Quảng Ngãi - ở lưng chừng thời gian

Lazy's story,
Chia sẻ

Cần nhiều chuyến đi thế này để biết rằng dù cuộc chiến tranh đã ngủ yên trong quá khứ, nhưng những ký ức về nó không nên và không bao giờ được lãng quên.

Một điều (mà theo mình) khá thú vị, đó là trong 5 cuốn sách mang đi lần này, mình ngẫu nhiên đọc Ở lưng chừng thời gian (The time in between) trong suốt quãng đường từ Hà Nội đi Quảng Ngãi. Cuốn tiểu thuyết dày hơn 300 trang của David Bergen, viết về đề tài hậu chiến, kể về cuộc tìm kiếm người cha mất tích của Ada và Jon.

Cha họ, Charles Boatman, nguyên là một cựu binh Mỹ đã từng tham gia cuộc chiến tại VN. Trong cuộc hành quân ngang qua một làng nhỏ ở Quảng Ngãi, Charles đã lỡ tay bắn chết một cậu bé (mà ông lầm tưởng là một người lính Bắc Việt) và sự việc đó đã ám ảnh ông cho đến mãi về sau.

Cho đến một ngày, khi không chịu nổi sự dày vò của quá khứ, ông đã lẳng lặng trở lại VN "giải đáp vài bí ẩn" để "hiểu được điều gì đã xảy ra" với mình. Nhưng, Charles đã không tìm thấy những gì ông cần và cuối cùng ông đã tự "giải thoát" bằng cách trẫm mình ở biển Mỹ Khê. 

Công bằng mà nói, có thể Ở lưng chừng thời gian còn xa lắm mới đạt đến tầm của Giã từ vũ khí, nhưng trong một chừng mực nào đó, đây cũng là một tiểu thuyết mang lại sự ám ảnh cho người đọc.

Nhưng Quảng Ngãi trong Ở lưng chừng thời gian và… Google không mang lại lượng thông tin như mình mong đợi. Hay nói đúng hơn ngoài hai cụm từ: "Thảm sát" và "Đặng Thuỳ Trâm" ra, mình chả biết gì về Quảng Ngãi cả.

 
Cuống quýt xuống ga Quảng Ngãi…

Cho đến khi cuống quýt kéo vali xuống ga xép Quảng Ngãi (tàu chỉ dừng ở ga này có 3 phút thôi), mình vẫn còn lẩm bẩm nguyền rủa sếp nào đã quyết định dời hội nghị từ Đắk Lắk về cái mảnh đất khỉ ho cò gáy này, để mình không được đi máy bay (mà phải đi tàu hoả mất 20 giờ đồng hồ), không được lượn lờ cafe phố núi, không được mua thịt nai khô về nhâm nhi với mẹ Tom…

Thế nhưng, khi xe đi vào trung tâm thì mình tự cảm thấy xấu hổ về cái sự kém hiểu biết của mình. Không giống như những gì mình lầm tưởng, Quảng Ngãi khá hiện đại với những toà nhà phảng phất kiến trúc Châu Âu, đại lộ quang đãng, quán cafe - karaoke nhiều như nấm mọc sau mưa…

 
Một Quảng Ngãi mang hơi thở hiện đại

Giới trẻ Quảng Ngãi cũng không kém cạnh giới trẻ ở các thành phố lớn. Áo dây và váy ngắn. Laptop và cafe wifi. Yahoo và Sky. Đồ uống có cồn và xe scooter. Có thể nói nếu chỉ nhìn Quảng Ngãi của ngày hôm nay, rất khó để hình dung một Quảng Ngãi từng "được" mệnh danh là "xứ sở của những cuộc thảm sát" trong quá khứ.

Ngày thứ hai ở Quảng Ngãi, trời không nắng cũng không mưa. Mình đang ngồi lơ đãng khuấy ly cafe loãng toẹt thì bé Thảo - người ở cùng phòng với mình trong thời gian ở Quảng Ngãi - hí hởn thông báo là sếp quyết định sẽ thiết kế một chuyến đi thăm "Quần thể di tích theo dòng nhật ký Đặng Thuỳ Trâm". Ơn trời, vậy là mình khỏi phải bắt xe đi một mình!

Đúng 1 giờ chiều, cả đoàn hơn 100 người rầm rộ tiến về huyện Đức Phổ, cách trung tâm Quảng Ngãi 40 km, là nơi Đặng Thùy Trâm từng sống và chiến đấu từ năm 1969 cho đến khi chị hi sinh năm 1970.

Thật ra trước khi đi cũng có nhiều người dân địa phương khuyến cáo đường lên khu mộ của chị Trâm rất khó đi, phải "băng rừng lội suối" mười mấy km. Nhưng cái đầu ngu của mình thì cứ chắc như ăn bắp rằng "băng rừng lội suối" là chỉ đi đường… thẳng, thế là mình cũng mũ tai bèo xì tin - dép cao su - gậy Trường Sơn, gia nhập hội "trẻ" đi vào khu mộ Đặng Thùy Trâm mà không ở lại câu cá, đánh cờ, uống trà với hội "già". Ngu mà ngông là tai hại thế đấy!
 

Dép cao su xì tin.


Vô cùng thích lội suối bì bõm… nhưng vô cùng ghé bị dép cao su cọ vào chân.

Để tới khu mộ của Đặng Thùy Trâm phải đi xuồng máy qua sông. Khi sang đến bờ bên kia, quả thật mình cũng có tí thất vọng khi nhìn thấy một vùng núi đá lởm chởm, hoang vu. Đến đây thì lại nảy sinh vấn đề là hoá ra… chả ai biết đường cả, nhưng phát huy tinh thần "đâu có đường là ta cứ đi", cả đoàn vẫn hăng hái tiến về phía trước.

Muốn đến khu mộ Đặng Thùy Trâm phải đi xuồng máy qua một khúc sông…

Vì thế nên mới có chuyện buồn cười là phía chân núi rộng thênh thang thì không ai đi (do không có đường), mà mọi người lại hò nhau bò lổm ngổm trên đường mòn "rộng" cỡ… 3 bàn chân nằm vắt vẻo lưng chừng núi.

Đường mòn đó hẹp, nghiêng, trơn kinh dị, chẳng may sảy chân một phát thì với độ cao ấy, cầm chắc sẽ xuống… dưới đó làm… y tá cho chị Đặng Thùy Trâm! Đi hết đường mòn là tới một thung lũng xanh mướt với ruộng lúa, đìa cá, lều nhỏ lợp lá… và những con trâu béo tròn thủng thẳng gặm cỏ.

Giá như cứ đủng đỉnh đi như thế thì thích thú biết mấy, ai dè đi được chừng 30 phút thì bắt đầu phải… trèo. Đường dốc gần như dựng đứng, nền đất ẩm ướt do đêm trước mưa, lại không có gì để vịn bám vì cây hai bên đường đi chủ yếu là cây thân mềm, có gai… làm chiến sĩ Lazy (là mình) xuội lơ. Và nếu không có một người tốt bụng nhất trong những người tốt bụng là anh Nghĩa kéo lên thì có lẽ mình đã phải ngồi lại dọc đường kiểu "ôm cây đợi thỏ" rồi.

Leo dốc chừng 45 phút thì đến Di tích Bệnh xá huyện Đức Phổ ở lưng chừng núi. Hiện giờ người ta mới chỉ phục dựng các lán nhỏ thô sơ với giường bệnh là những chiếc chõng tre. Nghe nói sắp tới hệ thống đường ống nước bằng tre dẫn vào từng lán sẽ được hoàn tất.

 
 Bệnh xá dã chiến của Đặng Thùy Trâm ở lưng chừng núi.
 

Người ta dựng lại những lán quân y thô sơ và những chiếc chõng tre – giường bệnh

Leo thêm chừng ấy phút nữa thì lên đến đỉnh núi, nơi đặt mộ Đặng Thùy Trâm. Thực ra chỉ là mộ bia tưởng niệm, còn hài cốt của chị đã được gia đình mang về Bắc rồi. Mệt xì khói, mắt hoa lên. Mình thề là mình nhìn thấy những… hai ngôi mộ Đặng Thùy Trâm, nhập vào rồi tách ra, tách ra rồi nhập vào… hehe…

 
Bia mộ Đặng Thùy Trâm.


Bức tranh Đặng Thùy Trâm do một sinh viên Đại học Mỹ thuật Đà Nẵng vẽ.
 

Bệnh xá Đặng Thùy Trâm.

Bức tượng Đặng Thùy Trâm đặt trong bệnh xá.
 
Leo lên khó khăn như vậy nhưng cả đoàn chỉ ở lại đỉnh núi một chút. Trời mây đen vần vũ khiến tất cả phải ba chân bốn cẳng xuống núi thật nhanh, bởi nếu trời mưa thì 100% phải ngủ đêm trên núi. Xuống dốc khoẻ hơn leo lên, nhưng lúc này suối là ác mộng vì mỗi lần phải lội suối thì quai dép cao su xiết vào chân rất đau.

Về khách sạn nhìn đôi bàn chân phồng rộp, nhớ lại quãng đường dốc lên núi và bệnh xá với những trang thiết bị thô sơ, mình thật sự khâm phục những người có thể sống, chiến đấu, chữa bệnh... trong điều kiện khó khăn như thế mà vẫn lạc quan, vui vẻ, yêu đời. Trong khi đám con cháu đỏ da thắm thịt, bụng chứa toàn sơn hào hải vị mà leo có non chục km dốc đã thở còn không ra hơi (huống gì là chiến đấu!).

Đây thực sự là một chuyến đi rất mệt nhưng rất có ý nghĩa. Cần nhiều chuyến đi thế này để thấy bản thân mình còn ấu trĩ, trẻ con lắm; gặp một tí khó khăn đã kêu la rầm trời, gặp một tí thử thách đã hăm he bỏ cuộc.

Và cũng cần nhiều chuyến đi thế này để biết rằng dù cuộc chiến tranh đã ngủ yên trong quá khứ, nhưng những ký ức về nó không nên và không bao giờ được lãng quên. Giống như một bài thơ của Frederic Whitehurst (người sĩ quan thông tin Mỹ đã lưu giữ Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm, bản dịch của Uyên Ly) mà mình tình cờ đọc được trong Phòng trưng bày Bệnh viện đa khoa Đặng Thuỳ Trâm ở xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ:

Và lúa lại lên xanh
Tại nơi người ta nghe thấy những tiếng gào thét
Lúa hứa hẹn mùa thu hoạch đang tới
Bởi vì kỷ niệm phai dần, và chúng ta sẽ bước tiếp trong trái tim của con cháu chúng ta…
Chia sẻ