từ lâu đã trở thành hình ảnh thân quen trong mắt người dân ở đây. Cứ vào khoảng cuối buổi sáng cho đến chiều tối lại dọc ngang qua các con phố bắt đầu cho một ngày mưu sinh.
 
Chiếc bánh có hình trụ với hai phần úp vào nhau.

Không ai rõ bánh dừa có xuất xứ từ đâu, kể cả những người làm ra chiếc bánh. Anh Trí, bán tại công viên Lê Văn Tám - quận 1, cho biết: "Tôi gắn bó với nghề này hơn mười năm rồi, nhưng thật sự là tôi cũng không biết bánh bò dừa có nguồn gốc từ đâu, chỉ nghe có người bảo bánh có nguồn gốc từ Bến Tre, nhưng cũng không ai dám khẳng định điều đó".

Những người bán bánh đa phần là mày râu, nhưng hãy dừng lại quan sát, bạn sẽ phải trầm trồ thán phục vì sự khéo léo của họ. Tay họ thoăn thoắt thoa bơ, đổ bột, lắc khuôn và gỡ bánh, cứ như múa, lúc bếp này, khi bếp khác, trở tay liên tục.

Nguyên liệu chính của bánh bò dừa là bột mì, bột nổi, trứng gà. Nhân bánh được làm từ dừa bào sợi xào với đường cát trắng và đậu xanh hấp chín. Múc một vá bột độ chừng muỗng canh đổ vào lòng khuôn, người bán cầm khuôn bánh lắc đều một vòng tròn cho bột tráng đáy không dồn cục. Đặt khuôn bánh lên bếp than đậy nắp lại. Độ chừng 2 phút mở nắp kiểm tra, khi thấy lớp bột mỏng trên thành khuôn đã giòn rộp thì dùng lưỡi dao gỡ bánh.
 

Bánh đổ trong một chiếc khuôn nhỏ hình trụ và được nướng trên bếp than hồng.

Chiếc bánh bò dừa có hình trụ nên sau khi đổ xong một nửa đầu tiên, người bán cạo hết những vết bột dính khuôn rồi dùng bơ hoặc dầu ăn chùi khuôn bánh để đổ tiếp nửa còn lại. Bánh bò dừa ngon là miếng bánh phải giòn nhưng lại dai. Đưa lên miệng cắn một miếng để cảm nhận được cái bánh vừa giòn, vừa dai, vị ngọt và béo của dừa đang hòa quyện vào nhau.

Đồ nghề đáng giá nhất của ngươi bán là những cái khuôn bánh, họ luôn giữ gìn khuôn bánh quen tay nghề với mình, để có thể cho ra những mẻ bánh hoàn hảo nhất. Cái nghề nướng bánh xem chừng là nghề ít vốn liếng nhất nhưng đòi hỏi sự kiên nhẫn và khéo léo của người bán.

Không hiểu vì bánh thơm ngon, lạ miệng, giá rẻ (4.000 đồng một cái) hay vì một lý do nào đó mà bánh bò dừa trở thành một món quà vặt quen thuộc của người Sài Gòn, nhất là với những cô cậu học trò.

3. Bánh tai yến, món ngon đang dần mai một

Với những người thích ăn quà vặt ở Sài Gòn, có lẽ ai cũng biết đến bánh tai yến, nhưng hiện nay hình ảnh gánh hàng rong bán món bánh này đã thưa thớt dần.


Món bánh dân dã trên đường phố Sài Gòn.

Bánh tai yến có nguồn gốc từ miền Tây, theo chân những người dân quê lên Sài Gòn lập nghiệp. Rồi không biết từ bao giờ, bánh tai yến trở thành món ăn quen thuộc của người dân Sài Gòn, hình ảnh gánh bánh tai yến ngay các góc phố, lề đường trở nên thân quen trong mắt mọi người.

Sỡ dĩ, bánh có tên gọi là tai yến vì hình dáng bên ngoài của bánh giống như tổ chim yến. Ở một số nơi, bánh tai yến còn được gọi là bánh nón. Bánh tai yến có công thức chế biến khá đơn giản, nguyên liệu chủ yếu bao gồm đường, bột gạo, một ít bột năng, nước cốt dừa. Trộn các nguyên liệu trên lại với nhau, khuấy đều, để bột nghỉ từ 3 đến 4 tiếng.
 
Dầu ăn cho vào chảo nhỏ, đến khi dầu sôi thì đổ úp từng thìa bột xuống chảo, động tác phải nhanh và dứt khoát để bột bám vào nhau thành hình tròn, không bị rây ra xung quanh. Khi phần bột giữa chín phồng lên, viền bánh cong lại, rám vàng, bánh có hình chiếc nón úp ngược thì vớt ra, xếp bánh lên khăn giấy cho thấm bớt dầu, rồi bày ra đĩa.
 

Chảo dùng để chiên bánh phải sâu để dầu ngập bánh.
 
Chiếc bánh tai yến đạt yêu cầu và làm người thưởng thức thấy ngon miệng là khi viền bánh giòn và uốn cúp vào mà không nhíu lại, chính giữa bánh mềm dai. Vì là món chiên dầu, nên ít ai dùng bánh tai yến ngay trước hay sau mỗi bữa ăn chính, nhất là bữa tối, mà thường dùng vào tầm giữa sáng hoặc xế chiều, như một món quà vặt cho vui miệng.
 
Người ta thường ăn bánh tai yến ngay khi còn nóng để thưởng thức vị giòn ngọt của nó, kèm theo đó là ly trà nóng. Nhưng cũng có người để bánh nguội rồi mới thưởng thức, bởi tai yến để càng lâu thì phần ruột bánh càng mềm dai, ăn rất thơm mát.
 
Cô Năm Hà (bán bánh tai yến trên đường Cao Thắng - quận 3) cho biết, trước đây ở Sài Gòn vẫn có khá nhiều gánh hàng rong chuyên bán bánh tai yến, nhất là ở các đường Lê Thánh Tôn (quận 1), chợ Vườn Chuối (quận 3)... khoảng 5 năm trở lại đây, bánh tai yến cứ dần biến mất trên các vỉa hè Sài Gòn, hiện nay chỉ còn lác đác vài ba người bán bánh tai yến.
 
Gánh bánh của bà đến nay vẫn được khá đông khách tìm đến thưởng thức, trong đó có nhiều người là khách Tây, vì món bánh dễ ăn, lạ miệng, giá cả lại vừa phải, một chiếc chỉ tầm 5.000 đồng.
 

Gánh bánh tai yến của cô Năm Hà, một trong những gánh bánh
 còn sót lại tại Sài Gòn.
 
Trong cuộc sống của người miền Tây, chiếc bánh tai yến là thứ quà bình dân mà mọi người hay làm để ăn chơi hay thậm chí là chống đói… nên không phải người thành phố nào cũng cảm nhận hết cái vị ngọt ngọt, mát mát mà chiếc bánh mang lại.
 
4. Bánh cóng lạ từ tên gọi

Cái tên bánh cóng không biết ai đã đặt cho loại bánh này, nhưng đơn giản khi nhìn thấy người ta đổ bánh, bạn sẽ tìm được câu trả lời. Bánh được đổ trong chiếc cóng có dạng giống chiếc ca nhôm nhỏ, gắn với tay cầm để tiện lợi cho việc đổ bột vào.

"Bánh cóng" gợi cho người ta một cảm nhận lạnh giá, nhưng khi ăn vào thì hoàn toàn ngược lại, bởi bánh rất nóng và giòn. Bánh cóng có nét rất quen thuộc như những món dân dã khác như bánh xèo, bánh khọt, bánh cuốn… và nguyên liệu làm nên bánh cóng cũng khá đơn giản gồm: bột gạo, thịt xay nhuyễn trộn hành và gia vị cho vừa ăn, tôm tươi, đậu xanh đã được luộc chín…
 
Những chiếc cóng để đổ bánh.

Người bán đổ một lớp bột dước đáy cóng, sau đó phủ thêm một lớp đậu xanh đã luộc chín, thịt xay nhuyễn, tôm tươi, sau đó tiếp tục đổ một lớp bột gạo lên trên. Nhúng bánh vào chảo dầu thật sôi, chờ cho bánh chín rồi treo trên vỉ sắt cho ráo dầu, sau đó lấy bánh ra.

Chị Bích Trâm, chủ quán bánh cóng Cà Mau trên đường Lê Đại Hành (quận 11), chia sẻ: "Phải thật nhanh tay và khéo léo khi đổ bánh cóng, bởi bạn phải luôn tay múc bột đổ vào cóng, rán bánh vàng, rồi vớt ra".

Bánh cóng ăn kèm rau xà lách, rau thơm các loại, chấm với nước mắm chua cay ngọt, kết hợp một chút đồ chua làm từ củ cải đỏ và trắng. Mỗi chiếc bánh chỉ nhỏ gọn trong lòng bàn tay, tuy nhiên ăn khoảng 3 cái là bạn đã cảm thấy no bụng rồi. Giá mỗi cái bánh cóng 6.000 - 8.000 đồng. Bánh được bán vào đầu giờ chiều cho đến tối. Ở Sài Gòn, món bánh cóng được bán trên đường Nguyễn Tri Phương (quận 10), Lê Đại Hành (quận 11), Lê Văn Sĩ (quận 3)…
 

Nguyên liệu làm nhân bánh.
 

Bánh để ráo mỡ trước khi ăn.
 

Bánh ăn kèm với rau hoặc có thể ăn kiểu cuốn bằng rau xà lách.
 
 
 
Hãy truy cập "Phượt cùng ảnh cưới" để bình chọn cho bộ hình mà bạn yêu thích. Chỉ với 5K/1SMS, bạn có cơ hội sở hữu ngay 3.000.000VND tiền mặt nếu bạn là người nhắn tin thứ 10.000, 1.000.000VND nếu bạn là người thứ 5.000.

Thời gian bình chọn (qua SMS hoặc anhcuoi.afamily.vn) bắt đầu từ 14h ngày 20/12 đến hết 22h ngày 22/12/2011.
Chia sẻ